Chuyển nơi làm việc mới không may bị sếp ghét, cô nàng vẫn cố ngọt nhạt thì bị sếp "chỉnh" một câu nhớ đời

Chúng ta chẳng thể làm vừa lòng tất cả mọi người, càng không thể tránh được tình cảnh bị ai đó trong công sở ghen ghét, đố kỵ. Nhưng đáng sợ nhất là bị sếp ghét bỏ.

Lần đầu gặp anh Phan - Trưởng phòng mới của tôi, tôi đã thấy có điều chẳng lành. Khi ấy tôi 27 tuổi, mới được chuyển từ thành phố khác về chi nhánh A. Trong buổi họp đón nhân viên mới, tôi và 2 người khác, anh Phan không nhìn bất cứ ai. Anh ta vốn được nhân viên khắp chi nhánh đồn thổi là chẳng coi ai ra gì, nhưng đúng là một trong những nhân vật giỏi nhất tôi từng gặp và làm việc cùng. 2 tháng sau đó, tôi cứ làm việc trong sự lo âu, nặng nề.

Tôi tưởng rằng, có thể là với tính cách có phần khác người ấy của anh ta thì nhân viên nào chẳng phải sợ. Thế nhưng hóa ra tôi lại nhầm. Đồng nghiệp của tôi dường như không mấy để tâm tới chuyện ấy, họ cứ chăm chỉ làm, cần mẫn cống hiến. Và chính sự để tâm ấy đã khiến tôi gặp không ít khó khăn trong sự nghiệp! Thật sự là chẳng ai trong số chúng ta mong muốn mình sẽ trở thành "cái gai trong mắt" của sếp. Tôi lại vì quá để ý tới thái độ của sếp mà khiến việc lẽ ra cần chuyên tâm thì lại lơ là.

Sếp giao cho 3 nhân viên mới 3 dự án trong 6 tháng cuối năm, chúng tôi đều hùng hục cày cuốc ngày đêm để có bản kế hoạch ưng ý nhất chứng minh năng lực bản thân. Nếu hai đồng nghiệp của tôi không mấy bận tâm xem sếp đối xử với họ thế nào mà chỉ chăm chút cho bản kế hoạch thì tôi lại để ý từng động thái của sếp mỗi khi tôi thuyết trình. Một cái nhíu mày, một cái lắc đầu, một ánh mắt nghi ngờ của sếp Phan cũng khiến tôi giật nảy. Thế là từ một đứa có tiếng tự tin trong việc thuyết trình, tôi cứ loay hoay mãi cho bản kế hoạch ấy. Tới deadline, hai đồng nghiệp của tôi được duyệt dự án, còn tôi thì không. Tôi nhận ra cái lúc mà mình quá để tâm tới thái độ của sếp, muốn làm hài lòng sếp thì tôi lại quên béng mất phải làm tốt bản kế hoạch.

Từ đó tôi lại càng nhụt chí, sếp Phan thì vẫn như thường, hay cáu gắt, ít nói, không cười đùa, thậm chí nhân viên cũng hiếm khi nói chuyện được với sếp nếu không phải những thứ liên quan tới công việc. Mà chuyện ấy như thường ngày, ai cũng dần quen với điều đó rồi, nên mọi người cứ ai làm việc của người ấy.

Tôi ra trường được 4 - 5 năm rồi, đi làm cũng không ít chỗ, cũng gặp nhiều kiểu sếp, mà sếp Phan đúng là lạ lùng thật. Tôi nhớ lại sếp của tôi ở tổng công ty lớn trên thành phố đợt trước khi chuyển về đây anh ấy chu đáo với nhân viên, hòa đồng và rất tâm lý. Rơi vào chi nhanh này tôi thấy thật trớ trêu. Đi làm mà sếp như vậy thì nhân viên sao mà làm việc hăng hái được chứ! Tôi dồn hết tâm huyết vào bản chỉnh sửa kế hoạch lần này cho “lão” sếp khó ưa.

Cuối tháng vừa rồi có buổi tiệc nho nhỏ tổng kết kinh doanh và tổ chức sinh nhật cho những nhân viên có sinh nhật trong tháng. Là đứa ham vui, tôi chẳng ngại chơi hết mình, quẩy nhiệt tình. Cả bữa tiệc, ai nấy cũng rôm rả cười nói, riêng “lão” sếp mới 35 tuổi khó tính ngồi đăm chiêu, một mình chẳng vui chơi với ai hết. Tôi quay ra nói với mấy chị đồng nghiệp: “Sếp cứ như thế thì nhân viên ai chịu được, dị nhân à các chị?!”. Mấy chị cười rồi nói với tôi: “Sếp Phan lúc nào cũng thế, người giỏi quá họ hay có tính cách khác lạ hơn một chút, nhưng sếp tốt lắm, kệ đi mày”.

Tôi định bụng ghét thật nhưng vẫn phải nịnh chứ, mình là nhân viên, “lão” ấy là người tăng lương cho mình cơ mà. Đầu nghĩ mà chân tay tôi đã nhanh nhảu hoạt động, cầm ngay cốc tới chỗ sếp ngồi, nhiệt tình mời sếp uống. Sếp không từ chối, nhấp ngụm vừa vừa, nói: “Trong công việc cũng nhiệt tình như thế này sẽ tốt hơn đấy, chuyên tâm vào mà phát huy nhé!”. Tôi cũng chỉ vui vẻ vâng vâng dạ dạ rồi rút.

Trước đây tôi cứ nghĩ là sếp ác cảm với tôi, làm gì cũng bị gạt đi, nói gì cũng chưa đúng, kế hoạch nào cũng sửa lên sửa xuống, luôn bị nhắc nhở từ những lỗi nhỏ nhất. Mấy ngày sau hôm liên hoan ấy, tôi cứ nghĩ đi nghĩ lại cái câu của sếp, lúc đầu thì tưởng là câu nói động viên cho có lệ, hóa ra không phải.

Từ hôm nhận công tác ở chi nhánh mới, tôi đúng là chểnh mảng thật, chi lo lấy lòng sếp mà công việc của mình lại làm chưa hết mình, tính tình thì bốc đồng, trẻ con. Cũng may là tôi chưa làm gì sai trái tệ hại như viết lên mạng xã hội hay chơi xấu bằng mấy trò như trẻ con hay làm với cô giáo chủ nhiệm.

Sau đợt ấy, tôi toàn tâm toàn ý cho công việc, mấy cái vặt vãnh tôi dẹp hết qua một bên. Kể cả có đôi lần sếp mắng, tôi vẫn mặt dày cãi lại nếu tôi đúng, bảo vệ đến cùng ý kiến của mình. Lấy lại được phong độ thuyết trình, tôi không ngần ngại phô hết mấy tài năng, thế là dự án của tôi được “lão” Phan chọn để thuyết trình với đối tác, dĩ nhiên là vẫn phải sửa không ít.

Hùng hục như trâu, thoắt cái lại được nửa năm làm ở chi nhánh mới. Tôi cũng quên mất trước đây mình ghét sếp mới như thế nào, giờ tôi bận làm dù cũng vẫn thấy “lão” chẳng khó ưa mấy.

Chúng ta chẳng bao giờ có thể làm vừa lòng tất cả mọi người, việc bị ai đó ghét bỏ trong cuộc sống, ghen ghét trong công việc là điều khó tránh, đặc biệt là trong một môi trường phức tạp và đầy rẫy những thị phi, bon chen, đua tranh như nơi công sở. Dân công sở thường khó tránh khỏi tình trạng bị đồng nghiệp không ưa; tuy nhiên việc này vẫn chưa kinh khủng bằng việc bị sếp ghét bỏ. Với vai trò là người trực tiếp theo dõi, đánh giá công việc, nếu đã lỡ để sếp ghét thì khó khăn sẽ chồng chất khó khăn, con đường thăng tiến và thể hiện cũng vì đó mà mù mịt đi trông thấy.

Thế nhưng đứng trước tình huống ấy, đừng vội nản lòng hay tiêu cực, cứ bình tĩnh và nhìn lại chính mình. Điều cốt yếu là hãy tự điều chỉnh lại bản thân để có cách hành xử hợp lý nhất, đừng quá cực đoan nhưng cũng đừng quá nhún nhường./.


* Nội dung liên quan: