Chuyến xích lô 2,9 triệu đồng của ông lão Nhật Bản và những bức xúc không thể lắng xuống

Ngày 4/8, theo thông tin từ báo Thanh niên, chiều 3/8 ông Oki Toshiyuki (83 tuổi, người Nhật Bản) đi dạo quanh khu vực trung tâm quận 1 (TP.HCM) thì có một người đạp xích lô đẩy xe theo mời đi.

Khi gần đến chợ Bến Thành, ông Oki Toshiyuki đồng ý thuê người đàn ông này chở về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside trên đường Tôn Đức Thắng.

Khi tới nơi ông Oki Toshiyuki trả cho người đàn ông 500 ngàn đồng, tuy nhiên anh này tỏ ý đòi thêm. Dù vậy, khi ông Oki chưa kịp rút thêm tiền thì bị người đàn ông bất ngờ thò tay vào bóp lấy thêm các tờ tiền mệnh giá 500 và 200 ngàn rồi bỏ đi.

Theo ghi chú trong cuốn sổ mang theo, ông Oki đã phải trả 2,9 triệu đồng cho chuyến xích lô dài khoảng 1,5km. Dù vậy du khách lớn tuổi này vẫn cho rằng, lỗi là của mình vì đã không hỏi giá trước khi lên xe.

Trả lời câu hỏi của PV Infonet về hành vi của người đạp xích lô, luật sư Bùi Quang Nghiêm – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định “không thể không xử lý hành vi này”. Thậm chí ông Nghiêm cho rằng, cần xử lý hình sự người lái xích lô

“Trong trường hợp này tôi cho rằng, cần xử lý tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” của người khác, còn nếu dùng vũ lực uy hiếp phải giao tiền thì đó là tội “Cướp tài sản” – ông Nghiêm nói.

Trong khi đó, trao đổi với PV Infonet chiều 4/8 Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ông chưa nắm được việc này. Ông Vũ khẳng định, sẽ thông tin đến báo chí khi nghe báo cáo lại sự việc.

Khoản 1, Điều 172 Bộ Luật hình sự 2015 quy định về Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (...), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo phân tích của hãng luật Hoàng Phi, tội này có dấu hiệu sau: Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, không cần che giấu, được thực hiện trước mặt bị hại và những người khác.

Việc thực hiện hành vi chiếm đoạt này thường là do người phạm tội biết bị hại không dám hoặc không có đủ khả năng tự vệ (như biết bị hại là người già yếu, người bị hại là trẻ em…). Mặt khác, việc thực hiện hành vi chiếm đoạt xảy ra bình thường, không nhanh chóng như đối với tội cướp giật tài sản.

Theo infonet