Có 2 quý tử, ông cụ 70 tuổi vẫn chi 7 triệu⁄tháng thuê tôi đến viện dưỡng lão thăm nom mỗi tháng 1 lần

Thấu hiểu nỗi lòng của ông cụ, chàng trai Trung Quốc đã chấp nhận “yêu cầu” đến viện dưỡng lão thăm ông mỗi tháng một lần.

*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Vương Lực, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).

Cuộc gặp “bất đắc dĩ”

Gần đây thời tiết trở lạnh, bố tôi đang làm việc ở Quảng Đông đột nhiên gọi điện muốn tôi thay bố vào viện dưỡng lão thăm 1 người họ hàng xa - người tôi gọi là ông Vương.

Thực lòng, trí nhớ của tôi về người họ hàng này khá mơ hồ. Tôi chỉ biết hồi nhỏ khi còn ở với ông bà nội, thỉnh thoảng ông Vương lại mua đồ ăn đến cho tôi. Trong các dịp Tết Nguyên đán, ông thường tặng tôi những phong bao lì xì màu đỏ và một vài món đồ chơi. Đã nhiều năm trôi qua, tôi chưa từng gặp lại ông cụ nữa nên lần này cũng cảm thấy có chút ái ngại, không được tự nhiên. Tự hỏi không biết người ông này có nhận ra mình nữa không.

Hai ngày trước, theo yêu cầu của bố, tôi đi siêu thị mua 2 túi yến mạch lớn - là món mà ông Vương rất thích cùng với một ít quần áo ấm và dép bông rồi lái xe đến viện dưỡng lão trong huyện.

Khi đến nơi, tôi nhìn thấy người họ hàng của mình đang ngồi phơi nắng ở đằng xa. Khi tôi bước tới, y tá liền thông báo: “Chú Vương, có người nhà chú đến thăm chú này.” Ông Vương nghe xong liền ngẩng đầu lên liếc nhìn tôi, phải mất ba giây mới phản ứng được rồi nói: "Vương Lực à cháu, lớn nhanh thế này rồi ư? Sao bố cháu không đến cùng?"

Có 2 quý tử, ông cụ 70 tuổi vẫn chi 7 triệu/tháng thuê tôi đến viện dưỡng lão thăm nom mỗi tháng 1 lần - Ảnh 1.

Tôi mỉm cười nói: “Bố cháu làm việc ở Quảng Đông, bố nói thời tiết đang trở lạnh nên nhờ cháu mang ít đồ vào cho ông ạ. Có ngũ cốc, đồ ăn, quần áo ấm,... toàn những thứ mà ông thích đấy ạ”.

Ông Vương nhìn thấy túi đồ tôi mang tới thì mỉm cười, dù rất vui nhưng vẫn nói rằng: “Ôi mua nhiều làm gì, phí tiền cháu ạ!”

Sau khi cất xong đồ, tôi tính ngồi xuống trò chuyện thì ông Vương lại dắt tôi đi tham quan viện dưỡng lão. Ở đây không khí trong lành, môi trường rất tốt, thích hợp cho người già tĩnh dưỡng. Tuy nhiên, trong lúc cùng ông Vương đi dạo, tôi phát hiện một điều khá kỳ lạ là dù chúng tôi đi đến đâu cũng sẽ luôn có người nhìn theo. Đặc biệt khi có người hỏi tôi là ai, ông Vương sẽ luôn nói: “Đây là cháu trai tôi, đang làm việc ở huyện, hôm nay mới có thời gian nên đến gặp tôi.”

Lúc đầu tôi cũng khá ngạc nhiên bởi lẽ mình chỉ là họ hàng khá xa của ông Vương. Người cháu trai thực sự của ông cụ hiện đang sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, sau khi ghé viện dưỡng lão này được vài lần, tôi mới hiểu được lý do tại sao ông cụ lại trả lời như vậy.

Nỗi buồn tuổi già

Ở các viện dưỡng lão tư nhân, chất lượng sống của mỗi người được xác định hoàn toàn dựa trên số tiền chi trả hàng năm. Tùy theo điều kiện kinh tế mà những người sống ở đây có thể chọn dịch vụ phù hợp với mình. Phần lớn mọi người sẽ chọn ở phòng 2 người, phòng 4 người hoặc phòng 8 người. Còn với ông Vương, vì 2 người con của ông rất giàu có nên đã chọn cho ông gói dịch vụ cao cấp nhất là ở trong 1 phòng riêng biệt, có đầy đủ tiện ích và được chăm sóc rất tốt.

Thấy người họ hàng của mình sống trong một căn phòng tiện nghi và được hưởng những dịch vụ tốt nhất, tôi hào hứng nói: “Không phải ai cũng được ở một nơi đầy đủ như thế này, ông thật là may mắn”.

Ông Vương nghe xong, mặt trầm buồn nói: "Tốt gì đâu cháu, ăn ngon đến mấy thì ngày cũng chỉ ăn 3 bữa. Phòng lớn đến đâu cũng chỉ là một chiếc giường để ngủ. Điều tốt nhất với ông lúc này là được ở bên cạnh con cháu của mình. Thế nhưng con cháu của ông đều đang ở nước ngoài. Dù ông có muốn thế nào cũng chẳng thể làm gì được”.

Nghe xong những lời tâm sự đó, tôi mới nhận ra câu nói vô tư của mình lại đụng chạm đến nỗi buồn của ông cụ nên cảm thấy rất áy náy. Hóa ra, người có cuộc sống đủ đầy, chẳng phải lo nghĩ gì như ông Vương cũng có những nỗi muộn phiền riêng của mình. Người khác nếu không ở trong hoàn cảnh của ông thì khó có thể nhìn thấy được.

Ông Vương và vợ có 2 người con trai, cả hai đều thành đạt và có cuộc sống giàu sang khiến ông cụ rất đỗi tự hào. Tuy nhiên, những người con này của ông đều chọn sinh sống ở nước ngoài nên cuộc sống khi về già của 2 vợ chồng ông rất cô đơn. Mãi đến khi người vợ của ông qua đời, 2 con của ông mới về nước và sắp xếp cho ông sống ở viện dưỡng lão. Lúc này, ông cụ đã 70 tuổi.

Có 2 quý tử, ông cụ 70 tuổi vẫn chi 7 triệu/tháng thuê tôi đến viện dưỡng lão thăm nom mỗi tháng 1 lần - Ảnh 2.

Ai cũng nghĩ với điều kiện sống tốt như vậy, ông cụ sẽ sống những năm tháng cuối đời thật thoải mái, vui vẻ mà chẳng cần lo nghĩa gì. Thế nhưng họ và ngay cả tôi cũng đã lầm, có vẻ như ông cụ không hề thích cuộc sống trôi qua như vậy.

Ông Vương nói với tôi rằng điều hạnh phúc nhất của những người làm cha làm mẹ là về già có con cháu vây quanh. Ngay cả khi sống trong viện dưỡng lão, việc con cháu thường xuyên đến thăm nom còn khiến người khác ngưỡng mộ và tôn trọng mình hơn cả việc mình giàu có.

“Ví dụ như ông, dù là người có tài chính nhưng bao năm qua, ông không có người thân nào đến thăm nom. Vì thế nên mọi người ở đây không còn quan tâm nhiều đến ông nữa, thậm chí, có người còn lớn tiếng và coi thường ông,” ông Vương trải lòng.

Nghe đến đây, tôi mới hiểu vì sao lúc tôi đến thăm, ông cụ lại muốn dẫn tôi đi tham quan khắp nơi và giới thiệu với mọi người tôi là cháu trai của mình. Hóa ra, ông cụ muốn cho mọi người ở đây biết ông không hề cô độc mà cũng có người nhà tới thăm và quan tâm mình như những người khác.

Sau khi trò chuyện được một lúc, tôi bận việc nên xin phép ông ra về. Không ngờ, tôi bị ông cụ kéo lại, dúi một ít tiền vào tay rồi nói: “Vương Lực à, từ giờ trở đi, cháu có thể đến viện dưỡng lão thăm ông mỗi tháng một lần được không. Ông sẽ gửi cháu 2.000 NDT/tháng (gần 7 triệu đồng) nhé.”

Khi nhìn thấy số tiền trên tay, tôi vô cùng bối rối nhưng vẫn nhanh chóng trả lại ông Vương rồi nói: “Ông đừng làm thế, khi nào có thời gian cháu nhất định sẽ qua thăm ông. Cháu không lấy tiền đâu, ông cứ giữ lại cho mình nhé.”

Nghe vậy, ông cụ cũng xuôi lòng nhưng vẫn không nỡ để tôi về ngay. Thấy vậy tôi bèn an ủi: “Ông yên tâm, tháng nào cháu cũng sẽ vào thăm ông, cháu hứa đấy!”

Lúc này, ông cụ mới an tâm để tôi ra về. Lúc chào tạm biệt, tôi còn thấy ông đứng mãi ở cổng và khóc. Giây phút đó, lòng tôi như nghẹn lại, có chút không nỡ rời đi. Trên đường về, tôi không khỏi thở dài và nghĩ tuổi già thật khó khăn. Có lẽ nỗi bất lực lớn nhất của người già không phải là không có tiền bạc mà là không có con cái bên cạnh chăm sóc.

Thiết nghĩa trong cuộc sống ngày nay, con cái dù có bận rộn làm ăn, mưu sinh đến mấy cũng nên dành thời gian ở bên và quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn. Trong khi người trẻ có nhiều niềm vui khác nhau trong cuộc sống thì niềm vui của người già chỉ giản đơn là được nói chuyện cùng con cháu, có người kề cạnh bên những lúc ốm đau. Vậy mà ông Vương của tôi lại không có niềm hạnh phúc đấy. Nghĩ đến thôi cũng thật đau lòng.

(Theo Toutiao)