Nhắc đến Tết, có lẽ hội chị em phụ nữ ở Việt Nam mà đặc biệt là các nàng dâu luôn có nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều người phát ngán bởi những ngày vào bếp sấp mặt, có người thì lại cảm thấy háo hức đến khoảng thời gian được vui chơi, quây quần bên gia đình sau một năm tất bật. Vậy ngày Tết đối với chị em Việt làm dâu ở nơi cách cả nửa vòng trái đất như nước Mỹ, sẽ như thế nào?
Mối lương duyên định mệnh
Kể về mối lương duyên định mệnh của mình, chị Hồng Vân (30 tuổi) vui vẻ cho biết lần đầu gặp anh nhà ở bang Colorado (Mỹ) khi đang theo học thạc sĩ tại đây hồi cuối năm 2013.
“Sau đấy thì mình tốt nghiệp trước rồi chuyển sang bang khác làm việc, yêu xa nửa năm thì anh ý chuyển sang gần mình rồi yêu nhau thêm mấy tháng rồi mình thủ thỉ với mẹ là con đưa về Việt Nam ra mắt cả nhà. Được hơn năm sau thì đính hôn rồi chúng mình về Việt Nam làm đám cưới dịp Tết năm 2017. Và hiện giờ thì chúng mình đã có một em bé được hơn 1 tuổi rồi”, chị Vân kể.
Theo chị Vân, không nên so sánh việc lấy chồng Việt hay lấy chồng ngoại, mà quan trọng nhất là gặp đúng người, đúng thời điểm. Ban đầu, người thân và bạn bè của chị Vân cũng bày tỏ sự lo lắng vì Việt Nam và Mỹ là 2 nền văn hóa hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, nhờ học tiếng Anh từ nhỏ, cũng tìm hiểu về phong tục tập quán và văn hóa nước Mỹ khá nhiều nên chị Vân cũng không gặp nhiều khó khăn với cuộc sống hôn nhân sau khi cưới.
“Chỉ có một điểm thể hiện rõ nhất sự khác biệt trong văn hóa giữa vợ chồng là việc giữ ý và nói thẳng. Mình trước thì có gì chưa hài lòng thì một là để trong bụng, hai là chỉ đánh tiếng thôi chứ rất ít khi nói thẳng. Tuy nhiên, văn hóa Mỹ họ thường thẳng thắn, cũng không thích đọc ý ngầm. Anh nhà mình thích nói thẳng, nên thỉnh thoảng đang lúc nóng cũng có khi làm mình tủi thân tí. Nhưng trên thực tế, quan điểm của anh ấy là nói không phải là nóng giận, mà nói là để trao đổi ý kiến thẳng thắn để hiểu nhau.
Ngoài ra, lúc đầu mình cũng không thoải mái lắm với việc nói thẳng, vì mình hay giữ ý, sợ làm phật lòng người khác. Tuy nhiên, chồng mình luôn động viên mình là có gì nên trao đổi thẳng thắn, không để bụng vì để bụng lâu ngày thì cái này nó sinh ra cái kia, mà anh ý bảo không nói thì làm sao biết để mà sửa. Vì thế, mình cũng học dần và cố gắng cởi mở hơn trong việc góp ý cho nhau”, chị Vân chia sẻ.
Nỗi lòng những nàng dâu xa xứ
Không giống như ở Việt Nam, khi phần lớn các nàng dâu mới đều phải trải qua những bỡ ngỡ, khó khăn trong thời gian đầu sống chung với gia đình chồng, thì ở Mỹ, chị Vân lại không áp lực trong việc gọi là “nhập gia tùy tục”.
“Anh nhà mình tuy là con trai cả nhưng bọn mình không ở cùng bố mẹ chồng, mà thậm chí là còn ở hai bang cách rất xa nhau. Bên này cũng có nhiều gia đình như vậy, nước Mỹ cũng rất rộng mà cũng nhiều nhà không đặt nặng vấn đề ở chung. Chị chồng mình ở Canada còn em chồng thì ở nơi cũng phải 5-7 tiếng đồng hồ đi máy bay. Vì không ở cùng nhau nên cũng không gặp những vấn đề nhỏ nhặt mà khi ở chung thường nảy sinh. Tuy nhiên, cũng vì không ở cùng nhau nên thỉnh thoảng cũng khá là buồn và thèm muốn cảm giác quây quần, cả với gia đình chồng và gia đình mình ở Việt Nam nữa, nhất là mỗi khi đến những dịp lễ tết”, chị Vân chia sẻ.
Tương tự, chị Trần Linh (29 tuổi) cho biết người Mỹ khi đủ 18 tuổi thường rời nhà để xây dựng cuộc sống riêng. Họ tôn trọng sự tự chủ của mỗi người, nên không ai can thiệp hay có ý kiến gì về cuộc sống của người khác. Nếu mà nói ra nói vào, tham gia ý kiến nhiều là họ rất khó chịu dù là người trong nhà.
Chuyến đi nửa vòng Trái đất đã đưa Chris gặp được người bạn đời Trần Linh.
Nói về việc làm dâu bên Mỹ, chị Linh miêu tả bằng cụm từ “định mệnh”. Được biết, chồng chị tên là Chris, đến Việt Nam năm 2017 sau khi du lịch qua một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia,… Dừng chân ở mảnh đất hình chữ S, Chris vừa tìm hiểu văn hóa, thắng cảnh địa phương, vừa làm việc ngắn hạn để có lộ phí cho hành trình tiếp theo.
Chị Linh là người gốc Tuyên Quang, trong một lần lên Hà Nội chơi đã vô tình gặp được vị hôn phu của đời mình. Chị cho biết anh là người chủ động làm quen, vì không thạo tiếng Anh nên chủ yếu phải dùng google dịch để nói chuyện. Chris sau đó cũng ở hẳn Việt Nam bởi anh dường như đã tìm được báu vật sau chuyến đi nửa vòng Trái Đất của mình.
Cả hai chính thức kết hôn vào đầu năm 2020 và cùng nhau trở về Mỹ. “Tới một đất nước xa xôi với văn hóa hoàn toàn xa lạ, mình thực sự cảm thấy sốc và lạc lõng. Phải cảm ơn chồng mình tâm lý và ân cần, đã giúp mình có thể nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nơi đây”, chị Linh kể.
Nàng dâu mới cho biết thêm rằng gia đình chồng cũng rất thân thiện, yêu thương và tộn trọng chị. Tuy nhiên, cũng vì sống riêng và ở xa nên thường một năm chỉ gặp nhau vài lần, gia đình cũng không có sự gắn kết chặt chẽ như ở Việt Nam.
“Những ngày lễ tết, nếu ở Việt Nam con cái thường biếu bố mẹ chút tiền hoặc quà cáp để tri ân thì bên này họ không có khái niệm đó, nên Chris cảm thấy rất kỳ cục mỗi khi thấy mình gửi tiền hay quà cho bố mẹ ở Việt Nam. Mình có giải thích nhưng sự khác biệt dù sao cũng khó chấp nhận, nên mình phải tìm cách dung hoà để chồng luôn cảm thấy thoải mái và công bằng giữa 2 gia đình”, chị Linh cho hay.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Linh tiếp tục không thể về Việt Nam đón Tết truyền thống cùng gia đình. “Năm đầu xa nhà, mình nhớ lắm. Nhớ gia đình, nhớ chợ tết với mùi hoa quả và tiếng người bán người mua, một nét rất riêng mà chỉ ở Việt Nam mới có. Tuy nhiên, cũng phải đi làm cả ngày nên công việc cũng cuốn mình đi không có thời gian mà buồn”, chị thở dài.
Công việc của Linh ở Mỹ là làm nail, thường phải làm từ 9h30 sáng đến 8h tối. Theo chị Linh chia sẻ thì phần lớn ngưởi Việt bên Mỹ đều phải làm việc trên 10 tiếng mỗi ngày, vì các loại hóa đơn rất nhiều, tiền thuế cũng cao, cuộc sống khá vất vả chứ không giàu có sung sướng như số đông mọi người vẫn nghĩ.
“Thế nên vào đêm giao thừa, mình cũng cố gắng làm một mâm cơm cúng vái vọng về quê nhà thôi. May được anh chồng cũng nhớ Tết Việt Nam, cũng hiểu nỗi lòng của vợ nên ra sức giúp đỡ mình chuẩn bị các thứ. Đồ ăn tuy không có đầy đủ các món như ở Việt Nam nhưng mình cũng cố gắng mua và làm những thứ giống ngày tết nhất để cúng giao thừa”, chị Linh nói và gạt nhẹ giọt nước mắt.
Nhớ nhà cũng là tâm trạng của chị Vân mỗi dịp tết đến xuân về, dù đã sinh sống ở Mỹ nhiều năm. Nỗi nhớ lại càng rạo rực hơn kể từ khi chị lập gia đình và bị cuốn theo guồng quay của công việc.
“Năm ngoái đón Tết có mỗi vợ chồng mình và con. Tuy nhiên, mình cũng mua bánh chưng, giò, gói nem, làm thêm bát canh măng và mấy món xào nữa rồi cả nhà ăn với nhau. Bây giờ em bé lớn hơn một chút rồi, nên Tết này mình sẽ cho con đi xem hội Tết bên này mọi người tổ chức. Thành phố mình ở cũng đông người Việt nên mình cũng sẽ cố gắng làm quen để sau này dịp Tết đến, nếu không được về Việt Nam đón Tết thì cũng tham gia tổ chức cùng hội người Việt bên này cho đỡ nhớ và cũng để em bé nhà mình biết thêm phong tục tập quán Việt Nam”, chị Vân chia sẻ.