Lê Ngọc Hân, 23 tuổi ở Trà Vinh chia sẻ về cuộc hành trình đi bộ hơn 2 nghìn cây số có cả những hiểm nguy và cả những tấm lòng nhân hậu giúp cô vô điều kiện.
Tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Ngọc Hân nhận được công việc lương cao ngay sau khi ra trường. Nhưng cuối năm 2019, cô quyết định nghỉ việc để thực hiện mơ ước của đời mình: hành trình đi bộ xuyên Việt. Kế hoạch Hân đặt ra là đi trong vòng 51 ngày với 2.458 km, bắt đầu từ Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, kết thúc ở đất mũi Cà Mau.
Tay kéo chiếc xe gỗ đựng hành lý, Hân đi xuyên Việt.
"Mình muốn thực hiện chuyến đi để không bỏ quên tuổi trẻ và lưu lại kỷ niệm đẹp của tuổi trẻ. Mình phải thực hiện ngay vì sợ rằng sau nay lớn tuổi có thể dư về thời gian, nhưng chưa chắc đã có sức khỏe để thực hiện", Hân nói. Cô gái 23 tuổi đã nhận rất nhiều 'gạch đá' khi đăng thông tin kêu gọi tài trợ cho chuyến đi của mình, nhưng cuối cùng Hân cũng được một công ty tài trợ một khoản tiền nhất định.
Hân đi giữa trời mưa.
Để chuẩn bị thể lực cho hành trình này, Hân đề ra kế hoạch mỗi ngày chạy bộ 15km, hoặc đi bộ 60-65km. Cô gái bé nhỏ bắt đầu chuyến đi vào 8/3.
Vì điểm xuất phát bắt đầu từ Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang, Hân phải đi xe khách từ TP.HCM ra để bắt đầu cuộc hành trình. Hành lý cô mang theo chỉ vỏn vẹn 2 kg, với ba bộ đồ (hai bộ đi đường, một bộ đồ ngủ), chiếc máy sấy tóc, xà bông, sữa rửa mặt.
Cô gái quê Trà Vinh cho biết, hai ngày đầu là thời gian kinh hoàng nhất, vì đường Hà Giang chủ yếu là núi, dốc, cơ thể Hân lại chưa kịp thích nghi nên bị căng cơ, nhức mỏi. ‘Tôi đặt mục tiêu, một ngày đi từ 50-60km nhưng ở Hà Giang, tôi chỉ đi được hơn 30 km vì phải leo núi đến 13km’, Hân nhớ lại.
Cô gái sinh năm 1997 check in những cảnh đẹp ở nơi mình đặt chân đến.
Thành công bước đầu của chuyến đi là Hân đặt chân tới Hà Nội sau nhiều ngày vượt qua cung đường khó khăn của Hà Giang. "Đến Hà Nội, tôi gọi ngay cho mẹ báo tin vì quá vui", cô chia sẻ.
Hân hào hứng kể về những vùng đất cô đã đi qua dù bước chân mệt nhoài nhưng trong lòng đầy hứng khởi. Đi qua mỗi địa phương, Hân dùng chiếc điện thoại chụp hình, quay video rồi dựng thành video hoàn chỉnh đăng lên trang cá nhân giới thiệu với mọi người. Suốt 51 ngày đi bộ, qua 28 tỉnh, thành phố, ngoài được ngắm cảnh đẹp, Hân cũng nhận được nhiều giúp đỡ của bạn bè, người dân địa phương, các phượt thủ khác.
Với hai bộ đồ đi đường, 1 bộ đồ ngủ, Hân đi bộ suốt 51 ngày, với 2.458 km.
Ngày 24 của cuộc hành trình, cô đến Huế vào giữa trưa. Trời hôm đó nắng 38 độ C. Nhìn thấy cô gái đội mũ lưỡi trai, tay kéo chiếc xe bằng gỗ đựng hành lý, nhiều người nghĩ, Hân là kẻ lang thang, hoặc có vấn đề về tâm lý.
‘Lúc đó, dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, các quán ăn, quán nước ở Huế đều đóng cửa. Phải đi giữa trưa nên tôi rất mệt. Ở xe đã có bánh mỳ, nhưng tôi muốn ăn món gì đó có nước.
Đi qua quán tạp hóa, tôi rẽ vào mua nước uống và hỏi có món gì ăn được không. Chú chủ quán gợi ý tôi nên ăn mỳ ly. Vì vậy tôi đã mua một ly mì, xin nước sôi đổ vào rồi ngồi ăn ngon lành. Chú của quán nhìn thấy tôi vã mồ hôi giữa trưa thấy thương còn hỏi tôi có ăn cơm không để chú dọn cho ăn"
Hân chụp hình kỷ niệm khi đi trên đường quốc lộ.
Lúc đó tôi tự hỏi sao những người xa lạ lại tốt với mình đến vậy. Tôi đồng ý ăn cơm cùng gia đình họ mà trong lòng thấy ấm áp vô cùng. Sau bữa cơm, tôi xin được trả tiền thì họ nhất định không nhận.
4h chiều ngày thứ 28, Hân đến đèo Lo Xo - đèo nối giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum. Con đèo này có chiều dài 20 km. 6h chiều, Hân mới đến đoạn đèo thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Để đến thị trấn có nhà nghỉ phải mất hơn 7 km đường vắng. Đoạn đường này, Hân tìm hiểu và biết được rất nguy hiểm, có thể gặp cướp và chuyện không hay xảy ra.
"Trời đã tối, tôi tính vào nhà dân xin ở. Hầu hết người dân ở đây ở nhà tranh, nhà tắm không có. Tôi nghĩ, nếu mình vào xin ở thì tối ngủ ở đâu, tắm thế nào. Tôi quyết định đi tiếp dù rất mệt, hai chân như rã rời", Hân nhớ lại.
Anh Tuấn, người đã theo sát Hân ở đoạn đường nguy hiểm ở đèo Lò Xo.
Thấy Hân đi bộ trên quốc lộ lúc trời đang tối, các bác tài xế tấp vào hỏi, ngỏ ý chở giúp nhưng cô từ chối vì sợ gặp người xấu. Bên cạnh đó, Hân cũng có cam kết với công ty tài trợ là không được đi nhờ xe trong suốt hành trình. Tới chân đèo cô gặp người đàn ông mà linh cảm cho Hân thấy anh là người tốt nên chấp nhận để anh chạy xe chậm bên cạnh, còn cô vẫn đi bộ.
Hành trình dài hơn 2.000 km, Hân cũng gặp không ít phiền toái dọc đường, 2 lần cô đã bị kẻ xấu có ý định sàm sỡ khi đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh. 'Khi tôi đi đến khúc cua, một người đàn ông chạy xe máy áp sát. Lần thứ hai, một người đàn ông khác cũng có ý định, việc làm tương tự. Tuy nhiên, khi người ta có ý định giở trò, tôi tránh được và giả vờ vào nhà người dân ở gần để 'cắt đuôi', cô nói.
Hân chụp hình kỷ niệm khi về đến đất mũi Cà Mau.
9x cho biết, để thực hiện được chuyến đi cô phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng khi kết thúc nó, cô lại thấy thoải mái. "Mục đích của chuyến đi với mình là để tìm lời giải cho câu hỏi Có hay không giới hạn của con người?". Bây giờ mình đã có câu trả lời rồi.
Theo mình, giới hạn nằm ở tư tưởng, suy nghĩ, chứ chưa hẳn phụ thuộc vào sức lực. Hãy xóa bỏ giới hạn bản thân để sống một cuộc đời mình mong muốn, dám mơ ước khi chúng ta còn tuổi trẻ, cô gái 23 tuổi đã nói về cuộc hành trình của mình đầy hạnh phúc như vậy.
Tú Anh (Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gioi-tre/co-gai-di-bo-xuyen-viet-tim-cau-tra-loi-gioi-han-cua-con-nguoi-den-dau-645195.html)