Gala Cảm ơn cuộc đời là một chương trình được thực hiện vào mỗi dịp cuối năm của Đài Truyền hình Việt Nam. Với một hành trình bền bỉ, chương trình đã thực hiện được 6 năm liên tiếp cùng mục tiêu đi tìm kiếm những điều tốt đẹp trong cuộc sống, tiếp thêm niềm tin vào cuộc đời khi chúng ta sống tốt, sống có ích, sống tử tế.
Năm nay, 5 câu chuyện được lựa chọn để kể cho khán giả vào những ngày cuối cùng của năm cũ để lại xúc động khôn nguôi. Trong đó, đáng chú ý là chuyện về cô gái Phạm Thị Thu Trang chạy xe ôm công nghệ và theo đuổi giấc mơ giành HCV Sea Games.
Cô gái chạy xe ôm công nghệ, làm phụ bếp và Giấc mơ vàng
Sáng 8/12/2019, cô gái Phạm Thị Thu Trang gây bất ngờ cho điền kinh VN khi xuất sắc giành HCV Sea Games 23 trong nội dung 10km đi bộ nữ.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có bốn anh chị em, Thu Trang là con thứ ba. Cuộc sống gia đình không dư dả bố làm thợ hồ, mẹ làm phụ hồ. Trang đã được phát hiện từ những giải phong trào thể thao của địa phương và đã trở thành thành viên của câu lạc bộ điền kinh Hà Nội.
Thương con đi theo nghiệp vận động viên vất vả, bố mẹ Trang đã bắt con gái về nhà làm công nhân. Nhưng để nuôi dưỡng đam mê, Trang nói dối bố mẹ rằng cô chỉ lên Hà Nội học làm bếp.
Nhưng kỳ thực ngoài giờ tập luyện, cô chạy xe ôm công nghệ và làm bếp để có tiền phục vụ cho đam mê. Và hạnh phúc đã mỉm cười với người dám thực hiện đam mê của mình!
"Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đông anh chị em, bố mẹ lại làm nông vất vả, nên em tranh thủ chạy xe ôm công nghệ sau giờ tập luyện, không ảnh hưởng đến chuyên môn. Hy vọng sau này khi em đạt thành tích tốt hơn và đủ điều kiện giúp đỡ bố mẹ, thì sẽ không phải chạy xe nữa" - Thu Trang từng chia sẻ về mong ước trước khi thi đấu đạt thành tích cao ở SEA Games.
Câu chuyện về một vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng
Chương trình mang tới câu chuyện của một cô bé 12 tuổi bị khuyết tật câm điếc, là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng xảy ra ở quận Tân Phú, TP.HCM. Nhà nghèo, bố mẹ là dân xa xứ lên TP.HCM lập nghiệp, mải lo làm ăn nên đã không trông chừng con cẩn thận. Một hôm, khi bố mẹ sai bé ra tiệm tạp hóa gần nhà mua pin lắp đồng hồ, em đã bị ông xe ôm đưa vào nhà nghỉ cưỡng bức. Vụ việc bị phanh phui, người đàn ông này đã bị Tòa kết án 13 năm tù. Hậu quả để lại cho bé là tổn thương cơ thể và tinh thần bất ổn. Với câu chuyện này, Luật sư Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Vì quyền trẻ em, Đoàn Luật sư TPHCM sẽ chia sẻ về quyết định dấn thân vào hành trình bảo vệ những đứa trẻ, đi tìm công lý phức tạp, khó khăn ra sao!
“Thương học trò, chúng tôi lên tiếng”
Những ngày đầu tháng 7/2018, tất cả các trang báo và mạng xã hội ở Việt Nam tràn ngập một thông tin gây rúng động: Nghi vấn gian lận trong kết quả thi cử tại Hà Giang. Ít người biết rằng những người đầu tiên lên tiếng về những nghi vấn này là Vũ Khắc Ngọc, Đỗ Ngọc Hà và Nguyễn Thanh Tùng - 3 thầy giáo đang dạy học online ở Hà Nội...
Hành động của 3 người thầy đang nhóm lên những ngọn lửa niềm tin, tạo ra những giá trị tích cực cho giáo dục, cho xã hội.
Chuyện nhà Xuân
Nhà Xuân (Nhà tình thương số 4, ngõ 242 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà) là 1 trong chuỗi 4 nhà tình thương, nuôi dưỡng những đứa trẻ bất hạnh, mồ côi, trẻ lang thang không nơi nương tựa… của Trung tâm bảo trợ trẻ em đường phố Đà Nẵng.
Bác sĩ Trần Tiễn Chánh, Việt kiều Pháp, người cha đỡ đầu cho những đứa trẻ trong ngôi nhà này tâm sự: “Tôi được sinh ở Pháp, hơn 40 tuổi, thành đạt, tôi quyết làm một chuyến xuyên Việt để tìm hiểu về quê cha đất tổ. Một buổi trưa oi bức, tôi qua chuyến phà đông đúc và ngột ngạt ở bến Bính, TP. Hải Phòng. Tôi hỏi mua một chiết quạt để phe phẩy, vừa che nắng. Nhưng đồng tiền nhỏ nhất trong túi cũng mệnh giá đến 10.000, trong khi chiếc quạt giấy giá có 500 đồng. Tôi ngỏ ý muốn cho cô bé số tiền còn lại nhưng cô bé nhất định từ chối. Sau này, khi về Pháp, nghe Đà Nẵng có một Trung tâm chuyên “thu gom”, nuôi dưỡng những đứa trẻ “bụi đời”, tôi đã quyết định xây tặng một ngôi nhà, tài trợ toàn diện việc nuôi dưỡng khoảng 30 đứa trẻ bất hạnh cho đến khi trưởng thành. Tôi chỉ đề nghị được lấy tên Nhà Xuân – Les Enfants De La’venir – (món quà cho trẻ em) để ghi nhớ một đứa trẻ bụi đời đã làm thay đổi nhận thức của tôi về Việt Nam.
Giờ mẹ đã khóc
Câu chuyện của cha con đạo diễn Đỗ Đức Thành được tái hiện lại thông qua những chia sẻ từ người vợ, người luôn đứng phía sau lưng hai cha con, quán xuyến gia đình trong những ngày con chiến đấu với bệnh tật, cùng với đó là những giọt nước mắt, những tâm sự của người mẹ có đứa con mắc ung thư.
Âm nhạc sẽ là đường dây xuyên suốt, đan cài với các câu chuyện của các khách mời. Các ca sĩ nổi tiếng: Tùng Dương, Phạm Thùy Dung, Nhật Thủy, Dương Trường Giang, Nguyễn Thu Thủy, Thùy Chi, Oplus, Đạo diễn Marcus Vũ Mạnh Cường, các diễn viên Memento Mori... sẽ tham gia trong chương trình.