Đối với những cô gái vùng cao, hành trình theo đuổi con chữ không hề dễ dàng. Chảo Thị Yến (sinh năm 1990, Lào Cai) bằng sự kiên trì, nỗ lực hết mình, đã vượt qua định kiến của bản nghèo không chỉ thành công xuống xuôi học đại học mà còn giành được suất học bổng tiền tỷ du học tại Đức.
Chảo Yến sinh ra và lớn lên ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc – một trong những xã nghèo của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Yến được bố mẹ cho học đến lớp 9, sau đó vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cô buộc phải nghỉ học ở nhà làm nương rẫy suốt 3 năm. Mê học đến nỗi chăn trâu cũng chăn ở gần trường để lén nghe thầy cô giảng bài, cuối cùng Yến cũng thuyết phục được bố mẹ cho mình học tiếp lên cấp ba.
Yến theo học khối C với ước mơ trở thành cô giáo nhưng trận lũ lịch sử năm 2008 đã thay đổi mọi thứ. Cô chuyển sang khối A, thi vào trường Đại học Lâm nghiệp với mong muốn trở thành kiểm lâm bảo vệ rừng để bảo vệ bản làng trước những cơn lũ cuốn. Cuối cùng, cô gái nhỏ dân tộc Dao đã trở thành người đầu tiên của xã xuống xuôi học đại học.
Chảo Yến có nhiều trải nghiệm tuyệt vời trong 2 năm du học Đức
Luôn muốn đặt mình vào thử thách để phát huy hết tiềm năng bên trong, Yến nộp đơn vào ngành đào tạo tiên tiến, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh dù khả năng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế. Một năm đầu tiên, cô nàng vật lộn với mớ kiến thức khó nhằn, hơn nữa lại được truyền tải bởi ngôn ngữ hoàn toàn mới. Cô quyết tâm học thêm tiếng Anh để tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, dần dần vươn lên thành học sinh xuất sắc của lớp. Từ năm thứ 3 đại học, kỳ nào Yến cũng giành học bổng, điểm khóa luận tốt nghiệp của cô cao thứ hai toàn khóa.
Học đại học với một cô gái vùng cao như Yến đã khó khăn, du học lại càng là ước mơ xa vời. Vậy mà nhờ thành tích học tập tốt, “dám nghĩ dám làm”, cô gái bản nghèo đã bay cao, bay xa, giành học bổng tiền tỷ ra nước ngoài khám phá thế giới.
“Mình vốn không biết du học là gì. Khi học đại học năm 4, thầy cô trong trường nói mình nên đi du học và giới thiệu cho mình các chương trình học bổng. Mình nộp hồ sơ và trúng tuyển. Suất học bổng này đối với mình là sự may mắn và tình cờ”, Yến khiêm tốn nói.
Chảo Yến nhận được học bổng thạc sĩ toàn phần ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của trường ĐH Gottingen (Đức) trong 2 năm trị giá gần 1,2 tỷ đồng.
Chảo Yến trên sóng truyền hình chia sẻ câu chuyện của mình
Hai năm du học cho cô nàng nhiều bài học và trải nghiệm quý giá, cả về kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng sống. Thậm chí, quãng thời gian này đã thay đổi hoàn toàn nhận thức của Yến về xuất thân của mình.
“Mình đã học được niềm tự hào tộc người. Mình vốn rất tự ti về xuất thân dân tộc thiểu số nhưng thời gian đi du học đã cho mình thấy sự đa dạng của văn hóa. Không có văn hóa cao hay thấp, mọi thứ công bằng và luôn có nét đặc trưng riêng. Người Dao chúng mình có những nét độc đáo mà dân tộc khác không có. Mình chuyển từ tự ti sang tự hào, thấy bản thân cần có trách nhiệm giữ gìn bản sắc dân tộc”, Yến chia sẻ.
Thời gian du học tại Đức cũng khiến cô nàng thay đổi quan niệm về “vùng an toàn”. Trước đây Yến cho rằng, ra trường có việc làm, cuối tháng nhận lương chính là ổn định. Nhưng sau này cô thấy rằng, sự ổn định không nằm ở công việc mình làm mà nằm ở sự giỏi giang, nhanh nhạy của bản thân.
Cô nàng quay về quê hương kinh doanh sản phẩm bản địa
Đó là lý do cô quyết định từ bỏ công việc ổn định ở một tổ chức phi chính phủ chuyên về tài nguyên rừng, theo đuổi công việc kinh doanh. Cô bỏ phố về rừng, kinh doanh các sản phẩm bản địa, làm homestay thúc đẩy du lịch trải nghiệm và phát triển kênh TikTok mang đến những câu chuyện thú vị về cộng đồng người Dao Tuyển.
“Mình đang trong giai đoạn bắt đầu. Không có sẵn kiến thức kinh doanh nên mọi thứ với mình đều rất mới, thiếu nguồn lực, nhân lực, tài chính. Chặng đường phía trước sẽ rất khó khăn, thứ không khó khăn duy nhất là tinh thần của mình. Lúc nào mình cũng rất ‘chiến’”, Yến cười nói.
"Đi thật xa để trở về" chính là hành trình của cô gái người Dao Tuyển
Theo đuổi lĩnh vực mới, Yến vừa được trải nghiệm những điều mới mẻ, vừa có thời gian chăm sóc bố mẹ, bản thân. Đi một vòng trái đất cuối cùng trở về hòa mình cùng núi rừng, với Yến đây là chặng đường đáng giá.
Chảo Yến là tác giả của cuốn tự truyện “Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus”, được gọi là nhân vật truyền cảm hứng. Yến thừa nhận, cô khá áp lực với danh xưng này, sợ bản thân thất bại sẽ khiến mọi người thất vọng. Tuy nhiên, đó cũng là một phần động lực để cô không chùn bước trước những thử thách mới.