Việc sống gần gũi với thiên nhiên và hạn chế các sản phẩm có hại cho môi trường là điều ai cũng hướng tới nhưng thực hiện không dễ dàng. Cô gái trẻ này đã hành động.
Trào lưu sống xanh ngày càng được người Việt ưa chuộng, nhất là đối với các bạn trẻ. Những việc làm đơn giản và thiết thực để giảm lượng rác thải, hạn chế vật dụng khó phân hủy được mọi người tích cực thực hiện.
Phạm Nguyễn Minh Thư, một cô gái trẻ sinh năm 1992, sống và làm việc tại TP HCM, là điển hình cho việc sống tối giản này. Trên trang cá nhân của cô gái này, dễ dàng nhận ra cô là mẫu người rất thích “dạy đời” người khác. Bởi lẽ những câu chuyện xoay quanh về cuộc sống xanh gần gũi với môi trường đều được Thư chia sẻ từ cuộc sống của chính mình.
Minh Thư (thứ hai từ trái qua, hàng sau) cùng các bạn của mình.
Mới đây, cô bạn lại tiếp tục gây chú ý lớn với những việc làm thú vị của mình trong nhật ký “Hành trình kết nối với cô Na” trên mạng xã hội. Trong bài viết của mình, bên cạnh việc duy trì phong cách tối giản cho môi trường bằng cách bớt đi chiếc hộp nhựa hay chiếc túi bóng, cô nàng cũng chia sẻ những thói quen có thể hạn chế tối đa lượng rác thải bạn đang sử dụng mỗi ngày.
Để có thể hạn chế sử dụng những sản phẩm từ rác khó phân hủy, mọi người có thể mua nhu yếu phẩm tại những cửa hàng không bao bì bởi hiện nay khá nhiều cửa hàng quan tâm tới vấn đề môi trường. Bạn cũng có thể sử dụng những vật dụng dễ phân hủy như giấy hoặc lá cây để đựng đồ khi đi chợ, đi siêu thị.
Thế nhưng điều quan trọng nhất ở đây chính là ý thức của mỗi người. Thay vì việc lựa chọn mua đồ ở những nơi xa, chúng ta có thể mua đồ gần nhà để hạn chế vật đựng. Mặt khác, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát sẽ phải phụ thuộc vào việc giao hàng thì nhận xong bạn có thể giữ lại bao bì, thùng giấy để gửi lại cho người bán.
Dùng lá chuối để gói các mặt hàng cũng là lựa chọn hay để thay thế túi ni-lông.
Bên cạnh việc mua sắm không bao bì, Minh Thư nêu quan điểm mọi người cần rèn luyện tính kiên nhẫn trong việc tái chế các loại rác. Việc này giúp bạn có thể có những sản phẩm phục vụ gia đình mà vẫn bảo vệ môi trường.
“Vỏ cam, bưởi các kiểu sẽ được phơi khô để lâu lâu đốt xông nhà. Giấy các kiểu sẽ được dùng để mồi lửa đốt vỏ bưởi. Vỏ chuối giàu kali phơi khô bón cây, hoa. Nước vo gạo để dành tắm hoặc rửa mặt (nếu là gạo an toàn) hoặc ngâm enzyme lên con men rất nhanh.”, cô gái chia sẻ. Nhiều sản phẩm tái chế như sữa rửa mặt, nước rửa chén, nước lau sàn và phân bón còn giúp gia đình bạn tiết kiệm một khoản chi phí.
Lọc enzyme từ vỏ rau củ để làm nước rửa chén.
Minh Thư chia sẻ bản thân được truyền cảm hứng từ một người chị trên facebook luôn tích cực trong việc bảo vệ mội trường. “Hơn thế nữa, mẹ cũng chính là người ảnh hưởng tích cực trong lối sống của mình. Mẹ luôn giữ nguyên những ký ức về lối sống không ni lông, hóa chất từ ngày xưa nên khi mình nói với mẹ về phong trào sống xanh, nói không với ni-lông, bà là người rất ủng hộ, cùng mình làm và còn kể cho mình nghe về cách bà ngoại ủ rau củ thừa ngoài vườn để bón cây ngày xưa như thế nào, hay dùng vỏ bưởi, vỏ quýt để xông nhà ra sao.”, Minh Thư kể.
Ngay sau khi đăng tải bài viết cũng như những hành động tích cực về lối sống xanh, Thư nhận được nhiều lời khen và sự ủng hộ. Mọi người đều bắt tay vào hưởng ứng làm những hành động thiết thực, hiệu quả cao và hướng đến việc bảo vệ môi trường của Minh Thư.
Vỏ bưởi phơi khô đốt để xông nhà, tro để dùng để bón cây.
Cọng rau lang bỏ đi có thể cắm để trồng ăn tiếp.
Ủ enzymin từ rau củ vỏ trái cây để làm nước lau sàn, nước rửa chén
Vỏ hành tỏi, chuối và cà phê phơi khô để làm phân bón cây
Vỏ trứng trộn với than bón trực tiếp cho cây (Hình ảnh: NVCC)
Theo Saostar.vn