Nguyễn Thị Ánh Thơ (sinh năm 1993) từng gây chú ý khi lọt vào Top 5 Miss Teen 2011 và giành danh hiệu Miss Thân thiện. Năm 2014, Ánh Thơ vinh dự trở thành 1 trong 7 đại biểu trẻ tiêu biểu trên thế giới được mời tham dự Hội thảo Hòa bình PCY tại Nhật Bản.
Hiện nay, Ánh Thơ đã trở thành một trong những tiến sĩ trẻ nhất của Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Chào Ánh Thơ! Từ một sinh viên xuất sắc trở thành giảng viên tại chính mái trường Đại học Ngoại thương, chắc hẳn là đây là một hành trình rất đặc biệt với chị. Chị có thể chia sẻ khoảnh khắc của mình khi chính thức đứng trên bục giảng trong vai trò mới?
Tôi chính thức giảng dạy tại Đại học Ngoại thương từ năm 2019. Đó là dấu mốc đặc biệt khi tôi từ học trò của trường, được trở lại gia đình Ngoại thương với vai trò là người truyền đạt tri thức.
Buổi đầu tiên đứng trên bục giảng, tôi đã rất xúc động. Không gian quen thuộc trên giảng đường cũ nhưng vai trò lại hoàn toàn mới. Tôi như thấy mình được nối dài trong truyền thống của những người thầy Ngoại thương, những người đã cống hiến để đào tạo nên các thế hệ nhân tài cho đất nước và khu vực. Và tôi tự nhủ: từ giây phút này, bản thân phải sống xứng đáng với trách nhiệm của một người “gieo hạt”.
Trở thành giảng viên của một trường đại học danh tiếng, chắc hẳn bản thân chị rất tự hào?
Với tôi, Ngoại thương không chỉ là nơi làm việc, mà là bản sắc, là tinh thần, là gia đình tri thức. Truyền thống của nhà trường luôn hướng tới sự xuất sắc, đổi mới và phụng sự xã hội, điều đó thấm vào từng buổi học, từng dự án nghiên cứu, từng hoạt động sinh viên.
Riêng với Khoa Quản trị Kinh doanh nơi tôi đang công tác, tôi càng tự hào hơn nữa. Đây là nơi nuôi dưỡng những người trẻ bản lĩnh, sáng tạo, giàu tinh thần trách nhiệm. Với sứ mạng phụng sự bằng chất lượng giáo dục và tri thức đổi mới, chúng tôi luôn lấy triết lý giáo dục khai phóng, tức là giúp người học biết tự do tư duy, tự do lựa chọn, tự do phát triển và sống có đạo đức, hiểu biết, trách nhiệm.
Tôi luôn cảm thấy mình may mắn khi được trở thành một phần trong một môi trường nuôi dưỡng sự khác biệt để dẫn đầu, nơi mỗi cá nhân được khuyến khích phát triển toàn diện, chứ không bị đóng khung vào khuôn mẫu định kiến.
Cô là một trong những tiến sỹ trẻ nhất của Đại học Ngoại thương Hà Nội
Hằng ngày tiếp xúc với các lứa sinh viên tài năng của Đại học Ngoại thương, có khi nào chị cảm thấy áp lực?
Đứng trước những bạn trẻ giỏi giang, đến giáo viên cũng không tránh khỏi áp lực. Nhưng đó là áp lực tích cực, khiến tôi phải không ngừng tìm tòi, làm mới mình và cam kết với tinh thần học tập suốt đời.
Tôi không muốn mình là một giảng viên chỉ lặp lại kiến thức có sẵn trong giáo trình – điều hoàn toàn có thể dễ dàng thay thế bởi sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo. Tôi muốn mình là người đặt câu hỏi cùng sinh viên, cùng các em tìm lời giải thông qua tầm nhìn hệ thống và tư duy phản biện.
Và chắc hẳn chị cũng học hỏi được rất nhiều từ sinh viên của mình?
Đúng vậy! Theo tôi thấy, sinh viên Ngoại thương không chỉ có kiến thức, mà còn có tầm nhìn, ý thức xã hội, kỹ năng quốc tế và sự ham học hỏi tuyệt vời. Ở các em, tôi học được sự kiên cường, sáng tạo và dám nghĩ lớn. Đó chính là những giá trị cốt lõi mà nhà trường và khoa của chúng tôi luôn theo đuổi: Sáng tạo – Xuất sắc – Trách nhiệm – Bản lĩnh – Đa dạng – Hòa hợp.
Ánh Thơ trong ngày bảo vệ luận án tiến sĩ
Được biết, chị là một trong những giảng viên trẻ hiếm hoi của trường đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi mới 30 tuổi. Chị có thể chia sẻ thêm về công trình này?
Tôi hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ trong hơn 3 năm, với đề tài về “Lãnh đạo chuyển đổi và khả năng đổi mới trong tổ chức”. Đây là lĩnh vực tôi đặc biệt quan tâm bởi, nó phản ánh đúng bối cảnh và con đường để các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước vươn ra khu vực trong kỷ nguyên vươn mình nhưng ẩn chứa nhiều biến động.
Hoàn thành luận án trong lúc vẫn giảng dạy và chăm sóc con nhỏ là một hành trình đầy thử thách nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ. Vì hơn cả một học vị, đó là một quá trình trưởng thành về tư duy và chiều sâu nhận thức, giúp tôi trở thành một nhà giáo vững vàng và giàu nội lực hơn.
Tôi cảm thấy biết ơn khi mình may mắn nhận được sự hỗ trợ và đồng hành quý báu từ các Hội đồng, thầy cô, đồng nghiệp, gia đình và học bổng từ Quỹ Đổi mới Sáng tạo trong quá trình thực hiện Luận án Tiến sĩ của mình.
Ánh Thơ làm MC trong chương trình tiếp đón đối tác Mỹ tại trường Đại học Ngoại thương
Trước đây, chị từng giành được danh hiệu tại các cuộc thi sắc đẹp và làm mẫu ảnh, đóng phim. Tuy nhiên, chị lại lựa chọn gắn bó lâu dài với con đường học thuật. Điều gì đã khiến chị đưa ra quyết định đầy khác biệt này?
Tôi xem nghệ thuật là một phần của hành trình phát triển bản thân, không phải một lối rẽ tách biệt. Khoảng thời gian tham gia các hoạt động nghệ thuật đã rèn luyện cho tôi sự tự tin, bản lĩnh trước đám đông, khả năng cảm thụ tinh tế và kỹ năng truyền đạt cảm xúc. Tất cả đều là những yếu tố quý giá và bổ trợ rất mạnh cho con đường học thuật mà tôi lựa chọn.
Chính từ những trải nghiệm đó, tôi học được cách kết nối với sinh viên không chỉ bằng bài giảng mà còn bằng cảm xúc. Việc từng đứng trên sân khấu giúp tôi hiểu sâu sắc giá trị của sự hiện diện, của việc lắng nghe và tạo ra không gian cởi mở để các bạn trẻ có thể thể hiện chính mình. Trong giảng đường, tôi ứng dụng điều đó để khơi gợi tinh thần phản biện, truyền cảm hứng nghiên cứu và dẫn dắt sinh viên bước vào hành trình khám phá tri thức một cách chủ động và tự tin.
Không dừng lại trong lớp học, những năng lực được rèn luyện từ nghệ thuật còn giúp giảng viên đóng góp tích cực vào các hoạt động đoàn thể, tổ chức sự kiện cộng đồng, kết nối sinh viên trong các chương trình giao lưu văn hóa và nhất là hợp tác học thuật với các đối tác quốc tế.
Tôi luôn tin rằng, một giảng viên thế kỷ 21 không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn phải là người có khả năng truyền năng lượng, dẫn dắt và mở cánh cửa ra thế giới cho người học.
Vì vậy, tôi không đặt học thuật và nghệ thuật ở hai thái cực. Ngược lại, tôi trân trọng cách hai khía cạnh này đã hòa quyện trong con người tôi hôm nay - một người may mắn được sống giữa tri thức và cảm xúc, giữa khoa học và kết nối nhân văn.
Ánh Thơ tổ chức chương trình kết nối doanh nghiệp với sinh viên của trường.
Với vai trò là một giảng viên và cũng là người đã từng nỗ lực học tập để đạt được thành công cho bản thân, chị có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ đang băn khoăn liệu có nên học đại học, hoặc đang cảm thấy chông chênh sau khi tốt nghiệp?
Tôi không cho rằng, đại học là con đường duy nhất nhưng chắc chắn là một trong những con đường quý giá nhất. Bởi đại học không chỉ dạy bạn kiến thức, mà dạy bạn cách học, cách tư duy và cách tự đứng vững trong thế giới liên tục thay đổi.
Với những bạn trẻ đang chông chênh, lời khuyên của tôi là: đừng tìm kiếm sự hoàn hảo ngay lập tức. Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất mà bạn làm tốt. Đừng ngại học lại, làm lại, đi chậm, miễn là bạn không dừng bước.
Và hơn hết, hãy giữ cho mình một trái tim trung thực, một tinh thần trách nhiệm và sự khao khát sáng tạo không ngừng. Vì đó chính là nền tảng để bạn không chỉ thành công, mà còn sống đúng với giá trị của mình.
Thành tích của Ánh Thơ: - Bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ ở tuổi 30 - Đồng tác giả cuốn sách “Sự tham gia của các tổ chức trung gian vào phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam” và sách “Business Linkages in Vietnam: Text and cases” - Đạt học bổng Tiến sĩ của Quỹ đổi mới Sáng tạo - Đạt học bổng Thạc sĩ của Chính phủ Nauy – Quota Scholarship - Á khoa Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương - Đại diện Việt Nam tham gia Hội thảo Hòa bình Giới trẻ (Osaka), Hội thảo Lãnh đạo Môi trường Châu Á (Indonesia) và Thanh niên trao đổi văn hóa JENESYS (Tokyo) - Danh hiệu Miss Thân thiện – Top 5 Miss Teen Việt Nam - Tham gia diễn xuất phim Bức vách - bộ phim đạt giải Phim xuất sắc nhất, giải Búp sen vàng. |