Tự tin là một chuyện tốt nhưng tự tin quá mức sẽ trở thành tự phụ. Một cô gái trẻ ở Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) rất tự tin vào vóc dáng và ngoại hình của mình. Cô cho biết, khi kết hôn, nếu nhà trai đưa sính lễ 100 triệu NDT (khoảng 351 tỷ đồng) thì cô mới gật đầu đồng ý.
Theo thông tin đăng, cách đây vài ngày, một nam streamer đang livestream giao lưu với các fan hâm mộ thì gặp một cô gái trẻ xinh đẹp trên phố. Khi biết cô vẫn còn độc thân, chàng trai tò mò hỏi: "Sau này khi lấy chồng, em muốn tìm người thế nào? Sính lễ bao nhiêu mới đủ?".
Cô gái suy nghĩ một chút rồi thẳng thắn nói: "Sính lễ khoảng 100 triệu NDT (khoảng 351 tỷ đồng) thì được". Cô cũng khẳng định thêm: "Nếu kết hôn, tất nhiên tôi muốn gả cho người giàu có, tốt nhất là gia đình hào môn".
Khi nam streamer cho rằng, con số cô gái đưa ra là quá khoa trương, anh đã bị cô gái phản bác lại. Cô nói: "Nếu tôi muốn tìm bạn trai, chắc chắn sẽ tìm được một người đàn ông giàu có. Tôi thích những chàng trai lái xe Rolls Royces. Tôi đẹp hơn người khác rất nhiều, vóc người hoàn mỹ, khuôn mặt cũng thu hút".
Cô gái còn nhấn mạnh sẽ không bao giờ yêu đàn ông không có tiền, vì đàn ông không có tiền vô cùng chướng mắt.
"Không có tiền thì họ có tư cách gì để lấy tôi?". Cũng theo cô gái, điều kiện không thể thiếu nếu muốn làm bạn trai/chồng cô là mức lương hàng tháng phải ít nhất phải là 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) vì chi phí sinh hoạt hàng tháng của cô ít nhất cũng đã 80.000 NDT (khoảng 281 triệu đồng).
Sau khi đoạn phỏng vấn được đăng tải và truyền trên mạng xã hội, đã nhanh chóng nhận được sự chú ý. Đa số mọi người đều cho rằng cô gái đang bị ảo tưởng quá mức về bản thân. Quả thực cô có xinh đẹp nhưng cũng có rất nhiều cô gái xinh đẹp, tài năng không kém khác, nếu cứ yêu cầu cao như vậy thì có lẽ sẽ cô đơn đến già.
Nạn 'ảo tưởng sức mạnh' về bản thân đang trở thành 'đại dịch'
"Narcissism" được dịch nghĩa là ái kỷ, tự yêu bản thân thái quá hay rối loạn nhân mãn. Đó là thuật ngữ dùng để chỉ một dạng rối loạn tâm thần. Theo đó, người mắc bệnh ái kỷ thường có những đặc điểm nhân cách đặc trưng như luôn xem mình là người quan trọng nhất, là số một, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần được người khác tôn vinh và ngưỡng mộ…
Thuật ngữ "narcissism" bắt nguồn từ một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp. "Narcissus" kể về một chàng thợ săn điển trai. Một ngày nọ, anh soi mình dưới dòng nước và đột nhiên yêu say đắm chính hình ảnh phản chiếu đó.
Chàng thợ săn bị ám ảnh, cuốn hút bởi hình bóng của mình đến nỗi không thể rời khỏi dòng nước. Cuối cùng anh chết vì kiệt sức. Những khóm hoa thủy tiên mọc lên từ nơi anh nằm.
Những khái niệm đầu tiên về ái kỷ được nhà phân tâm học Sigmund Freud đặt nền móng trong các công trình nghiên cứu của ông ở thế kỷ 20. Lần đầu tiên xuất hiện trong một bài luận có tên "On Narcissism", năm 1914, khái niệm ái kỷ đã khởi nguồn cho rất nhiều nghiên cứu khác về nó sau này.
Tư duy "mình là số 1" - hay "ái kỷ" là một chứng bệnh mà rất nhiều người kén mắc phải. Ảnh minh họa
Các nghiên cứu lần lượt chỉ ra khoảng 2 đến 16% số người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ. Điều này tùy thuộc vào môi trường lấy mẫu của họ. Tuy nhiên, con số được tính toán cho toàn bộ xã hội là khoảng 1%. Một số người cho rằng tự yêu bản thân mình thái quá là một điều cực kỳ hiếm. Nhưng con số 1% dân số là không hề nhỏ.
Nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu nhận ra xu hướng gia tăng của căn bệnh ái kỷ và gán cho chúng cái tên "đại dịch thời hiện đại". Sự gia tăng gắn liền với thời đại công nghiệp và hậu công nghiệp, khi vài thập niên gần đây, các phong trào đề cao cá nhân hơn tập thể phát triển mạnh. Đó rất có thể là một nguyên nhân chính.
Trên thực tế, ái kỷ có một dải tác động từ lành mạnh cho đến tình trạng bệnh lý. Tự yêu bản thân mình ở mức độ nào đó là một hoạt động bình thường ở con người. Tuy nhiên, ái kỷ trở thành một vấn đề khi một cá nhân nào đó nghĩ quá nhiều đến bản thân mình. Họ khao khát sự ngưỡng mộ quá mức trong mắt những người khác, nhưng đồng thời lại coi thường cảm xúc của họ.
Chính vì đặc điểm này, những người ái kỷ xây dựng nên những mối quan hệ nông cạn. Ai cũng nghĩ mình giỏi, mình đẹp nên mình có quyền, nghĩ mình có điều kiện tốt nên việc đặt ra tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe cho người đồng hành. Vì vậy, họ biến hành trình tìm kiếm tình yêu thành một cuộc tuyển chọn. Họ thường đưa ra một danh sách dài với những điều kiện kiểu "chắt lọc hết tinh hoa" của một con người đưa vào đó.
Họ không định vị đúng bản thân, không đánh giá được mình ở đâu, không nhận ra được những vấn đề, điểm hạn chế của bản thân.