Có nên kết hôn với bạn trai có thu nhập kém hơn mình?

Thu nhập là một trong những yếu tố được nhiều người coi trọng khi nghĩ tới vấn đề kết hôn.
Có nên kết hôn với bạn trai có thu nhập kém hơn mình? - 1
Có nên kết hôn với bạn trai có thu nhập kém hơn mình? - 2

Trên thực tế, để tiến tới hôn nhân, chỉ có tình yêu thôi là chưa đủ, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới quyết định của một người, một trong số đó phải kể tới khía cạnh tài chính.

Mới đây, một cô gái giấu tên ở Malaysia đã chia sẻ những trăn trở của mình lên mạng, hy vọng có thể nhờ cư dân mạng đưa ra lời khuyên. Trong bài đăng của mình, cô đề cập tới việc mình và bạn trai hẹn hò được 3 năm. Cô kiếm được nhiều tiền hơn bạn trai.

“Chúng tôi đã suy nghĩ về chuyện kết hôn nhưng vẫn có một chút vướng mắc trong lòng. Cả 2 đang cố gắng tiết kiệm tiền cho đám cưới của mình. Tôi đã thẳng thắn chia sẻ với anh ấy về việc mình có thu nhập cao hơn. Anh ấy vẫn tỏ ra ổn với điều này.

Vấn đề bây giờ là tôi đang phải gồng gánh hết mọi chi phí của cả 2 (ăn uống, vui chơi) khi ở cùng nhau, vì tiền lương của anh ấy không đủ để trang trải bất cứ thứ gì”, cô chia sẻ.

Cô cũng bày tỏ bản thân cảm thấy lo lắng vì mức lương hiện tại của bạn trai thậm chí còn chẳng đủ lo cho cuộc sống cá nhân, chứ chưa nói tới việc tổ chức đám cưới.

“Tôi có thể thấy anh ấy rất mong chờ đám cưới diễn ra. Tuy nhiên, sau khi chi trả các khoản phí cố định hằng tháng, chẳng còn lại bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ tới việc yêu cầu anh ấy kiếm thêm việc nhưng công việc hiện tại lại chiếm hết thời gian”, cô cho biết thêm.

Sau đó, cô kết thúc bài đăng để xin lời khuyên từ cư dân mạng về những gì mình nên làm bây giờ.

“Tôi yêu anh ấy nhưng không chắc làm thế nào chúng tôi có thể tiến tới trong mối quan hệ này. Nhìn thu nhập của bạn trai, tôi cảm thấy anh ấy chưa sẵn sàng để kết hôn”.

Sau khi đọc những lời tâm sự của cô gái này, nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận.

“Đầu tiên, hãy tìm hiểu khái niệm về chi phí bắt buộc và nhu cầu thiết yếu. Thứ 2, tiến hành lập kế hoạch tài chính cụ thể. Nhà cửa, thức ăn và quần áo là những thứ bắt buộc mà người chồng tương lai của bạn phải cung cấp. Ô tô và thiết bị gia dụng là nhu cầu thiết yếu nhưng không phải là bắt buộc”.

“Bạn nên tìm một người tương xứng với mình. Nỗi đau chia tay chỉ là tạm thời so với việc bạn phải chịu đựng mọi thứ trong suốt quãng đời còn lại của mình”.

“Lương chồng sắp cưới của tôi cũng thấp hơn tôi nhưng anh ấy đang tích cực tìm kiếm một công việc khác lương cao hơn để nhảy việc. Nếu anh ấy sẵn sàng kết hôn với bạn, anh ấy sẽ phải làm mọi thứ để đảm bảo bản thân đã chuẩn bị tốt về mặt tài chính. Nếu bây giờ anh ấy còn không lo cho bản thân mình nổi, làm sao có thể chăm sóc cho bạn và con cái sau khi kết hôn”.