Tòa án đã ra phán quyết buộc tác giả của tác phẩm bị cáo buộc vi phạm là “Thử gian đích thiếu niên” (Những chàng trai ở đây) ngay lập tức chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh; bồi thường 1,68 triệu nhân dân tệ (NDT) thiệt hại kinh tế và 200.000 NDT cho các chi phí hợp lý để ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền; đồng thời đăng một tuyên bố trên báo để loại bỏ tác động.
Công ty Xuất bản Bắc Kinh Liên hợp (Beijing United Publishing Co., Ltd) và Công ty Tinh điển Bác Duy Bắc Kinh (Beijing Jingdian Bowei Co., Ltd) phải chịu trách nhiệm chia sẻ 330 ngàn NDT trong số tiền này.
Giang Nam, cố nhà văn Kim Dung và cuốn “Những chàng trai ở đây” gây kiện tụng
Vào năm 2015, nhà văn Hồng Kông chuyên viết tiểu thuyết võ hiệp Tra Lương Dung (bút danh: Kim Dung) đã phát hiện ra rằng tên của các nhân vật được mô tả trong tiểu thuyết “Những chàng trai ở đây” xuất bản ở Trung Quốc đại lục đều bắt nguồn từ bốn tác phẩm “Thần Điêu Hiệp Lữ”, “Thiên Long Bát Bộ”, “Xạ Điêu Anh Hùng Truyện” và “Tiếu Ngạo Giang Hồ”; mối quan hệ giữa các nhân vật, đặc điểm tính cách của các nhân vật và cốt truyện về cơ bản giống với các tác phẩm của ông. Cuốn tiểu thuyết “Những chàng trai ở đây” của tác giả Dương Trị ký tên là “Giang Nam”, được Công ty xuất bản Liên hợp Bắc Kinh xuất bản và Công ty Kinh Điển Bác Duy Bắc Kinh phát hành được bán với số lượng rất lớn ở Trung Quốc đại lục.
Nhà văn Kim Dung cho rằng Dương Trị đã ăn cắp ý tưởng về các nhân vật kinh điển trong các tác phẩm của ông, các cốt truyện được thiết kế tương tự như các tác phẩm của ông trong môi trường khác, không chỉ rõ nguồn sau khi cải biên các tác phẩm và tự ý hoán cải hình ảnh của các nhân vật trong các tác phẩm của ông, xâm hại quyền cải biên, bản quyền tác phẩm, quyền bảo vệ tính toàn vẹn của tác phẩm... Đồng thời, các tác phẩm của Kim Dung có danh tiếng cao, Dương Trị đã “đạo dụng” (đánh cắp để sử dụng) những nhân tố độc đáo của các tác phẩm này để thu lợi lớn, cản trở việc Kim Dung sử dụng các tác phẩm gốc, cấu thành sự cạnh tranh không lành mạnh.
Hai Công ty Beijing United Publishing Co., Ltd. và Beijing Jingdian Bowei Co., Ltd. đã không rà soát xem xét hành vi xâm quyền của cuốn tiểu thuyết “Những chàng trai ở đây”, phải chịu trách nhiệm pháp lý liên đới về bồi thường và chấm dứt hành vi vi phạm.
Vì vậy, Kim Dung đã đệ đơn kiện lên Tòa án nhân dân quận Thiên Hà, thành phố Quảng Châu, yêu cầu các bị cáo chấm dứt ngay hành vi xâm phạm bản quyền và cạnh tranh không lành mạnh, tiêu hủy số sách còn lại trong kho; đưa ra lời xin lỗi công khai để loại bỏ ảnh hưởng; Dương Trị (Giang Nam) phải bồi thường thiệt hại kinh tế 5 triệu NDT và chi phí khắc phục 200 ngàn NDT; hai công ty xuất bản và phát hành nêu trên chịu trách nhiệm liên đới, phải bồi thường thiệt hại kinh tế hơn 1 triệu NDT.
Sau khi tòa ra phán quyết sơ thẩm, cả Kim Dung, Dương Trị và hai công xuất bản, phát hành Bắc Kinh đều từ chối chấp nhận và kháng cáo lên Tòa án Sở hữu Trí tuệ Quảng Châu. Trong thời gian diễn ra phiên tòa phúc thẩm, nhà văn Kim Dung qua đời ở tuổi 94, bà Lâm Lạc Di, bà vợ ít hơn 30 tuổi là người kế thừa di sản của ông tham gia vụ kiện với tư cách là người kháng cáo.
Tòa phúc thẩm cho rằng, tên của hầu hết các nhân vật, tính cách của các nhân vật chính và mối quan hệ giữa các nhân vật trong “Những chàng trai ở đây” có nhiều điểm tương đồng với các tiểu thuyết của Kim Dung; tồn tại hành vi sao chép và đạo văn, xâm hại bản quyền của tác phẩm, phải chịu trách nhiệm dân sự tương ứng theo pháp luật.
Hai Công ty Beijing United Publishing Co., Ltd. và Beijing Jingdian Bowei Co., Ltd. có trách nhiệm cao trong việc liên quan đến các tác phẩm mà họ xuất bản và phát hành có vi phạm hay không; sau khi nhận được “Thư của luật sư”, họ đã không chấm dứt xuất bản và phát hành, đã cấu thành góp phần vào việc xâm hại bản quyền.
Trong tình hình hành vi đạo văn nêu trên được xác định là cấu thành hành vi xâm hại bản quyền, sự điều chỉnh của Luật chống cạnh tranh không lành mạnh sẽ không còn hiệu lực. Tuy nhiên, khi “Những chàng trai ở đây” được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2002, phụ đề của cuốn sách được đặt là “Cuộc đời sinh viên của Anh hùng xạ điêu”, cố tình liên kết với “Xạ Điêu Anh Hùng truyện”, khiến mọi người lầm tưởng có một mối liên hệ cụ thể giữa hai cuốn sách; ý đồ lợi dụng sức ảnh hưởng của “Xạ Điêu Anh Hùng truyện” rất rõ nhằm thu hút độc giả để thu lợi, và hành vi của Dương Trị đã cấu thành sự cạnh tranh không lành mạnh.
Phiên tòa phúc thẩm cho rằng “Những chàng trai ở đây” có các yếu tố giống nhau hoặc tương tự nhau về nhân vật tên tuổi, tính cách, các mối quan hệ,…với bốn tiểu thuyết của Kim Dung, nhưng tình tiết không giống nhau, thuộc các thể loại tác phẩm văn học khác nhau, đối tượng độc giả cũng khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả, cân bằng lợi ích của các bên, thúc đẩy sự phát triển, phồn vinh của sự nghiệp văn hóa, dưới tiền đề phía bị cáo thực hiện bồi thường toàn diện đầy đủ về kinh tế và các biện pháp thay thế khác, tòa sẽ không ra phán quyết đình chỉ hành vi xâm hại bản quyền.
Tuy nhiên, tòa chỉ rõ nếu tái bản “Những chàng trai ở đây” thì phía Dương Trị phải bồi thường kinh tế cho những người nắm giữ bản quyền bốn tác phẩm “Thần Điêu Hiệp Lữ”, “Thiên Long Bát Bộ”, “Xạ Điêu Anh Hùng Truyện” và “Tiếu Ngạo Giang Hồ”. Từ tỷ lệ các yếu tố được sử dụng trong toàn bộ cuốn sách, khoản bồi thường kinh tế được xác định là mức 30% tiền bản quyền tái bản.