Có tới 40% thanh niên Tokyo qua đời trong cô đơn

"Cái chết cô đơn" là "người sống một mình qua đời tại nhà do tự tử hoặc nguyên nhân không rõ ràng".

Hiện tượng "cái chết cô đơn" (kodokushi - Khái niệm này ám chỉ những người tử vong ngay tại nơi cư trú mà phải mất một thời gian dài, có khi lên đến hơn nửa năm, mới được phát hiện) vốn được coi là vấn đề của người cao tuổi tại Nhật Bản. Thế nhưng hiện nay, nó đang lan đến cả cộng đồng người trẻ - theo báo cáo gần đây từ Viện Giám sát Y khoa Tokyo.

Theo thống kê từ Viện Giám sát Y khoa Tokyo, trong giai đoạn từ 2018 - 2020, có tổng cộng 1.145 ca tử vong bất thường ở độ tuổi từ 10 - 30. Trong số này, có tới 742 trường hợp được xác định là "cái chết cô đơn", chiếm 64,8% tổng số ca tử vong. Phân loại theo độ tuổi, nhóm từ 30 - 39 tuổi chiếm số lượng lớn nhất với 402 ca, tiếp theo là nhóm 20-29 tuổi với 325 ca, nhóm 15-19 tuổi có 15 ca. Không có số liệu chi tiết cho những người dưới 15 tuổi. 

Có tới 40% thanh niên Tokyo qua đời trong cô đơn - 1

Ảnh minh họa.

Mặc dù không có định nghĩa pháp lý chính thức, Viện Giám sát Y khoa Tokyo định nghĩa "cái chết cô đơn" là "người sống một mình qua đời tại nhà do tự tử hoặc nguyên nhân không rõ ràng".

Điều đáng lo ngại là thời gian phát hiện thi thể. Xét về thời gian từ khi chết đến khi được phát hiện, có 248 người được tìm thấy sau 2-3 ngày sau khi chết, 189 người được phát hiện vào ngày chết hoặc ngày hôm sau, 127 người được phát hiện sau 4-7 ngày, 114 người được phát hiện sau 8-30 ngày và 64 người được phát hiện sau hơn 31 ngày. Tổng cộng có 305 người được phát hiện sau hơn 4 ngày, chiếm hơn 40% tổng số.

Các nhà xã hội học cũng nhận định: "Kết quả này cho thấy vấn đề cô đơn và cách ly xã hội đã trở nên nghiêm trọng trong cộng đồng người trẻ Nhật Bản. Cần nhanh chóng đề ra các biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả".

Quả thực, hiện tượng này đã đặt ra thách thức lớn cho xã hội Nhật Bản trong việc đối phó với vấn đề cô lập xã hội ngày càng gia tăng, không chỉ ở người cao tuổi mà còn cả ở thế hệ trẻ. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang xem xét đề xuất các chính sách mới nhằm tăng cường kết nối cộng đồng và hỗ trợ tâm lý cho nhóm dân số trẻ.