"Cơn bão đồ lót" tấn công thành phố lớn của Trung Quốc: Chuyện bất thường gì đã xảy ra?

Hãy thử tưởng tượng bạn thức dậy và thấy trời bão nhưng không chỉ có mưa trút xuống mà còn có rất nhiều đồ lót, bao gồm: áo ngực, quần lót và quần đùi...

Tờ The Guardian (Anh) đưa tin, Trùng Khánh - thành phố trực thuộc trung ương ở phía tây nam Trung Quốc - đã chứng một hiện tượng kỳ lạ được gọi là "cuộc khủng hoảng đồ lót Trùng Khánh ngày 2/9" diễn ra vào hôm đó.

"Tôi vừa ra ngoài và trời đột nhiên đổ mưa rất to và đồ lót rơi từ trên trời xuống", cư dân địa phương có tên Ethele chia sẻ trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Cơn bão kỳ lạ

Theo trang Firstpost (Ấn Độ), trong hơn một tuần trước đó, Trùng Khánh và các khu vực xung quanh đã phải chịu đựng một đợt nắng nóng thiêu đốt, với nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C.

Được mệnh danh là "thành phố lò nung" của Trung Quốc vì mùa hè nóng như thiêu đốt, Trùng Khánh đã phải đối mặt với cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng cực độ trong 12 ngày liên tiếp cho đến ngày 1/9.

Cái nóng gay gắt kéo dài thậm chí đã buộc các trường học ở Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên phải hoãn kỳ học bắt đầu vào mùa thu.

Được mệnh danh là "thành phố lò nung" của Trung Quốc vì mùa hè nóng như thiêu đốt, Trùng Khánh đã phải đối mặt với cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng cực độ trong 12 ngày liên tiếp cho đến ngày 1/9. Ảnh: Firstpost

Theo Firstpost, để chống lại tình trạng oi bức và giảm bớt hạn hán, chính quyền địa phương đã phải áp dụng công nghệ gieo mây. Phương pháp này, bao gồm việc phân tán các hóa chất như bạc iodide vào mây để tạo ra mưa, đã được sử dụng trên toàn cầu từ những năm 1940 tại các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Thái Lan và Nga.

Tuần trước, gần 200 tên lửa gieo mây đã được phóng tại Trùng Khánh, tạo mưa thành công cho khu vực khô cằn này.

Tuy nhiên, vào ngày 2/9, một cơn bão bất ngờ với sức gió lên tới 122 km/h đã quét qua Trùng Khánh. Cơn bão này đã thổi bay quần áo đang phơi từ các ban công cao tầng trên khắp thành phố, dẫn đến "cơn bão đồ lót" bất thường.

Khi cơn bão bất thường quét qua Trùng Khánh, trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc đã tràn ngập các video ghi lại cảnh quần lót và áo ngực bay vút lên trời, rơi xuống đường hoặc mắc vào cây.

Trong khi một số cư dân chia sẻ những trải nghiệm kỳ lạ của họ với sự hoài nghi, những người khác lại thấy buồn cười trong sự hỗn loạn.

"Người dân Trùng Khánh sẽ không bao giờ quên ngày nặng nề này", một cư dân địa phương nói với The Guardian.

Một người dân đã bị mất một bộ đồ lót Calvin Klein mới tinh đã nói đùa rằng: "Ai sẽ đền bù cho tôi tổn thất về mặt cảm xúc của mình?"

Trong khi đó, một người khác cũng bị mất đồ lót vừa cười vừa ta thán rằng cơn bão đã biến anh ta thành "người hướng nội suốt đời".

Theo Firstpost, “cơn bão đồ lót” cũng nhanh chóng trở thành hiện tượng lan truyền trên mạng Weibo, nơi có hàng chục nghìn bình luận. Từ khóa “khủng hoảng đồ lót” đã thu hút hơn 7 triệu lượt xem, trở thành chủ đề phổ biến thứ 11 trên khắp Trung Quốc vào ngày 4/9.

Ngày 2/9, một cơn bão bất ngờ với sức gió lên tới 122 km/h đã quét qua Trùng Khánh. Cơn bão này đã thổi bay quần áo đang phơi từ các ban công cao tầng trên khắp thành phố, dẫn đến "cơn bão đồ lót" bất thường. Nguồn: Weibo

Gieo mây là nguyên nhân gây ra bão?

Cũng có không ít người tin rằng gió bão là do hoạt động gieo mây được thực hiện để chấm dứt hạn hán.

Giữa những đồn đoán rằng việc gieo mây là nguyên nhân gây ra cơn bão, một từ khóa khác - chế giễu Cục Khí tượng Trùng Khánh - đã được 18 triệu lượt người sử dụng, viết rằng “nếu bạn nghĩ mình đã làm hỏng việc, hãy nghĩ đến Cục Khí tượng Trùng Khánh”.

Chính quyền địa phương ngay lập tức bác bỏ tin đồn này. Phó Chánh Văn phòng Thay đổi Thời tiết Trùng Khánh Zhang Yixuan đã trả lời báo chí và làm rõ rằng, những cơn gió mạnh gây ra cơn bão là hiện tượng đối lưu tự nhiên, không phải là kết quả của mưa nhân tạo.

“Chắc chắn có gió mạnh, nhưng điều này là do điều kiện tự nhiên. Mưa nhân tạo sẽ không gây ra thời tiết khắc nghiệt”, Zhang khẳng định.

Cục Khí tượng Trùng Khánh dự báo sẽ có mưa lớn trở lại vào cuối tuần, và hiện tại, người dân địa phương đang cảnh báo nhau mang đồ giặt vào nhà với hy vọng tránh lặp lại “cuộc khủng hoảng đồ lót” kỳ lạ.