Con dâu về nhà ngoại ở cữ, mẹ chồng xách quần áo đi theo 3 tháng liền

Vì hoàn cảnh gia đình éo le, Thúy bất đắc dĩ phải đưa con về nhà ngoại ở cữ. Mẹ chồng cô thương con dâu vất vả nên cũng xách quần áo về theo để giúp đỡ Thúy.

Thương con dâu như con đẻ

Mẹ chồng – nàng dâu vốn được xem là mối quan hệ nhạy cảm. Không ít người có cái nhìn tiêu cực, cho rằng mẹ chồng – nàng dâu khó có thể hòa hợp bởi “khác máu tanh lòng”.

Câu chuyện của Phan Thị Thúy (SN 1999, quê Tân Kỳ, Nghệ An) đã đem đến một góc nhìn khác về mối quan hệ này. Trên kênh TikTok của mình, nàng dâu xứ Nghệ chia sẻ nhiều mẩu chuyện nhỏ về người mẹ chồng tuyệt vời.

Thúy thừa nhận, bản thân cô giống như hạt mưa rào may mắn được rơi vào vườn hoa tươi tốt.

Thúy và Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 1999) ở chung một huyện, hai nhà cách nhau 35km. Cặp đôi quen biết nhau khi cùng ra Bắc Ninh làm việc. Sau này, Hiếu đi xuất khẩu lao động rồi từ từ dìu dắt Thúy đi theo. Mối quan hệ của họ càng thêm gắn bó.

Tình cảm của cặp đôi được hai bên gia đình ủng hộ. Dẫu vậy, Thúy không hiểu nhiều về mẹ chồng. Cho đến khi cô mang bầu, cùng bạn trai trở về nước đăng ký kết hôn rồi sống chung với nhà chồng, cô mới biết mình may mắn thế nào.

Mẹ chồng của Thúy là bà Hoàng Thị Tài (SN 1961). Bà Tài có 4 nàng dâu và Thúy là nàng dâu út.

Mong muốn được làm cô dâu trong dáng vẻ đẹp nhất, Thúy xin bố mẹ chồng cho hoãn đám cưới, đợi sau khi sinh xong mới tổ chức ngày vui. Hiểu tâm lý con dâu, bà Tài ủng hộ, chỉ làm lễ dạm ngõ cho các con. 

Chồng Thúy quay trở lại nước ngoài lao động, Thúy xin bố mẹ chồng cho về nhà ngoại dưỡng thai. Xa con dâu, mẹ chồng Thúy tối nào cũng gọi điện hỏi thăm, khuyên con ăn ngủ đúng giờ để mẹ khỏe, con khỏe.

Mẹ đẻ Thúy đôi khi nói đùa: “Mẹ con nhà bây có chi mà nói nhiều thế. Ríu rít hơn cả mẹ con ruột”. 

Thúy thấy bản thân may mắn khi được mẹ chồng yêu thương

Thúy thấy bản thân may mắn khi được mẹ chồng yêu thương

Thúy mang bầu ở tháng thứ 8, mẹ đẻ cô phát hiện bị u não, phải phẫu thuật gấp. Bố Thúy mất năm cô 9 tuổi, nhà chỉ còn một cậu em trai đang thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thúy phải nhờ người khác vào viện chăm mẹ, bản thân cô ở lại trông nhà.

“Suốt thời gian đó, mẹ chồng mình tối nào cũng chạy xe máy 35km sang ngủ đêm với mình. Bà sợ mình trở dạ không có ai ở bên. Mẹ đẻ mình nuôi 3 con trâu. Từ ngày mẹ đẻ bị bệnh, mẹ chồng mình kiêm luôn việc cắt cỏ nuôi trâu. Bà sợ mình bụng to phải làm việc nặng nên làm thay”, Thúy kể.

Tháng 5, Thúy nhập viện chờ sinh. 10 ngày trong viện, cô được mẹ chồng chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ. Bà Tài chủ động đăng ký gói sinh dịch vụ cho con dâu, sẵn sàng chi tiền cho những dịch vụ tốt nhất, chỉ mong con vượt cạn an toàn.

Lúc Thúy “mẹ tròn con vuông” cũng là lúc mẹ đẻ cô hoàn thành ca phẫu thuật, được trở về nhà. Thúy xin phép bố mẹ chồng cho về ngoại ở cữ để được ở gần mẹ. 

Mẹ chồng chăm con dâu ở cữ, chăm luôn thông gia bệnh nặng

Thương con dâu vừa sinh, cháu nội non nớt, bà Tài chuyển sang nhà thông gia ở 3 tháng liền để chăm sóc con cháu.

“Mẹ chồng mình vừa chăm con dâu ở cữ, vừa làm công việc đồng áng cho nhà thông gia. Lúc ấy đúng vào mùa gặt, bà giúp mẹ mình gặt gần 2 tấn lúa. Ban ngày lủi thủi phơi lúa, ban đêm lại thức hỗ trợ mình chăm con. Mình khuyên mẹ sang phòng khác nghỉ ngơi nhưng mẹ không chịu.

Khoảnh khắc sum vầy của Thúy (áo kẻ) bên nhà chồng

Khoảnh khắc sum vầy của Thúy (áo kẻ) bên nhà chồng

Mẹ đẻ mình sau ca phẫu thuật lúc nhớ, lúc quên, đôi khi không tự chủ được mấy việc cá nhân, mẹ chồng mình kiêm luôn việc dắt thông gia đi vệ sinh, đi tắm,... Hàng xóm của mình ai cũng nói mẹ chồng mình chỉ có một trên đời”, Thúy chia sẻ.

Cháu nội tròn 3 tháng tuổi, bà Tài mới tạm biệt con dâu ra về. Đó cũng là lúc em trai Thúy được ra quân để chăm sóc mẹ. Yên tâm về nhà ngoại, Thúy đưa con về nhà nội để được ở gần mẹ chồng.

Về đó, cô càng vui hơn khi được cả mẹ chồng, bố chồng và chị dâu quan tâm, chăm sóc. Cô cũng nhận ra, mẹ chồng không chỉ yêu thương mình mà còn hết lòng yêu thương các nàng dâu khác. Thúy nhớ mãi câu nói của mẹ: “Trước khi làm mẹ chồng, mẹ cũng từng là con dâu. Mẹ biết nên làm gì để các con được vui vẻ, thoải mái”.

“Về nhà chồng, mình ngủ đến lúc nào tùy thích, không phải nấu cơm, giặt quần áo, ngay cả con cũng có người trông giúp. Mình có thời gian tập trung vào công việc bán hàng trên mạng. Gia đình chồng mình rất tâm lý và thương người, sống ở đây thoải mái như sống ở nhà mẹ đẻ”, Thúy tâm sự.

Hoàn cảnh nhà ngoại éo le, em trai không thể đi làm vì phải chăm sóc mẹ bệnh nặng, gánh nặng kinh tế đè nặng trên vai Thúy. Nhà chồng cô thấu hiểu điều đó, chưa từng phàn nàn chuyện cô toàn tâm toàn ý lo cho nhà mẹ đẻ.

Bà Tài nói với con dâu: “Con cứ yên tâm lo cho bên ngoại, việc bên này có bố mẹ lo”. Thúy thầm nhủ, nếu không có mẹ chồng và nhà chồng bên cạnh, chắc cô không thể đảm đương mọi thứ như bây giờ.

“Mấy hôm nay, mẹ đang hỏi mình nhớ nhà chưa để mẹ thu xếp quần áo đưa mẹ con mình về ngoại, rồi ở đó ít ngày giúp mình trông con. Mình phải may mắn thế nào mới có được người mẹ chồng tuyệt vời như vậy”, Thúy xúc động chia sẻ. 

Đáp lại tấm lòng của mẹ chồng, Thúy tự nhủ bản thân phải là nàng dâu hiểu chuyện. Cô cho rằng, quan hệ mẹ chồng – nàng dâu sẽ tốt đẹp nếu cả hai bên đủ thấu hiểu, đủ bao dung và hết lòng vun vén.

Ảnh: NVCC