"Chuyện tình" - đêm nhạc được Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp tổ chức sẽ giới thiệu các tác phẩm của hai nhạc sĩ ghi nhiều dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả: Thanh Tùng và Trần Tiến. Chương trình diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 7 và 8/3 với sự góp mặt của các ca sĩ Hà Trần, Hồng Nhung, Bằng Kiều, Quang Dũng và đặc biệt nhạc sĩ Trần Tiến cũng góp mặt để thể hiện chính tác phẩm của mình. Nhạc sĩ Dương Cầm làm giám đốc âm nhạc.
Chia sẻ về “Chuyện tình”, chị Nguyễn Bạch Dương, con gái út của nhạc sĩ Thanh Tùng cho hay có lẽ bố mình sẽ rất vui khi có một đêm nhạc chung với người bạn lúc sinh thời cả hai đã từng thân thiết:
“Gia đình chúng tôi vẫn ấp ủ làm một đêm nhạc riêng cho ông để mọi người hiểu thêm về bố tôi về những bài hát của Thanh Tùng. Chúng tôi cần chất lượng và sự sáng tạo” – chị Bạch Dương cho hay.
Có lẽ do đủ duyên nên khi giám đốc sản xuất Nguyễn Thuỳ Dương đến gặp gia đình, con gái nhạc sĩ Thanh Tùng đã đồng ý: “Bằng trực giác, tôi cảm nhận được tình cảm cũng như sự tôn trọng mà họ dành cho bố tôi. Tôi cũng tin sự hợp tác này sẽ mang đến cho khán giả một đêm nhạc hay. Ở nơi nào đó, có lẽ bố tôi sẽ mỉm cười khi âm nhạc ông vang lên, và có thể chạm vào tim khán giả” – chị Bạch Dương nói. Con út của nhạc sĩ tài hoa cũng cho hay, chị hoàn toàn đặt niềm tin vào ê-kíp sản xuất chương trình cả trong việc chọn ca khúc cũng như ca sĩ.
Nhạc sĩ Thanh Tùng và con gái
“Tôi có thời gian đi học bên Mỹ 10 năm nên không được ở cùng bố tôi nhiều. Lúc bé thì bé quá nên chưa đủ để hiểu bố tôi, về con người. Sau này khi tôi về lại Việt Nam, và đặc biệt khi bố tôi qua đời, lâu lâu tôi lại đi gặp người nọ người kia, cả bạn bè cũ của bố thời còn ở Triều Tiên để nghe kể thêm về con người ông. Báo chí hay nói về tình yêu của bố, nhưng ở góc cạnh khác, bố tôi là người rất giàu tình cảm, đối với bạn bè, gia đình, người thân, thậm chí cả những người ông không quen. Bố tôi từng mở trại nhận 38 đứa trẻ mồ côi ngay ở quận Ba Đình, bây giờ người ta xin phép gia đình phá bỏ xây trường học mới, vì những đứa trẻ mồ côi đã lớn, có gia đình mà cơ sở vật chất ở đó thì xuống cấp” – chị Bạch Dương tâm sự.
Nói về tình cảm của nhạc sĩ, chị Bạch Dương cho hay tình cảm của bố mẹ chị rất sâu đậm vì cả hai quen nhau từ thời trung học, sau đó mới kết hôn. Nhạc sĩ Thanh Tùng sống nghệ sĩ, phóng khoáng, được nhiều cô gái hâm mộ nhưng ông vẫn giữ lời hứa với vợ khi bà qua đời. Sự chung tình và hy sinh của nhạc sĩ dành cho người vợ mất sớm đã khiến các con ông kính kính trọng, yêu thương bố nhiều hơn. Thậm chí không chỉ yêu như một người con thông thường, các con ông đều ngưỡng mộ và thần tượng bố mình: “Chúng tôi thần tượng cách đối nhân xử thế của ông và thần tượng cả tình cảm mà ông dành cho người vợ của mình là mẹ của chúng tôi. Tôi yêu quý, tự hào và sẽ mãi mãi nhớ về ông” – chị Bạch Dương tâm sự.
Nhạc sĩ Thanh Tùng và ca sĩ Hồng Nhung
Yêu âm nhạc của bố, chị Bạch Dương bật mí, có thời điểm, chị rất thích “Một mình”. Khi nhạc sĩ sáng tác ca khúc này, Bạch Dương đang học ở Mỹ. Chị biết bài hát nhờ đọc bản nhạc của bố qua một tạp chí chứ không phải bản thu âm: “Lúc đó tôi khóc. Tôi tưởng tượng hình ảnh bố tôi, tôi cảm nhận được sự cô đơn của ông cũng như nỗi ám ảnh của ông về cái chết của mẹ. Và hơn hết, tôi hiểu được tình yêu của bố mẹ dành cho chúng tôi. Tôi tưởng ra cảnh bố tôi tìm đến hơi men, bố phải uống thật say để giải toả nỗi buồn chất đầy vì nhớ mẹ” – chị Dương chia sẻ.
Nhưng sau này, ca khúc chị yêu nhất, nhớ nhất là “Hoa cúc vàng”: “Hôm ấy tôi đang đi làm qua Hồ Gươm thì nhận được điện thoại của bố. Bố bảo ông sáng tác được một bài rất hay về mẹ, rồi ông hát cho tôi nghe “Đêm qua anh nằm mơ, anh mơ thấy em về, khi anh tuổi đôi mươi em mới lên mười tám. Trong tim em ngập nắng, mang theo đóa cúc vàng em tặng mùa thu sang, mùa thu bỗng hóa thiên đường... Muốn nói với em rằng, trái tim này mong manh, vẫn mong em về, dù bao tháng ngày, dù hoa đã phai tàn, dù mùa thu đi mãi, mãi mãi không nơi nào. Với anh là xa xôi dẫu nơi chân trời, dù cho bốn biển, rồi anh sẽ đi tìm, tìm lại bóng dáng em. Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà, sao chưa về thăm con…”. Tôi xúc động. Vì những ca từ trong bài hát như những thước phim quay chậm, làm tôi nhớ về những ký ức của bố mẹ tôi. Hai người đến với nhau từ những năm tháng học sinh, yêu nhau nhiều năm cho đến khi bố tôi học ở Bình Nhưỡng về mới cưới. Khi về đến gần phố Hàng Tre, bố tôi bảo ông đổi tên ca khúc từ “Tình yêu bất diệt” thành “Hoa cúc vàng” vì ông không muốn dùng từ đao to búa lớn. Ca từ trong bài ông cũng đổi từ “về thăm con”, sau thành “về thăm anh”. Tính bố tôi vậy, ông muốn mượn hình ảnh để nói những điều giản dị, nhẹ nhàng chứ không hô hào khẩu hiệu” - con gái nhạc sĩ Thanh Tùng kể lại.