“Kế hoạch nhỏ” là một trong những phong trào quen thuộc với các thế hệ học trò. Phong trào ra đời với mục đích giáo dục đội viên, học sinh có ý thức gọn gàng, tiết kiệm, chia sẻ giúp đỡ nhau, ngoài ra còn góp phần trong công tác hỗ trợ nguồn lực tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi các cấp.
Thế nhưng, với nhiều học sinh và phụ huynh, “Kế hoạch nhỏ” lại là một gánh nặng. Câu chuyện giáo viên yêu cầu nộp phạt tiền nếu học sinh không gom đủ số lượng giấy vụn theo yêu cầu ở một trường THCS tại Hà Nội hay chuyện giáo viên nhắn phụ huynh nộp tiền tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” thay vì khuyến khích học sinh gom nhặt giấy vụn như mục tiêu ban đầu của phong trào, từng gây bức xúc lớn trong cộng đồng.
Nhiều phụ huynh gọi “Kế hoạch nhỏ” là “gánh nặng”, là cơn “ác mộng” hằng năm. Bởi lẽ, tại nhiều trường tiểu học, trung học, “Kế hoạch nhỏ” đã trở thành một chương trình thi đua, ép buộc học sinh phải hoàn thành đúng chỉ tiêu nhà trường đề ra.
Chị Vũ Thương (35 tuổi, sống tại Hà Nội) có một cậu con trai học lớp 3 và một cô con gái học lớp 7. Chị kể, ngoại trừ thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ, học sinh học online tại nhà, hơn 5 năm nay, năm nào chị cũng phải cùng con chạy đua theo phong trào “Kế hoạch nhỏ”.
Vợ chồng chị làm ăn buôn bán, nhà lại chật nên không khuyến khích con gom giấy vụn, sách vở bỏ đi. Thế nên đến lúc cô giáo thông báo thi đua gom nhặt giấy vụn, thực hiện phong trào “Kế hoạch nhỏ”, chị xoay không kịp.
“Mỗi năm 2 đợt, “đều như vắt tranh”, hễ cô giáo nhắn tin hay con về thông báo: “Mẹ ơi, kế hoạch nhỏ” là tôi lại tất tả gom giấy vụn cho con. Chỉ tiêu mỗi năm, mỗi đợt là khác nhau nhưng rơi vào khoảng 3-4kg giấy vụn/học sinh. Nhà tôi có hai con tức mỗi đợt phải gom khoảng 7-8kg giấy vụn. Nhà tôi lấy đâu ra nhiều giấy cùng lúc như vậy?”, chị Thương ngậm ngùi kể.
Đa phần các đợt, chị đều phải chữa cháy bằng cách mua lại giấy vụn từ những người thu mua đồng nát. Chị cho rằng, đây là một vòng luẩn quẩn và con không thể hiểu được ý nghĩa thực sự của phong trào này.
“Con gái lớn của tôi không thắc mắc nhưng mặc định thi đua “Kế hoạch nhỏ” là việc của bố mẹ. Đến ngày nộp giấy, nó chỉ việc bê đi. Cậu con trai nhỏ của tôi thì luôn thắc mắc: “Mẹ mua giấy vụn nộp cho cô, sau đó cô lại đem bán đồng nát. Vậy thì nộp làm gì hả mẹ?”. Tôi giải thích cho con nghe ý nghĩa của phong trào nhưng ngẫm thấy, con cũng chẳng hiểu được là bao”, chị Thương chia sẻ.
Đối với chị Hồng Phương (36 tuổi), “Kế hoạch nhỏ” cũng là nỗi sợ hãi. Nhiều năm cùng con tham gia phong trào, chị nhận thấy, “Kế hoạch nhỏ” thực sự là công cuộc thi đua của phụ huynh chứ không phải học sinh.
“Kế hoạch nhỏ” thực sự là công cuộc thi đua của phụ huynh chứ không phải học sinh. (Ảnh minh họa)
“Vô lý nhất là thay vì thông báo rõ ràng, giải thích ý nghĩa cao đẹp của phong trào cho các con thì các cô lại nói rất qua loa, rồi áp thẳng chỉ tiêu cho phụ huynh. Con thì nơm nớp lo gom không đủ giấy vụn, vỏ chai... nộp cho các cô, còn phụ huynh thì đôn đáo thu gom, xin xỏ, mua lại... hoặc làm cách nào đó cho đủ chỉ tiêu”, chị Phương nói.
Có lần, vì giáo viên thông báo quá gấp, chị Phương phải ra tiệm đồng nát mua vỏ lon bia, giấy vụn cho con. Ra tới nơi, cửa hàng đóng cửa trong khi cô giáo yêu cầu ngay sáng hôm sau phải mang nộp. Mẹ con chị không còn cách nào khác là đi gõ cửa từng nhà trong khu chung cư xin phế liệu.
Một lần khác, vợ chồng chị cãi nhau vì chuyện “Kế hoạch nhỏ” của con.
“Rút kinh nghiệm từ những lần vất vả đi mua giấy vụn cho con, mình quyết định gom thường xuyên để khi cần thì có sẵn. Đống giấy dù được xếp gọn gàng vẫn chiếm diện tích lớn phía dưới bàn học của con khiến chồng mình khó chịu, lúc dọn dẹp nhà anh ấy vứt bỏ luôn. Y như rằng, vài hôm sau cô thông báo chương trình, con không đủ giấy nộp, mình bực quá mới quát chồng. Thế là đôi bên khục khặc, chiến tranh lạnh cả tuần”, chị Phương kể.
Chị Minh Hương (38 tuổi, Hà Nội) không hề “ác cảm” với phong trào “Kế hoạch nhỏ”, ngược lại còn thấy đây là việc làm có ích. Với chị, “Kế hoạch nhỏ” là một cách để chị rèn cho con thói quen cất dọn đồ đạc khi không dùng đến.
“Thế nhưng, điều bất cập ở đây là một số nhà trường, giáo viên đã biến phong trào hoàn toàn tự nguyện này thành một cuộc thi đua”, chị Hương nói.
Chị Hương có thói quen gom sách ủng hộ trẻ em vùng cao, còn giấy vụn sẽ gom lại để dành cho phong trào “Kế hoạch nhỏ”. Tuy nhiên, số giấy vụn đó thường chỉ được khoảng 1-2kg còn chỉ tiêu của nhà trường có năm lên đến 3-4kg. Vậy là mẹ con chị lại phải tất tả đi xin, mua giấy vụn ở nơi khác.
“Ở lớp con mình, bạn nào gom được nhiều giấy vụn sẽ được tặng hoa hoặc nêu gương trước toàn trường. Thế là con ham lắm, cứ gần đến đợt thi đua là chăm chăm gom sách, báo, giấy vụn. Có khi, con còn gom cả quyển vở đang viết dở hay sách báo của bố khiến cả nhà “dở khóc dở cười””, chị Hương kể.
Ngoài ra, hình ảnh con vác chiếc cặp nặng cùng túi giấy vụn 3-4kg leo lên phòng học ở tầng 3 cũng khiến chị thương cảm.
“Mình nghĩ, nhà trường nên giữ đúng mục đích của phong trào, khuyến khích học sinh thu gom giấy vụn dựa trên sự tự nguyện và giải thích cho các em hiểu ý nghĩa cao đẹp của nó. Đừng áp chỉ tiêu lên giáo viên rồi giáo viên lại áp lên học sinh và cuối cùng, người gánh chỉ tiêu này là phụ huynh”, chị Hương chia sẻ.
Phong trào “Kế hoạch nhỏ” ra đời năm 1958 do Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức, theo sáng kiến của thiếu nhi TP.Hải Phòng và tỉnh Sơn Tây (nay thuộc TP.Hà Nội). Phong trào thu nhặt phế liệu, phế phẩm, thu nhặt giấy vụn, mảnh chai, túi ni lông... đã góp phần xây dựng nhiều công trình như: Nhà máy Nhựa Thiếu niên tiền phong; đoàn tàu chạy trên đường sắt thống nhất Hà Nội-TP Hồ Chí Minh; khách sạn Khăn quàng đỏ; tôn tạo Khu di tích lịch sử mộ Anh hùng Kim Đồng-Người đội trưởng đầu tiên của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh... |