Phong tục lì xì hay mừng tuổi ngày Tết mang ý nghĩa tốt đẹp. Nó là một món quà nhỏ mong muốn người được nhận sẽ có may mắn, thuận lợi, dồi dào sức khỏe trong năm mới. Thế nhưng nhiều năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của cuộc sống, lì xì đã trở thành gánh nặng cho nhiều gia đình mỗi dịp tết đến xuân về.
Lì xì ngày Tết là phong tục rất đẹp
Câu chuyện mà gia đình tôi vừa gặp phải cũng liên quan đến vấn đề tế nhị này. Theo thông lệ hàng năm, sau khi đến chúc Tết họ hàng hai bên nội ngoại, vợ chồng tôi luôn ghé qua nhà sếp để thăm hỏi, cảm ơn sự giúp đỡ trong công việc suốt năm qua.
Năm nay, vợ chồng tôi đã phải đối mặt với tình huống ngoài kịch bản. Theo như bàn bạc trước ở nhà, chúng tôi sẽ lì xì 2 con của sếp mỗi người 500.000 đồng. Vợ tôi đã chuẩn bị sẵn hai phong bao đỏ có hình chuột vàng rất ngộ nghĩnh để sẵn tiền mừng tuổi bên trong.
Thế nhưng sau khi cánh cửa nhà sếp mở ra, vợ chồng tôi rất bất ngờ khi có quá nhiều khách khứa và trẻ con. Chúng tôi đến đúng vào ngày gia đình sếp tổ chức liên hoan họ hàng. Sếp tôi là trưởng họ nên con cháu đến rất đông, chật kín cả căn hộ vài trăm mét vuông.
Sau màn chào hỏi chúc tụng, hai con sếp lễ phép ra chào và tất nhiên vợ tôi đã đưa 2 phong bao lì xì được chuẩn bị trước. Thấy vậy, đám trẻ con đang ở nhà sếp cũng hò nhau xếp hàng rất ngay ngắn chờ đến lượt.
Lì xì trẻ nhỏ không nhất thiết phải bằng tiền mặt
Tôi đã rất bối rối trước tình huống khó đỡ này. Cọc tiền mới có mệnh giá 20.000 đồng đã vừa sử dụng hết khi đi lễ chùa. Nếu mừng tuổi đám trẻ kia bằng tiền 50.000 đồng hay 100.000 đồng thì “lỗ to” mà không biết có đủ số tờ tiền cùng mệnh giá để lì xì cho tất cả không nữa.
Nhưng rồi vợ tôi đã cứu cho chồng một bàn thua trông thấy. Cô ấy đã xử lý tình huống rất nhanh nhẹn và tinh tế. Theo đó, đám trẻ nhà sếp không được lì xì bằng tiền mà được vợ tôi hướng dẫn tham gia một trò chơi vui nhộn.
“Cô sẽ lì xì các con một món quà đặc biệt, các con có muốn biết đó là gì không?”, vợ tôi mớm lời và thế là lũ trẻ nhà sếp nhao nhao hưởng ứng.
Sau đó cô ấy tổ chức trò chơi đố vui về những phong tục tập quán ngày tết, những mẹo vặt ăn uống ngày tết. Đứa trẻ nào trả lời đúng sẽ được cả đám vỗ tay hoan hô và phần thưởng là một chiếc kẹo.
Nhờ có màn ứng xử rất khéo của vợ tôi mà không khí nhà sếp rộn ràng hơn rất nhiều. Trong khi tôi ngồi tiếp chuyện, cánh chị em nhà sếp khen vợ tôi ra mặt.
“Vợ cậu khéo quá lại yêu trẻ con nữa. Không dễ để bắt lũ tiểu quỷ kia ngồi im một chỗ thế này đâu. Bọn này không chạy nhảy quậy phá lại cắm mặt vào smart phone”, chị gái sếp trầm trồ.
“Nhà mình cũng sẽ học theo để chơi trò này. Cần phải cho bọn trẻ có thêm kiến thức về tết cổ truyền. Tôi thấy bây giờ tết nhạt quá”, sếp tôi cũng tỏ ra thích thú.
Sau khi chào sếp ra về, tôi đã ghé tai vợ nói lời cảm ơn. Tôi thực sự rất biết ơn và hãnh diện khi có được một người vợ thật khéo léo và tinh tế.