Câu chuyện người con trai tật nguyền ngồi trên xe lăn vẫn ngày ngày chăm sóc mẹ già bị tai biến phải nằm một chỗ từng bữa ăn, giấc ngủ đăng trên báo Hà Tĩnh khiến nhiều người thương cảm.
Trong căn nhà nhỏ ở xóm Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc, một người con trai tật nguyền ngồi trên xe lăn vẫn ngày ngày chăm sóc mẹ già bị tai biến phải nằm một chỗ từng bữa ăn, giấc ngủ.
Anh Nguyễn Chỉ Tuấn (38 tuổi) mang di chứng của chất độc màu da cam, khi sinh ra chân tay bị co quắp, giọng nói ngọng nghịu. Mọi sinh hoạt của anh, hơn 30 năm qua đều diễn ra trên chiếc xe lăn. Tự lo cho mình đã khó, thế nhưng hơn 2 năm nay, chuyện cơm nước cho mẹ, đều do một tay anh Tuấn lo toan.
Mẹ già con cọc nương tựa vào nhau sống. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Mẹ anh, bà Nguyễn Thị Út năm nay đã 80 tuổi có 5 người con, 4 cô con gái đã lấy chồng, anh Tuấn là con trai duy nhất trong nhà. Năm 2003, chồng bà qua đời vì căn bệnh ung thư nên mọi việc trong nhà, 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Hơn 2 năm trước, một cơn tai biến khiến bà phải nằm một chỗ. Con gái lấy chồng cũng đều khó khăn, mỗi ngày chỉ tranh thủ tới vệ sinh cho bà rồi lại về lo cho gia đình.
Hôm nào các chị gái mang thức ăn tới nấu sẵn cho cả ngày thì bữa tối anh Tuấn chỉ cần hâm lại, còn không thì gửi hàng xóm đi chợ giúp rồi về anh nấu. Thế nhưng công việc cắm cơm rửa bát tưởng chừng rất dễ dàng ngay cả với đứa trẻ con nhưng anh Tuấn lại phải gồng mình, khó nhọc mới làm được.
Những việc tưởng chừng hết sức đơn giản nhưng với anh Tuấn là cả một sự nỗ lực thân lẫn tâm. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Bà Út ngậm ngùi: “Sinh ra nó đã vậy rồi, đưa nó đi chữa trị khắp nơi nhưng không được. Chân quắp lại không đi được đã đành nhưng giá như 2 tay nó lành lặn thì cũng đỡ hơn, ít ra lăn xe cũng nhanh hơn. Đằng này một tay co quắp nên làm gì cũng chỉ được tay phải. Mỗi khi nhìn con quay hướng xe phải gắng hết sức mà tôi ứa nước mắt”.
“May mắn nay bệnh đỡ hơn, tuy không di chuyển được nhưng bà ngồi dậy và tự ăn được. Trước bệnh nặng, nó phải xúc cho tôi ăn. Tay nó rung, thìa cơm đưa đến miệng cũng hột được hột mất, nghĩ mà thắt ruột thắt gan. Với người bình thường thì dễ nhưng với nó, di chuyển vài ba mét, lấy cơm cho tôi thôi cũng đã khó khăn lắm rồi” – bà Út nghẹn lòng.
Mẹ chăm mình cả đời nên anh thấy việc mình làm không xứng với công lao mẹ danh cho anh. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Biết mẹ luôn lo lắng cho mình, dù khả năng phát âm khó khăn, chữ được chữ mất nhưng anh Tuấn cố gắng nói với phóng viên: “Mẹ vất vả nuôi Tuấn hơn 30 năm còn nuôi được, Tuấn chỉ mới chăm mẹ được 2 năm. Mà Tuấn cũng chỉ nấu cơm cho mẹ ăn được thôi, không làm được tiền cho mẹ chữa bệnh”.
Những năm qua, tiền ăn uống, thuốc men của 2 mẹ con chỉ dựa vào chế độ cho nạn nhân chất độc da cam của anh và khoản trợ cấp người cao tuổi của bà Út. Nhờ các mạnh thường quân giúp đỡ, mấy tháng nay, 2 mẹ con bà Út được sống trong căn nhà cao ráo hơn, không còn lo ngập nước mỗi mùa mưa như trước. Nhưng với bà Út, niềm vui lớn nhất khi chuyển lên căn nhà mới là con trai quay trở xe lăn dễ dàng hơn.
Được báo hiếu mẹ là hạnh phúc của một người con. (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Còn với anh Tuấn, ước mơ bây giờ là có được một cái xe lăn bằng điện như trên tivi mà anh thấy, để mỗi lần lấy cơm, lấy nước cho mẹ nhanh hơn, để mỗi khi mẹ cần gì, không phải chờ anh hì hục di chuyển cái xe lăn đã cũ. Mong thông điệp về ước mơ nhỏ nhoi của Tuấn đến được với các nhà hảo tâm, để tấm lòng hiếu thảo của anh được trọn vẹn.
Sinh ra con đã không được nhờ cậy mà còn phải nặng gánh suốt đời, thế nhưng bà Út lại được ông trời phú cho tuổi thọ. Sống đến 80 tuổi mới gặp phải căn bệnh nặng này. Giờ nhìn con chăm sóc cho mình bà cũng thấy ấm lòng, dẫu sau này bà phải ra đi thì ít nhất anh Tuấn cũng có thể tự chăm sóc cho bản thân, như vậy bà cũng đã làm tận trách nhiệm của một người mẹ.
Chứng kiến hoàn cảnh này, những người đang làm con dù đã trưởng thành, thành tựu trên con đường công danh sự nghiệp cũng đừng quên người mẹ sớm hôm tảo tần thời thơ ấu. Hy sinh cả tuổi thanh xuân vì con nhưng mẹ chẳng cầu báo đáp, nếu có cũng chỉ là những hành động nhỏ bé và tấm lòng hiếu thảo như vậy thôi.