Quy trình làm miến tại Dương Liễu khá bẩn khiến nhiều người không khỏi rùng mình bởi đây là thực phẩm phục vụ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Tết Nguyên đán cận kề là khi mùa làm miến cao điểm của những làng nghề vùng ven Hà Nội. Đây không chỉ là thời gian sản xuất hàng Tết mà còn là thời điểm các loại nguyên liệu củ dong, củ sắn đến mùa được thu hoạch.
Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) là một làng nghề làm miến lâu đời. Những ngày này, khắp nơi trong làng đều đang sơ chế củ dong, củ sắn. Những xe chở tinh bột sau sơ chế đi khắp làng, những hố chôn ủ bột dự trữ và miến phơi đầy các cánh đồng...
Hố chôn ủ tinh bột dự trữ.
Ngay cạnh đó là chiếc hố cũ bẩn thỉu, nước tù đọng lại.
Thế nhưng quy trình làm miến tại đây mới là điều khiến ai cũng phải rùng mình. Củ dong, củ sắn nguyên liệu được xe tải lớn chở về đến đầu làng. Từ đây, các xe ba gác sẽ phân phối đến từng xưởng sản xuất của từng hộ dân.
Nguyên liệu sẽ được rửa trong các guồng quay tại các xưởng. Công đoạn này lại khá sơ sài và khi quan sát qua cũng có thể thấy nguyên liệu còn rất bẩn và nhiều đất.
Khu vực sản xuất cáu bẩn, nhếch nhác.
Sau khi rửa, nguyên liệu sẽ được cho vào máy xay, chuyển qua hồ lắng tinh bột. Hồ lắng sâu khoảng 1 m, hầu hết tại các xưởng tại đây có chất lỏng trong các hồ là màu nâu, thậm chí là màu đen.
Trên mặt hồ váng bọt là những ruồi nhặng, quanh hồ là những vệt cáu bẩn. Nếu đứng cạnh, người ta có thể dễ dàng ngửi thấy một loại mùi không mấy dễ chịu.
Bể lắng tinh bột đen xì, bốc mùi chua khó chịu.
Sau khi tinh bột lắng xuống đáy sẽ là công đoạn vắt. Tinh bột nhão được đưa vào một cái khuân kết bằng tre, phủ vải, dùng máy đầm rung để tách nước rồi xắn từng thớ to như những chiếc gối, xong cho lên xe ba gác chở đến nơi bảo quản.
Những chiếc xe chở bột dong chạy khắp đường xóm.
Đây là một trong những công đoạn mất vệ sinh nhất khi người công nhân dùng tay trần, chân đi ủng và đi hẳn vào bể lắng. Dùng khuôn tre bắt bột đầy những cáu bẩn và chiếc xe ba gác để chở không được che chẳn, chở bột giữa quãng đường hàng cây số đầy khói bụi.
Sau khi tinh bột được tách thì sẽ dùng để sản xuất miến luôn hoặc đưa đi ủ dự trữ. Phần tinh bột dự trữ sẽ được phơi khô hoặc được các xe ba gác chở đến các hố chôn ủ ở ngoài ruộng.
Hố chôn ủ đuộc đào sâu xuống mặt ruộng gần 2 m, được lót bạt nilon. Xe ba gác khi chở bột đến thì chạy thẳng vào hố dù cho xe có bao nhiêu bùn đất bẩn. Công nhân thản nhiên đi ra đi vào kệ cho lớp bột trắng tinh đã chuyển màu ố vàng.
Những chiếc hố đã được đậy kín.
Sau khi hố được lấp đầy bằng mặt ruỗng thì sẽ được phủ lên một lớp bạt nilon nữa rồi sẽ tiếp tục phủ đất cát lên. Lượng tinh bột trong mỗi hố có thể từ vài chục tấn đến cả trăm tấn, được dùng cho cả quãng thời gian nguyên liệu không về trong năm sau.
Đối với phần tinh bột được sử dụng luôn, chúng có thể được bảo quản sơ sài trong những bao tải bẩn, có khi lại để ngay lề đường ẩm ướt. Theo các chủ xưởng, các thùng trộn sẽ được rửa nhiều lần nhưng thực tế có những thùng trộn cáu bẩn nhiều lớp.
Nước thải từ các cơ sở chạy ra con kênh gần đó.
Xưởng sản xuất cũng chính là nhà ở, là nơi gia chủ sinh hoạt hàng ngày và có thể nơi thái miến chỉ cách cửa nhà vệ sinh chưa đầy 1 m. Miến thành phẩm được đặt la liệt dưới nền nhà rồi phơi bên lề đường bụi bặm.
Công đoạn phơi miến thành phẩm cũng khá mất vệ sinh. Miến làm ra vứt ngay giữa nền nhà rồi được cho lên liếp chở ra đồng, lề đường để phơi. Khi phơi khó tránh khỏi việc miến bị ẩm ướt với khói bụi. Nhiều liếp miến được phơi giữa ruộng hoa quả lại sạch sẽ hơn nhưng khả năng lớn bị phơi nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật từ chính những ruộng hoa quả xung quanh.
Những sợi miến, bánh đa vứt la liệt dưới nền nhà bẩn thỉu.
Chia sẻ về thực trạng này, một cán bộ xã này thừa nhận, vì là làng nghề tiểu thủ công nghiệp, ít điều kiện đầu tư nên vẫn còn những hạn chế nhất định. Vị cán bộ này cho biết, trước đây cả làng Dương Liễu làm miến, tuy nhiên hiện nay việc sản xuất chỉ tập trung tại một số cơ sở, quy mô mỗi cơ sở mỗi ngày chế biến hàng chục tấn nguyên liệu.
Miến Dương Liễu hiện là nguồn cung ứng lớn cho thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác với mức giá dao động khoảng gần 40.000 đồng/kg.
Theo Kenh14.vn
* Nội dung liên quan: