Anh chàng người Tokyo 38 tuổi này tính phí 71 đô la Mỹ/ một giờ (khoảng 1,6 triệu đồng) cho mỗi lượt đặt phòng để đi cùng khách hàng và chỉ đơn giản là tồn tại như một người bạn đồng hành.
“Về cơ bản, tôi tự cho thuê bản thân mình. Công việc của tôi là đến nơi mà khách hàng muốn và không làm bất cứ điều gì đặc biệt”, Morimoto nói với Reuters và chia sẻ thêm rằng anh đã thực hiện khoảng 4.000 cuộc gặp gỡ trong bốn năm qua.
Với vóc dáng mảnh mai và ngoại hình trung bình, Morimoto hiện có gần 250 nghìn người theo dõi trên Twitter, nơi anh tìm thấy hầu hết các khách hàng của mình.
Khoảng một phần tư trong số họ là khách hàng trung thành, có thể kể tới một “khách sộp” đã thuê anh ta 270 lần chỉ để đến chơi xích đu cùng họ. Một lần khác, nhiệm vụ của anh là vẫy tay, cười rạng rỡ qua cửa sổ toa tàu với một người hoàn toàn xa lạ có nhu cầu nhìn thấy anh.
Morimoto có nguyên tắc riêng cho công việc của mình: Không bất chấp làm tất cả các nhiệm vụ được giao. Anh ta từ chối những lời đề nghị chuyển tủ lạnh hay du lịch sang Campuchia, đồng thời cũng không chấp nhận những yêu cầu mang tính chất kích dục.
Tuần trước, Morimoto được thuê mặc áo sari, ngồi trò chuyện với Aruna Chida, một nhà phân tích dữ liệu 27 tuổi. Cô Chida đã tuyển Morimoto để làm bạn đồng hành bởi lẽ cô ấy muốn mặc quần áo Ấn Độ ở nơi công cộng nhưng sợ bạn bè đi cùng sẽ xấu hổ.
“Đi cùng bạn bè, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải giao tiếp nhưng với người tôi thuê về, tôi không cảm thấy mình phải làm điều đó”, cô chia sẻ
Trước khi tìm thấy công việc này, anh làm việc tại một công ty xuất bản và thường bị chỉ trích vì “không làm gì cả”. “Tôi bắt đầu đặt vấn đề về việc cung cấp khả năng 'không làm gì' để phục vụ những người có nhu cầu”, anh nói. Và giờ, công việc kinh doanh này trở thành nguồn thu nhập duy nhất của Morimoto giúp anh nuôi vợ con.
Mặc dù từ chối tiết lộ thu nhập cụ thể nhưng Morimoto chia sẻ ông gặp khoảng một hoặc hai khách hàng mỗi ngày. Trước đại dịch con số này tăng gấp đôi, khoảng ba hoặc bốn khách/ ngày.
Sau khi dành một ngày thứ Tư ở Tokyo không làm gì cả, Morimoto suy ngẫm về tính chất kỳ lạ của công việc này. Từ đó, lật ngược vấn đề về một xã hội được biết đến là coi trọng năng suất và coi thường sự vô ích.
“Mọi người thường có xu hướng nghĩ rằng việc 'không làm gì' của tôi có giá trị vì nó hữu ích cho một số đối tượng nhất định. Mọi người không nhất thiết phải hữu ích theo bất kỳ cách cụ thể nào”, ông nói.