Tại quán nước nhà Tú “Vịt”, ông trẻ hớt hải, lo lắng chạy sang báo tin con chó “Nguyễn Văn Tũn” mà vợ chồng ông nuôi gần chục năm nay đã bị trộm mất vì ông đi nhậu quên khóa cổng. Đối với gia đình ông, con “Tũn” không chỉ làm nhiệm vụ coi nhà mà với ông trẻ “Con cái lớn nó đi hết rồi, hai ông bà già có mỗi niềm vui là con chó mà bọn khốn nạn nó cũng bắt mất. Bà trẻ mày vừa mới về, biết chuyện đang lăn ra khóc kia kìa, bỏ cả ăn cả uống”.
Để giúp ông trẻ, Tú “Vịt” và Phú “Chim” đã liên hệ với những cửa hàng thịt chó quanh vùng với hi vọng biết đâu có cơ may tìm thấy. Nhờ quen biết, ông trẻ đã tìm thấy “con Tũn” tại một lò mổ trong vùng, đồng thời ông cũng lên kế hoạch theo dõi tìm tra những kẻ trộm chó trong làng. Sau nhiều ngày phục kích, ông trẻ đã gài bẫy bắt được bọn trộm và quyết tâm “đánh cho mềm xương”. Tuy nhiên, Phú “Chim” đã khuyên ngăn ông trẻ nên bình tĩnh giao kẻ phạm tội cho công an và trừng trị tên trộm bằng cách đăng ảnh lên mạng xã hội để cộng đồng mạng “mỗi người nhổ bãi nước bọt là nó chết chìm, nó sẽ sợ hết vía ngay.”
Câu chuyện của Xóm Hóm chỉ là một trong số hàng trăm nghìn vụ án mất trộm xảy ra phổ biến hiện nay. Nạn trộm chó là một vấn đề được dư luận quan tâm nhiều nhất. Chắc hẳn không ít người tự đặt ra câu hỏi “Tại sao nạn trộm chó càng ngày càng xuất hiện nhiều, các cơ quan chức năng họ đã làm gì để ngăn chạn hành vi này? Người dân, phải chăng họ đã bất lực trước tình trạng này xảy ra.”
Hành động trộm chó của những kẻ trộm chó ngày càng manh động và liều lĩnh hơn khi chúng sẵn sàng sử dụng hung khí, các loại súng điện tự chế để chống trả quyết liệt khi phát hiện người dân truy đuổi đến cùng. Trộm chó mang lại lợi nhuận khá cao. Khi bị bắt, thường thì tang vật thu được chỉ có 1 - 2 con chó. Tính ra tiền chưa đủ 2 triệu nên chỉ phạt hành chính. Những đối tượng trộm lần 2, lần 3 mới xem xét khởi tố hình sự.
Vấn đề khá nhức nhối ở các địa phương phát hiện ra kẻ trộm hoặc nghi trộm chó, người dân thường không kìm được sự kích động thường lao vào đánh hội đồng những đối tượng này dẫn đến chết người. Không những đánh người dẫn đến thương vong, người dân thậm chí còn đốt phương tiện hoặc lấy cả tài sản của những đối tượng trộm chó này. Nhiều người dân tham gia vào việc đánh chết trộm này đã buộc phải nhận hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Nhiều kẻ trộm chó đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình, một sự trả giá quá cao nhưng trộm chó thì vẫn trộm và tình trạng đánh chết những kẻ trộm chó thì vẫn diễn ra.
Đã đến lúc chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần phải có nhũng giải pháp cụ thể, thiết thực và quyết liệt hơn đối với tệ nạn trộm chó. Nhiều chuyên gia pháp lý đã cho rằng, nguyên do của thực trạng trộm chó ngày càng nhiều, khó bắt giữ, còn nếu bắt được thì bị người dân tự xử không chỉ là do người dân dường như “đơn độc” trong chống trộm chó, phần thua thường nghiêng về phía người mất trộm, mà còn vì việc xử lý hành vi trộm chó chưa nghiêm. Do đó, để giải quyết tận gốc vấn đề, Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi cần xem xét bổ sung hành vi trộm chó là tình tiết “đặc biệt” của hành vi trộm cắp tài sản, ví dụ không cần giá trị con chó đến 2 triệu đồng cũng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, tăng nặng hình phạt với hành vi này, có như vậy mới đủ sức răn đe, phòng chống hiệu quả nạn trộm này.
Theo Điều 138 Bộ luật Hình sự thì người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Như vậy, những kẻ trộm bị bắt lần đầu kèm tài sản bị trộm có giá trị dưới 2 triệu đồng, không gây hậu quả nghiêm trọng thì thoát trách nhiệm hình sự và trên thực tế, phần lớn những kẻ trộm chó chỉ bị phạt hành chính.