Phẫn uất vì đánh mất tình yêu của nhà vua, phế hậu Jang Ok-jeong nguyền rủa Trung điện Inhyeon và chuốc lấy cái chết (Ảnh: Nongmin.com)
Trong biên niên sử “Triều Tiên Vương triều Thực lục”, chỉ có một người được lưu danh bởi nhan sắc là Trung điện Jang Hui-bin (tên thật là Jang Ok-jeong). Dù xuất thân là thường dân nhưng nàng đã quyến rũ thành công người đứng đầu đất nước và bước lên vị trí cao quý nhất.
Cung nữ xinh nhất
Jang Ok-jeong (1659 -1701) là con gái út của thông dịch viên giàu có Jang Hyeong (1623 - 1669). Trước Ok-jeong, ông Hyeong còn 2 người con trai là Jang Hee-sik (1640 ~ ?) và Jang Hee-jae (1651 - 1701). Năm 1691, Hee-jae vượt qua đợt tuyển quân gắt gao, trở thành vệ binh hoàng cung.
Năm 11 tuổi, Ok-jeong mồ côi cha và sau đó không lâu anh trai cả của nàng cũng qua đời. Có nguồn tin viết, chính hoàn cảnh éo le ấy đã buộc Ok-jeong phải vào cung, trở thành thị nữ sau cái chết của anh trai. Song, cũng có nguồn tin cho rằng, Ok-jeong được tuyển vào cung từ khi còn rất nhỏ nhờ sở hữu nhan sắc hơn người.
Trong cung, Ok-jeong hầu hạ Thái hậu Jaui (1624 - 1688), bà nội của Hoàng đế Sukjong (1661 - 1720). Ngay từ lần đầu nhìn thấy Ok-jeong trong khi đi thỉnh an Thái hậu, Hoàng đế đã bị nhan sắc kiều diễm của nàng hớp hồn.
Theo ghi nhận từ “Triều Tiên Vương triều Thực lục”, Ok-jeong có khuôn mặt tròn trịa như trăng rằm, nước da trắng ngần không tì vết, mái tóc dày dặn, óng ả, bồng bềnh. Ngoài sắc vóc “đẹp nhất Joseon”, Ok-jeong còn rất khôn khéo và hóm hỉnh.
Lập tức, Hoàng đế Sukjong phong cho Ok-jeong làm Hy tần và hết lòng sủng ái. Chủ nhân hậu cung của Hoàng đế lúc này là Trung điện Inhyeon (1681 - 1689), nổi tiếng hiền đức, được quần thần kính trọng nhưng lại chưa sinh được con trai kế vị ngai vàng. Thấy Hoàng đế quá say mê Hy tần mà lạnh nhạt với Trung điện, các quan trong triều đòi trục xuất Ok-jeong.
Chân dung Trung điện Jang Hui-bin, khuê danh Jang Ok-jeong (Ảnh: Ridibooks.com)
Sóng gió hậu cung
Trước sức ép từ các quần thần, Hoàng đế Sukjong buộc phải trục xuất Hy tần Ok-jeong khỏi cung điện. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau đó, chính Trung điện Inhyeon đã đích thân cầu xin và đón Hy tần quay trở lại cung. Năm 1668, Hy tần hạ sinh Hoàng tử Gyun (1688 - 1724).
Sự chào đời của Hoàng tử Gyun khiến triều đình Joseon bị chia làm 2 thế lực, một bên ủng hộ Trung điện Inhyeon và một bên theo Hy tần. Hoàng đế Sukjong ở bên phe theo Hy tần.
Chỉ có một cách để Hoàng đế hợp nhất 2 thế lực trong triều là thuyết phục Trung điện Inhyeon nhận Hoàng tử làm con nuôi. Tuy nhiên, ông bị Trung điện từ chối. Càng lúc, cuộc đấu tranh giữa 2 phe đối địch càng lên cao. Cuối cùng, Hoàng đế phế bỏ và lưu đày Trung điện cùng cả gia đình của bà.
Năm 1690, Hoàng tử Gyun được tấn phong làm Thái tử và Hy tần Ok-jeong nghiễm nhiên trở thành Trung điện. Lợi dụng tình yêu và sự dung túng của Hoàng đế, nàng can thiệp vào việc trị quốc, cố ý điều chỉnh các chức quan, chính sách… theo chiều hướng có lợi cho mình và nhanh chóng trở thành người đàn bà quyền lực nhất Joseon.
Nhan sắc và tầm ảnh hưởng của nàng khiến triều thần và hậu cung oán hận, tìm mọi cách gièm pha, vu khống đủ điều. Từ năm 1688, Hoàng đế Sukjong đã phải lòng cung nữ Jang So-ui. Năm 1693, ông lại mê đắm cung nữ khác.
Cùng lúc, thế lực trung thành với phế hậu Inhyeon nỗ lực phục vị. Năm 1694, họ đã khiến Hoàng đế đón phế hậu về cung điện, trả lại chức vị Trung điện và giáng Ok-jeong xuống làm cung nữ.
Phẫn uất, Ok-jeong âm thầm sai các thị nữ bắn tên vào bức vẽ chân dung Trung điện Inhyeon mỗi ngày 3 lần. Bà còn tìm thầy cúng, vừa nguyền rủa Trung điện Inhyeon vừa cầu khẩn tình yêu của Hoàng đế Sukjong quay lại.
Năm 1701, Trung điện Inhyeon lâm bệnh nặng và qua đời. Hoàng đế phát hiện phế hậu Ok-jeong đã thực hiện ám thuật liền vin vào cớ đó, đổ lỗi cho nàng và kết án tử hình.
Ngày 9/11/1701 tại sân Chuseondang trước cửa cung Changgyeong, phế hậu Ok-jeong bị ban rượu độc. Nàng nhất quyết không chịu uống nên những người thi hành án đã phải giữ chặt, bóp miệng và đổ rượu độc xuống. Lúc qua đời, Ok-jeong mới chỉ 42 tuổi. Bị xử tử cùng nàng là 1.700 người khác có liên quan, từ mẫu thân, anh trai đến các thị nữ. Toàn bộ các quan viên từng lên tiếng xin tha chết cho nàng đều bị trục xuất.
Sau khi chết, phế hậu Ok-jeong chỉ được mai táng sơ sài tại một vị trí vắng vẻ ở Gwangju. Mãi đến năm 1970, bà mới được cải táng, chôn cùng Hoàng đế Sukjong và 3 trung điện khác của ông.
Mặc dù là con trai của phế hậu bị tử hình, Thái tử Gyun không bị vạ lây. Năm 1720, Thái tử lên ngôi vua, lấy vương hiệu là Hoàng đế Gyeongjong.
Trong các ghi chép sử sách Hàn Quốc, Ok-jeong bị lưu danh là ả đàn bà quỷ quyệt và đầy tham vọng, kẻ quyến rũ nhà vua, bức chết hoàng hậu, thao túng hoàng quyền… Tuy nhiên, trong góc nhìn của các nhà nghiên cứu hiện đại, nàng có lẽ chỉ là một nạn nhân.
Hoàng đế Sukjong là nhà vua tài giỏi, nhưng sinh ra trong thời kỳ Joseon chia rẽ nhất. Hai thế lực lớn trong triều đình, Namin và Noron, đối chọi nhau gay gắt, tận dụng mọi lợi thế có được để hạ bệ lẫn nhau. Trong các lợi thế này, tình cảm của hoàng đế là thứ dễ tận dụng nhất.
Đối với lĩnh vực văn chương - điện ảnh Hàn Quốc, Jang Ok-jeong là nhân vật lịch sử thu hút. Các nhà văn, biên kịch xem bà như nguồn cảm hứng vô tận, xây dựng rất nhiều tác phẩm hay, cuốn hút độc giả và khán giả toàn cầu.
Tất cả các nữ diễn viên được chọn vào vai Jang Ok-jeong đều là người cực kỳ xinh đẹp, ví dụ như Kim Tae Hee, Lee So Yeon… Có điều, tiêu chuẩn về nhan sắc của người Hàn Quốc đã thay đổi rất nhiều qua các thời đại. Nếu xét theo tiêu chí ngày nay, Jang Ok-jeong nhiều khả năng không phải là mỹ nhân.