Cuộc gặp gỡ thay đổi số phận cậu bé đánh giày

Bữa tiệc chiêu đãi Thủ tướng New Zealand John Phillip Key tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội năm 2015 bất ngờ có sự xuất hiện của cậu bé đánh giày Quang Quyết.

Bước chân vào khách sạn trên đường Thanh Niên, Quyết, 15 tuổi, choáng ngợp trước không gian sang trọng và những vị khách là người thuộc tầng lớp trí thức. Lần đầu tiên trong đời cậu bé đánh giày, ba năm sống lang thang trên các con phố bỗng nảy sinh khao khát được trở thành người mang lại ảnh hưởng tích cực như họ.

"Cuộc gặp ấy tựa như một giấc mơ đẹp. Đến bây giờ, mỗi lần nghĩ về đêm đó trái tim tôi vẫn không khỏi rung lên một nhịp", Quyết hồi tưởng.

Là con thứ ba trong một gia đình có bốn anh em tại Nam Định, Quyết lớn lên với một hoàn cảnh đặc biệt. Bố cậu mắc bệnh tâm thần, mọi gánh nặng đè lên đôi vai người mẹ. Bữa ăn của gia đình thời đó quẩn quanh rau luộc và cám gạo. Đến trường, Quyết bị cô lập. Gần như ngày nào cậu bé cũng bị bắt nạt và phải "đánh nhau thắng mới được yên".

"Năm 12 tuổi, tôi trốn nhà ra đi mang ước mơ thay đổi cuộc sống gia đình", Quyết nói.

Lên Hà Nội, cậu tìm được công việc tại một quán phở ở quận Đống Đa. Người ta cho thằng bé gầy guộc thức ăn và một tấm chiếu để ngủ. Sau gần nửa năm, khi Quyết hỏi về tiền lương liền bị đuổi ra đường.

"Tôi ngồi từ sáng đến chiều muộn trước cổng bệnh viện. Một cô tốt bụng cho hơn 100.000 đồng để bắt xe về quê", cậu kể.

Cầm tiền trong tay nhưng Quyết nghĩ về những gì đang chờ đợi ở nhà chỉ là sự bắt nạt, đòn roi và tương lai vô vọng. Dù cái bụng sôi sục, cậu hiểu việc quan trọng trước mắt là tìm kế sinh nhai. Ngay trong tối đó, cậu tìm mua một chiếc làn, bàn chải và hộp xi, bắt đầu nghề đánh giày.

Trong những ngày tháng tiếp theo, Quyết thi thoảng mới kiếm được tiền thuê phòng chung để ngủ. Cái đói bủa vây, ngày qua ngày cậu bé phải cầm cự bằng những mẩu thức ăn nhặt trên phố. Ngay cả khi kiếm được tiền, cậu cũng bị trấn lột.

"Tất cả những gì là mặt trái, xấu xa của xã hội này, tôi đã phải trải qua khi là đứa trẻ đường phố", Quyết nói.

Ba năm sống trên đường phố, đến một ngày Quyết đang ngồi trong công viên, một phụ nữ tiến lại gần. Cô kể về Blue Dragon - Tổ chức hỗ trợ trẻ em đường phố và cam đoan đến trung tâm sẽ được ăn những bữa nóng hổi.

Dù không còn tin ai sau những lần bị lừa, Quyết miễn cưỡng lắng nghe. Nhưng hình ảnh những bữa cơm có thịt đã chiến thắng sự hoài nghi. Từ đó, cậu bắt đầu ghé Blue Dragon mỗi buổi trưa.

Lòng tốt và những bữa ăn ngon dần khiến cậu bé bớt đi sự đề phòng. Nhưng để kéo nó khỏi lối sống lang thang phải kể đến sự kiên nhẫn của Michael Brosowski, nhà sáng lập Blue Dragon, người từng được CNN trao tặng danh hiệu Anh hùng của năm vào 2011.

Mỗi ngày sau giờ làm việc, Michael ghé thăm Quyết và có những cuộc trò chuyện 10-15 phút. "Anh ấy ngồi trên xe máy, tôi ngồi bên vệ đường và cả hai nói những câu chuyện không đầu cuối", Quyết kể.

Giữa tháng 11/2015, Michael hẹn cậu bé đi ăn tối với mình. Đến sát giờ đi, anh mới thông báo sẽ tới tiệc chiêu đãi của Thủ tướng New Zealand John Phillip Key, nhân chuyến thăm Việt Nam của ông.

Phản ứng đầu tiên của cậu bé là muốn bỏ chạy. Không đứa trẻ đường phố nào muốn đi gặp người lạ. Nhưng Michael nói: "Em có thể đi hoặc không. Nếu không đi, anh sẽ hủy bữa tối này để đi ăn với mình em". Câu nói ấy khiến Quyết ngập ngừng, rồi cuối cùng đồng ý.

Michael Brosowski cho biết không hề do dự khi đưa Quyết đến sự kiện đặc biệt này. Blue Dragon có mối quan hệ tốt với Đại sứ quán New Zealand và anh biết Quyết sẽ được chào đón như mọi vị khách khác.

"Tôi chẳng thấy có sự khác biệt nào giữa những người mặc vest thắt cà vạt và một cậu thiếu niên đánh giày", anh nói. "Sau cùng, chúng ta đều giống nhau, chỉ là hoàn cảnh cuộc sống khác nhau".

Dù chuyển qua các phòng trọ khác nhau, Quyết luôn treo cạnh bàn làm việc những bức ảnh người thân, các anh chị ở Blue Dragon và những câu nói truyền động lực. Ảnh: Hương Nguyễn

Dù chuyển qua các phòng trọ khác nhau, Quyết luôn treo cạnh bàn làm việc những bức ảnh người thân, các anh chị ở Blue Dragon và những câu nói truyền động lực. Ảnh: Hương Nguyễn

Bữa tối và cuộc gặp những người thuộc tầng lớp tinh hoa ấy trở thành cột mốc thay đổi cuộc đời đứa trẻ cứng đầu. "Trong không gian sang trọng, lịch sự, nhưng không coi thường một vị khách như tôi. Những bản nhạc opera như đưa tôi sang một thế giới khác. Bữa tiệc đó đã cho tôi mơ ước thành một người có cách cư xử lịch thiệp và đáng quý như họ", Quyết hồi tưởng.

Cậu bé bắt đầu đọc cuốn sách đầu tiên Michael đưa Quẳng gánh lo đi mà vui sống, sau đó là các cuốn Đắc nhân tâm, Nhà giả kim, Hai người bạn.

Khi cậu bé bắt đầu mê đọc, Michael dẫn tới nhà sách cho tự chọn. Quang Quyết chia sẻ, nếu như Michael là người dẫn dắt thì chính sách đã thay đổi cậu 180 độ. Những trang sách đầy chữ dần giúp cậu nhìn thấy màu hồng trong cuộc sống, bỏ đi tư duy tiêu cực, những việc làm sai trái và cả những hận thù.

Khi đã có kiến thức, khát khao lớn nhất của cậu là gắn kết lại gia đình. Giờ đây Quyết nhận ra, người cha dù có vấn đề tâm thần đã cõng cậu rong chơi trên đường làng suốt tuổi thơ. Người mẹ, dù cách thể hiện tình yêu với anh em cậu chỉ toàn đánh mắng, cũng là người phụ nữ tần tảo và dạy con những điều hay lẽ phải."Đó thực sự là một cuộc cách mạng đập đi xây lại trong mối quan hệ của tôi với các thành viên trong gia đình", chàng trai chia sẻ.

Tình cảm gia đình cũng là một trong các lý do khiến Quyết quyết định nghỉ học lớp 12 để đi làm, nuôi em gái đỗ Đại học Kiến trúc Hà Nội. Bắt đầu từ nghề xe ôm, sau vài tháng chàng trai đặt mục tiêu mua ôtô để chạy taxi.

Mua xe không bao lâu, Covid-19 ập đến. "Cuộc đời tôi chưa bao giờ có gì dễ dàng, nên thế lực duy nhất cần đấu tranh là chính mình", cậu nói. "Không dưới 10 lần, tôi có ý nghĩ bán xe".

Chàng trai đã xoay trở đủ đường cầm cự. Ngay trước thời điểm thủ đô giãn cách toàn thành phố, Quyết lái xe rời đi với suy nghĩ "Phải sống đã".

Trở về quê, cậu nhận thấy tuyến Hưng Yên - Nam Định vẫn cho phép chạy xe. Mở trang Facebook thu hút khách, mỗi ngày Quyết chạy một chuyến, chỉ nhận bao xe nên dù trong dịch, trừ các chi phí mỗi tháng vẫn thu về chừng 20 triệu đồng. Trước thời hạn một năm, anh đã trả hết nợ cho chủ xe, vẫn duy trì đóng lãi ngân hàng và phụ nuôi em gái.

Quang Quyết, hiện 25 tuổi theo đuổi ước mơ trao tặng các cơ hội tốt và đẹp hơn cho những người kém may mắn. Ảnh: Phan Dương

Quang Quyết, hiện 25 tuổi theo đuổi ước mơ trao tặng các cơ hội tốt và đẹp hơn cho những người kém may mắn. Ảnh: Phan Dương

Năm 2024, Quang Quyết nảy ra ý tưởng xây dựng một mô hình xe dịch vụ, cho phép người khác đầu tư. Bắt đầu từ tháng 5, chàng trai trở thành ông chủ của một đội xe 5 chiếc. Anh hy vọng mô hình này có thể tạo ra cơ hội việc làm tốt cho những đứa trẻ từng trải qua hoàn cảnh giống mình. Cho đến khi đạt được mục tiêu đó, anh vẫn đang trao đi những gì mình có, đôi khi đơn giản là suy nghĩ tích cực.

"Cuộc đời tôi như một giấc mơ và tôi biết ơn những người đã xuất hiện trao cho những điều tuyệt vời", Quang Quyết nói.