Khi những người sành điệu nhất thế giới đang dạo quanh Paris vào những ngày đầu tháng 10 để tham dự tuần lễ thời trang Paris trứ danh thì các nhà thiết kế và các buổi trình diễn không còn là chủ đề bàn tán. Thay vào đó, mọi người đều nói về "đại dịch rệp giường" khi loài vật hút máu này được phát hiện ở gần như mọi nơi tại thành phố Paris.
Từ các khách sạn, tàu điện ngầm, rạp chiếu phim hay sân bay Charles de Gaulle, loài côn trùng có kích thước chỉ cỡ 5mm này đang dần trở thành nỗi sợ hãi của người dân và khách du lịch tại Paris.
Rệp có thể ở bất cứ đâu
Có kích cỡ siêu nhỏ và có thể len lỏi ở bất kì nơi nào ẩm thấp và có bóng tối, rệp được cho là thường xuyên hoạt động vào ban đêm, đặc biệt là khi "vật chủ" đang ngủ. Khi hút "no" máu người, rệp sẽ chuyển từ màu nâu sang màu đỏ hoặc đỏ tía. Với những chú rệp con thì gần như không có màu, chỉ khi được cho ăn no chúng mới có thể biến đổi sang màu nâu đỏ.
Loài rệp giường đang khiến cả kinh đô ánh sáng chao đảo vì sự sinh sôi nhanh chóng
Ngay khi Paris bị rệp giường tấn công, hàng chục video được đăng tải trên các trang mạng xã hội cho thấy những sinh vật này đang tìm kiếm "vật chủ" của chúng trên những chiếc đệm giường, xe buýt, xe lửa, khách sạn, v.v.
Có thời điểm, đường phố Paris xuất hiện hàng loạt những chiếc đệm bị vứt bỏ ngoài đường trong tình trạng bọc kín bằng nylon do xuất hiện ổ rệp. Có nhiều người cho biết, họ thậm chí còn không dám đặt lưng lên đệm mà chỉ có thể trải nylon hoặc một tấm thảm mỏng dưới đất để ngủ.
Núi nệm chất đống tại Paris do rệp giường
Bên cạnh đó, có không ít người đã kể lại trải nghiệm khi bị rệp giường cắn của mình. Họ cho biết ngay khi thức dậy, trên cơ thể họ xuất hiện hàng loạt các vết cắn nối tiếp nhau, tạo cảm giác ngứa ngáy và vô cùng khó chịu.
Bà Leila Bername (74 tuổi), một người dân sinh sống tại Pháp, cho biết bà chưa bao giờ lo lắng về những con rệp giường như bây giờ.
"Tôi sợ đến rạp chiếu phim. Tôi chỉ mong rằng việc này (sự lây lan rệp giường - PV) sẽ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của nước Pháp" - Bà Bername khi đang đứng tại Đại lộ Champs-Élysées, nơi bà thường đi qua khi đưa cô cháu gái tuổi teen của mình đi xem phim vào mỗi thứ 4.
Trước tình cảnh này, các cơ quan kiểm soát dịch hại của Pháp cho biết loài côn trùng này hiện đang trở nên "khó tiêu diệt" hơn sau khi chúng bắt đầu phát triển khả năng kháng lại thuốc xịt côn trùng.
Kỹ thuật viên diệt khuẩn từ công ty Hygiene Premium, kiểm tra một căn hộ để xử lý rệp ở L'Hay-les-Roses, gần Paris, Pháp
Ám ảnh tâm lý tột độ
Với tính chất "hút máu" của mình, mặc dù rệp giường không truyền bệnh nhưng những vết cắn của chúng cực kỳ khó chịu và có thể dẫn đến việc ám ảnh tâm lý cực độ.
Jody Gangloff-Kaufmann, nhà côn trùng học của Đại học Cornell và điều phối viên chương trình cộng đồng Quản lý dịch hại tổng hợp của bang New York cho biết: "Rệp không có ở khắp mọi nơi, nhưng chúng có thể ở bất cứ đâu" .
"Nếu có những sinh vật hút máu đang lang thang trên giường của bạn và bạn không thể nhìn thấy chúng nhưng bạn vẫn cảm thấy ngứa ngáy, điều đó có thể khiến bạn choáng ngợp và dẫn đến mất ngủ nhiều đêm, lo lắng và bất an." - ông phân tích.
Việc khó phát hiện ra những con rệp giường được cho là sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý con người
Vì nỗi lo này, tại nhiều địa điểm công cộng như xe bus, tàu điện,..nhiều người sử dụng các phương tiện này thường xuyên phải kiểm tra kỹ càng ghế gối hay thậm chí là chấp nhận đứng suốt chuyến hành trình thay vì ngồi xuống ghế để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Aarya Bondge, người chụp lại khung cảnh đệm chồng chất ngoài đường tại Paris, cho biết thành phố này vẫn chưa thể trở lại bình thường. Cô nói: "Tuyến số 6 của tàu điện ngầm vẫn là nỗi ám ảnh, mọi người đứng hết cả lên và không dám ngồi. Tôi cũng thà đứng cả tiếng đồng hồ còn hơn chạm vào ghế".
Những video cho thấy nhiều người không dám ngồi xuống những chiếc ghế ở nơi công cộng
Các chuyên gia cho biết, việc dự đoán một cuộc tấn công của rệp có thể gây căng thẳng tương tự như việc thực sự trải qua một cuộc tấn công, đặc biệt nếu bạn mắc chứng sợ côn trùng (entomophobia).
Một loạt trường hợp được công bố vào năm 2012 trên tạp chí Psychosomatics cho thấy ngay cả khi xác nhận rằng nơi ở của mình không còn rệp hay côn trùng, một số người vẫn tiếp tục đến gặp bác sĩ da liễu để xác định vị trí vết côn trùng cắn, vứt bỏ đồ đạc, liên tục lau nhà bằng thuốc tẩy hay luôn có cảm giác như bị cắn vào ban đêm.... Các chuyên gia cho rằng việc ám ảnh tâm lý này dần dần sẽ dẫn đến rối loạn căng thẳng sau chấn thương với các triệu chứng chẳng hạn như ác mộng, mất ngủ, lo lắng, hoang tưởng, tăng cảnh giác và hành vi né tránh.
Nguồn: NY Times, USA Today,...