Là điều hành của một nhóm chuyên tổ chức các sự kiện, bia rượu đã trở thành một thứ tiếp xúc với Trần Quang Anh (28 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hàng ngày và hàng tuần.
Từng sử dụng bia rượu nhiều như vậy thế nhưng sinh nhật tuổi 28 vừa qua của Quang Anh lại là lần đầu tiên từ khi đủ tuổi trưởng thành, chàng trai trẻ không thức dậy sau đêm sinh nhật với những cảm giác nôn nao, mệt mỏi vì say mèm như những cuộc vui anh thường tham gia.
Trước đây, cứ mỗi khi đi làm hay tụ họp bên ngoài, Quang Anh thường trở về nhà trong trạng thái say xỉn. Gia đình, bạn bè đã cố gắng nói chuyện về việc Quang Anh về việc uống quá nhiều, song anh thường lảng đi hoặc phản đối. Tình trạng đó càng tăng lên sau khi Quang Anh chia tay với mối tình 8 năm của mình.
“Có những thời điểm, mình chỉ biết uống và uống rồi say xỉn mặc kệ sau đó mình sẽ như thế nào. Mình cảm thấy chỉ cần được uống là sẽ ổn hơn, không cần biết là đang uống loại gì, vì lý do gì, nhân dịp gì hay uống với ai”, Quang Anh nhớ lại.
Vậy nhưng sau lần chứng kiến tai nạn của một gia đình khi người cha cầm lái say xỉn và được người bạn thân là bác sĩ cho xem hình ảnh về những bệnh nhân nghiện rượu của của mình, Quang Anh dường như nhận ra nếu không thay đổi thì anh sẽ đánh mất tương lai.
Thật may mắn cho chàng trai trẻ, giãn cách xã hội khiến một số người thường xuyên phải tiếp xúc với chất kích thích như Quang Anh có cơ hội để phục hồi. Sau vài tháng tham gia tích cực vào các hội nhóm cai nghiện rượu cùng một chế độ sinh hoạt lành mạnh, Quang Anh đã cai rượu và sức khỏe cũng tốt hơn rất nhiều.
“Cai rượu đã không khó như mình nghĩ. Thời gian giãn cách xã hội, mình nhận ra rằng nếu không nghiêm khắc với bản thân, mình sẽ bỏ lỡ cơ hội và bỏ lỡ những người thật sự quan tâm mình. Bia rượu có thể giúp mình vui vẻ tức thời nhưng sẽ là mối nguy hại cho cuộc đời của mình sau này”, Quang Anh chia sẻ.
“Nghiện” đọc sách, yêu nấu nướng
Từng là kế toán cho một công ty du lịch lớn, Đặng Khánh Vân (27 tuổi) thường xuyên bận rộn với công việc và không có thời gian chăm sóc cho bản thân. Dù vậy, sau khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 tác động, từ một cô gái ghét việc nhìn vào các trang giấy hay bếp núc, Khánh Vân đã sở hữu cho mình cả trăm cuốn sách mới và chi bội tiền cho các dụng cụ làm bếp.
Trước đây, do công việc bận bịu và sống chung cùng bố mẹ, số lần Khánh Vân vào bếp có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, những món ăn cơ bản cô gái trẻ cũng không biết chế biến. Tháng 6 vừa rồi, Khánh Vân quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó với mình hơn 5 năm qua để theo đuổi một cuộc sống thú vị hơn.
Đọc sách và vào bếp trở thành niềm yêu thích của Khánh Vân sau khi dịch bệnh đi qua
Quyết định nghỉ việc và chuyển ra ngoài sống một mình, Khánh Vân thử sức với những điều mới mẻ. Cô gái trẻ tìm đến sách sau khi được một người bạn thân tặng cho 2 cuốn trong ngày sinh nhật. Cuộc sống một mình khiến vào bếp trở thành công việc thiết yếu của Vân mỗi ngày, đặc biệt là khi giãn cách xã hội xảy ra.
“Mình chưa từng nghĩ đọc sách và nấu ăn lại thú vị như vậy. Những cuốn sách thực sự đã giúp mình vượt qua khoảng thời gian mệt mỏi và ảm đạm, còn nấu ăn giúp mình yêu đời hơn. Nhìn những món ăn mà mình nấu, trang trí, bày biện chụp hình được mọi người khen ngợi và có thể tự tay chuẩn bị đồ ăn cho bố mẹ, mình cảm thấy thật hạnh phúc”, Khánh Vân chia sẻ.
Biết cách san sẻ yêu thương, sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng
Sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người từ khi còn bé, thế nhưng từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Nguyễn Hà Trang (24 tuổi, nhân viên ngân hàng) bỗng trở nên tích cực, sôi nổi tham gia các công tác xã hội và hoạt động cộng đồng.
Đợt giãn cách xã hội vừa rồi, cô gái trẻ tình nguyện tham gia trực tại chốt vùng xanh nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, Hà Trang cũng tích cực tham gia các hoạt động kêu gọi hỗ trợ người gặp hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, sẵn sàng quyên góp đồ dùng cá nhân, tiền tiết kiệm và hiến máu để chung sức cùng cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Từng sống khép mình, COVID-19 giúp Hà Trang trở nên tích cực và mong muốn được tham gia các hoạt động vì cộng đồng
“Vào thời điểm này, ở bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể tìm thấy những tấm gương trên mặt trận chống đại dịch COVID-19. Những hình ảnh đẹp của các y, bác sĩ, giảng viên, các bạn sinh viên rồi lực lượng công an, quân đội, các nhóm tình nguyện tự phát… tham gia công tác chống dịch cứ hàng ngày thôi thúc mình phải làm điều gì đó vì cộng đồng.
Những điều mình làm tuy đơn giản nhưng nó xuất phát từ trái tim và ước muốn thật sự của bản thân mình. Suốt hai năm liên tục chiến đấu với dịch bệnh, nếu không có tình yêu thương, tinh thần tương thân tương ái thì chúng ta đã không đứng vững như lúc này. Được góp sức cho cuộc chiến của đất nước là niềm tự hào và hãnh diện nhất trong cuộc đời mình”, Hà Trang bày tỏ.
Những thói quen thường được hình thành trong một thời gian dài, để thay đổi hoàn toàn qua một đợt dịch bệnh là điều không hề dễ dàng. Với nhiều người trẻ, chính thời gian này đã làm họ tự ý thức hơn và nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi của cuộc sống.
COVID-19 đang giúp cho cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ trở nên tích cực, lành mạnh và thú vị hơn
Trải qua một thời gian khó khăn, phải ứng phó với nhiều thử thách, giới trẻ đang có một thái độ sống tích cực hơn, biết quan tâm đến người khác, biết tự chăm sóc bản thân và phòng tránh các rủi ro…
Không ai mong muốn có dịch bệnh để làm thay đổi các thói quen chưa tốt nhưng sự thích nghi và hình thành nên nếp sống mới tốt hơn đang là những điều tích cực mà COVID-19 mang lại cho thế hệ trẻ.