Lễ đính hôn online giữa mùa dịch COVID-19 của chú rể Tiền Giang và cô dâu Sài thành
Trải qua 7 năm quen biết và hẹn hò, chú rể Nguyễn Minh Khang (quê ở xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cùng cô dâu xinh xắn Đỗ Liên Hương (ở quận 2, TP. Hồ Chí Minh) quyết định tổ chức lễ đính hôn online qua Zoom vào sáng ngày 30/7.
Tuy phải tổ chức lễ ăn hỏi online nhưng Khang và Hương đều cảm thấy vui và hạnh phúc bởi các nghi lễ được thực hiện thành công ngoài mong đợi. "Lần đầu tiên trong đời được video call với đông đảo họ hàng như thế nên em cảm giác hồi hộp khó tả lắm", chú rể Khang chia sẻ.
Ấm áp lễ cưới của nữ điều dưỡng trong bệnh viện dã chiến tại TPHCM, chú rể ở Hà Nội
Đỗ Thị Ngọc Diệp (24 tuổi, quê Nam Định) là nữ điều dưỡng đã cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vào chi viện TPHCM chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.
Trước đó, gia đình hai bên đã xem được ngày lành tháng tốt cho đôi bạn trẻ Ngọc Diệp và Quang Huy (ở Hà Nội) nên duyên vợ chồng. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp nên đám cưới chỉ diễn ra qua sóng trực tuyến kết nối hai họ cùng cô dâu,chú rể ngay trong một căn phòng thuộc bệnh viện điều trị COVID, nơi cô dâu đang tham gia chống dịch.
Dù diễn ra trong một điều kiện đặc biệt, các đồng nghiệp của cô đều cố gắng góp sức để mang lại một lễ cưới trang trọng, sum vầy nhất có thể cho đôi bạn trẻ.
Lễ cưới giản dị diễn ra ở 3 điểm cầu là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 16 ở TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai và gia đình chú rể ở Hà Nội.
Đôi trẻ ở Thủ đô làm đám cưới online trong mùa dịch
Nguyễn Thị Bích Phương (23 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) hiện làm giáo viên mầm non và Vũ Khắc Hùng (27 tuổi, quê ở Ninh Bình) hiện làm kiến trúc sư, đã chính thức về chung nhà sau đám cưới online ngày 22/9 tại nhà ở Tây Hồ, Hà Nội.
Vì lịch tổ chức đám cưới đã được gia đình hai bên thống nhất từ lâu nên Phương và Hùng cũng không có ý định hoãn mà chuyển sang hình thức online.
Trước khi diễn ra lễ cưới, Bích Phương và em gái Nguyễn Thị Minh Châm được gia đình chú rể đón về từ phòng trọ. Toàn bộ việc trang trí hôn trường và phòng tân hôn do Hùng, Phương thực hiện trong khoảng hai tiếng.
Trước đó, cặp đôi trẻ đã lên kế hoạch sắp xếp phòng zoom trình chiếu lên TV để có thể nhìn rõ mọi người. Ở các điểm cầu Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Khắc Hùng cũng nhờ chuẩn bị tương tự để đảm bảo âm thanh, hình ảnh, tín hiệu tốt.
Trang điểm nhẹ nhàng, mặc chiếc váy trắng cũ, Bích Phương cùng chú rể bước xuống phòng khách - lễ đường tổ chức hôn lễ vào lúc 9h sáng.
Chân dung cặp đôi trẻ tổ chức đám cưới online tại nhà.
Ấn tượng đám cưới chú rể đón cô dâu bằng thuyền thúng giữa mênh mông nước lũ
Sau 9 năm tìm hiểu và hẹn hò, chú rể tên Trung Nhật và cô dâu là Diễm My (đều sinh năm 1998) đã tổ chức lễ cưới vào giữa tháng 11 vừa qua tại xã Mỹ Cát (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Trước đó, đôi bạn đã phải hoãn cưới nhiều lần do dịch COVID-19. Ngày 15/11, hai bên gia đình quyết định tổ chức hôn lễ nhưng hôm đó vô tình nước lũ xuống nhiều nên phải rước dâu bằng thuyền thúng.
Lường trước sự việc nên chú rể đã chuẩn bị hai chiếc thúng để rước dâu. Dù ướt át, khó khăn nhưng cả hai đều cảm thấy rất vui vẻ và hạnh phúc vì đây là một kỷ niệm đẹp trong ngày trọng đại nhất.
Hình ảnh rước dâu bằng thuyền thúng của cặp đôi trẻ đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội với nhiều lời chúc phúc và động viên.
Cô dâu tươi cười trong ngày trọng đại.
Đám cưới ngày mưa lũ, chú rể đón dâu bằng thuyền thúng
Ngày 24/10, đám cưới của chú rể Minh Ngọc và cô dâu Khánh Vy diễn ra tại thành phố Quảng Ngãi. Trước đó 2 ngày, trời mưa lớn, nhiều nơi trên địa bàn thành phố bị ngập úng, trong đó có khu vực nhà chú rể.
Khi đi đón dâu, một đoạn đường bị ngập nước do mưa lớn nên chú rể Minh Ngọc để cô dâu ngồi vào chiếc thuyền thúng, tự tay đẩy cho cô khỏi ướt.
Ngay chiều 24/10, loạt ảnh ghi lại cảnh chú rể Minh Ngọc bì bõm lội nước, không quản ướt đồ để đẩy thuyền giúp cô dâu lan truyền trên mạng xã hội.
"Về tới nhà cũng là lúc bộ vest của mình gần như ướt cả nhưng mình và mọi người đều vui vẻ, xem đây là kỷ niệm đáng nhớ trong ngày trọng đại. Ngoài sự cố đường ngập nước, may mắn là hôn lễ đã diễn ra suôn sẻ. Đợi tình hình dịch hoàn toàn được kiểm soát, hai bên gia đình sẽ bàn bạc chuyện làm tiệc đãi khách đầy đủ sau", chú rể nói.
Đám cưới online
Nữ điều dưỡng Lê Thị Thủy Trang, khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và anh Hoàng Nguyên quen nhau được hơn 1 năm thì tiến tới hôn nhân. Ban đầu, hai gia đình bàn tính làm tiệc cưới đãi khách nhưng dịch đến nên họ đành tổ chức đám cưới online. Cô dâu và chú rể có chút buồn nhưng cũng nhanh chóng vui vẻ trở lại và tiến hành tổ chức lễ cưới có sự góp mặt trực tiếp của em chồng.
“Khi làm đám cưới online, chúng cũng hơi buồn một chút. Gia đình họ hàng ai cũng buồn. Nhưng dịch bệnh đang diễn ra, mình lại làm trong ngành y nên hiểu rõ áp lực trong việc phòng chống dịch COVID-19. Vì vậy, việc tuân thủ quy định của Nhà nước, ngành y tế và lãnh đạo bệnh viện là điều thiết yếu ngay lúc này,” Thủy Trang tâm sự.
Cô dâu chú rể ở TPHCM chỉ nhận quà cưới là sách
Chú rể Nguyễn Tú Anh (quê Yên Bái) và người bạn đời Tuyết Mai (quê An Giang) vừa tổ chức một lễ cưới đặc biệt được diễn ra tại Đường sách TPHCM vào ngày 21/11. Không lễ nghi, không bàn tiệc mâm cỗ, lễ cưới đôi bạn chỉ xoay quanh những cuốn sách là quà cưới mà bạn bè mang đến tặng.
Được biết, chú rể Nguyễn Tú Anh (cựu sinh viên Đại học Kinh tế TPHCM) đã sáng lập và là trưởng nhóm “Chủ nhật yêu thương” gắn với hành trình thiện nguyện “gieo sách” kèm thiết bị giáo dục cho các em nhỏ vùng cao vùng xa khắp cả nước. Với niềm đam mê với sách, anh đã bàn với người yêu về một lễ cưới giản dị, ấm cúng.
Tú Anh cho biết, lâu nay vợ chồng anh không bị hoãn hay ảnh hưởng kế hoạch cưới hỏi, vào tháng 11, dịch bệnh lắng xuống, hai vợ chồng mới tính cưới. “Lúc này mình nảy ra ý tưởng nhận sách làm quà cưới và cô ấy ủng hộ luôn”, chàng trai 8x miền Tây Bắc chia sẻ.
Chú rể Phú Yên xuyên đêm dựng giàn giáo vào nhà cô dâu
Suốt hai năm chờ đợi, cuối cùng hôn lễ của chị Nguyễn Lam Huyền (25 tuổi, Phú Yên) và anh Nguyễn Minh Dũ (28 tuổi, Phú Yên) cũng được ấn định vào cuối tháng 11.
Tuy nhiên, trước ngày cưới ít hôm, chủ nhà hàng nơi anh chị đặt tiệc lại là trường hợp F1 thuộc diện cách ly, nên chị Huyền đành phải hủy tiệc và tổ chức lễ cưới tại nhà. Cũng vì lẽ đó mà đám cưới của chị đã phải diễn ra giữa bốn bề mênh mông nước.
Khi mọi thứ tươm tất, chỉ chờ đến ngày lành giờ tốt là sẽ tiến hành hôn lễ thì miền Trung bất ngờ xảy ra mưa lũ. Thay vì bày bàn tiệc ngoài trời để đãi khách như dự định, gia đình chị Huyền phải đưa toàn bộ bàn ghế vào bên trong để "chạy lũ".
"Nước lũ về đột ngột, nhưng may mắn là ngày vui của hai vợ chồng diễn ra trọn vẹn. Chồng mình vốn làm thợ công trình nên chiếc cầu tạm được dựng lên rất nhanh. Khách đến ăn cưới ai cũng bất ngờ, bởi từ trước tới nay mọi người lội nước đi ăn cưới rất nhiều.
Ai cũng tỏ ra thích thú và hết lời khen sự nhanh trí của chồng mình", chị Huyền nói.