Thời gian qua, vợ chồng chị Hoàng Việt Anh (34 tuổi) đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng bởi sự liều lĩnh, táo bạo khi lựa chọn rời bỏ cuộc sống tập nập tại TP.HCM, chuyển lên Đà Lạt cải tạo hàng nghìn m2 đất đồi trọc thành khu vườn với gần trăm loài hoa, rau, củ xanh bạt ngàn.
Hiện gia đình kinh doanh, kết hợp làm du lịch trang trại, quán cà phê, vườn hồng. Trong đó vườn hồng diện tích 2.000 m2, với hơn 50 gốc. Mới đây, chị Việt Anh đã chia sẻ hình ảnh dàn hồng treo gió được chị kỳ công thực hiện khiến hội chị em "Yêu bếp" nhìn ngắm mãi không thôi.
Chị Việt Anh cho biết hồng Đà Lạt nhà trồng là giống hồng trứng, quả khi chín mọng thì ngọt lịm, còn treo gió lại dẻo quẹo tươm mật rất thơm ngon, đậm đà.
Những trái hồng được lấy từ chính khu vườn tại Đà Lạt của gia đình chị.
Năm nay, chị đợi ngày nắng ráo mới treo 3-4 ngày cho khô hồng, sau đó đem chúng vào khu hiên có mái hong gió tiếp 10-12 ngày để hồng vẫn giữ được độ mọng nước. Thành phẩm có thể bảo quản tại ngăn đá, thưởng thức dần trong 3-4 tháng.
Dàn hồng treo gió tạo nên khung cảnh thơ mộng, càng ngắm càng yêu.
Dàn hồng treo gió thơm nức cả căn phòng, đung đưa từng nhịp theo tiếng thông reo tạo khung cảnh cực kỳ thơ mộng và ấm áp.
Chị Việt Anh tâm sự rằng mình thích mê cảm giác ngồi bên giàn hồng treo gió và nghiền ngẫm những cuốn sách hay.
Hướng dẫn chi tiết được chị Việt Anh chia sẻ:
Bước 1: Gọt hồng, gọt bằng dao bào để ko phạm vào thịt hồng quá nhiều (lựa quả còn cuống để cột dây treo).
Bước 2: Ngâm hồng đã gọt vỏ qua nước muối pha loãng trong 15 phút để quả không thâm đen.
Bước 3: Nhúng sơ quả hồng qua rượu trắng, để khử trùng và chống ẩm mốc.
Bước 4: Cột hồng treo lên và chọn ngày nắng ráo (không quá gắt) để treo.
Bước 5: Tầm 4-5 ngày quả khô hẳn thì xoa nắn (đeo bao tay) nhẹ nhàng để tươm phấn trắng và làm quả hồng dẻo hơn, tiếp tục treo gió đến khi quả dẻo như ý muốn thì thu hoạch, cho vào ngăn đá trữ ăn dần.