Những năm qua, giá vàng liên tục lập đỉnh khiến nhiều người bất ngờ. Xung quanh câu chuyện vay – cho vay vàng nảy sinh nhiều tình huống oái oăm mà đôi khi người trong cuộc cũng khó phân định đúng sai.
Giống như câu chuyện được dân mạng chia sẻ rộng rãi những ngày gần đây. Một người phụ nữ lên mạng hỏi, liệu vợ chồng cô có phải là kẻ “ăn cháo đá bát” khi 10 năm trước vay vàng, 10 năm sau muốn trả bằng tiền theo giá vàng của thời điểm vay.
Bài đăng cụ thể như sau: “Năm 2010, mình vay của anh chị chồng 10 cây vàng (giá vàng khi đó là 36 triệu đồng/lượng). Khi vay, anh chị có nói tính tiền ra là 360 triệu và bảo vợ chồng mình mỗi tháng trả lãi cho anh chị 2 triệu đồng, còn gốc khi nào có thì trả. Vợ chồng mình trả lãi đầy đủ hằng tháng.
Đầu tháng 4 này, vợ chồng mình bán được miếng đất nên gom tiền trả anh chị chồng, thì anh chị lại đòi phải trả 10 cây vàng. Giờ vợ chồng mình muốn trả tiền, còn anh chị đòi vàng. Mong cả nhà tư vấn giúp mình để anh chị đồng ý nhận tiền chứ giờ đòi vàng giá cao quá, mình trả không nổi. Bữa giờ, hai nhà cãi nhau rất căng, anh chị luôn miệng nói vợ chồng mình “ăn cháo đá bát”, không biết điều”.
Bài viết thu hút hàng nghìn lượt thích và hơn 2000 lượt bình luận quan tâm, trong đó có nhiều ý kiến trái chiều.
Một số người cho rằng, dù là vay 10 cây vàng nhưng do thời điểm vay, người chị chồng đã quy vàng ra tiền để tính lãi nên hiện tại, “chủ top” chỉ cần trả tiền chứ không cần trả vàng.
Tuy vậy rất nhiều người cho rằng, “vay gì trả nấy” là chuyện đương nhiên và trường hợp này cũng không ngoại lệ. 10 năm trước, người phụ nữ vay vàng thì 10 năm sau cũng phải trả vàng, bất kể giá vàng tăng cao đến thế nào.
“Cầm 10 cây vàng chắc nịch của người ta thì giờ phải trả 10 cây vàng là đúng rồi. Vàng lên đến 80 triệu đồng/lượng họ chỉ nhận lại 10 cây vàng mà vàng xuống giá 10 triệu đồng/lượng, họ cũng chỉ lấy đúng 10 cây vàng đã cho bạn vay mà thôi”, Nguyễn Thu chia sẻ.
Về chi tiết người chị chồng quy 10 cây vàng ra 360 triệu đồng tại thời điểm vay, đa phần đều cho rằng, đó chỉ là một cách để họ tính lãi chứ không phải quy vàng ra tiền để sau này nhận lại bằng tiền.
Vân Anh chia sẻ: “Giá vàng lên thì bạn phải chịu thiệt. Nguyên tắc trước giờ luôn là vay gì trả nấy, cái đoạn quy 10 cây vàng ra 360 triệu đồng chỉ là để dễ tính lãi thôi. Bạn thử nghĩ xem, nếu phải ra ngân hàng vay 360 triệu đồng thì bạn cần bao nhiêu tài sản thế chấp. Vợ chồng bạn nên trả lại 10 cây vàng với thái độ biết ơn đi”.
Lê Loan cũng có cùng quan điểm. Dù là chị em trong nhà nhưng cho vay 10 cây vàng trong 14 năm thì cần có phương án để tính lãi. Và việc tính lãi 2 triệu đồng/tháng cho 10 cây vàng trong quãng thời gian dài như vậy đã rất có lợi cho người vay. Bởi vậy, chủ nhân bài viết không nên gây sự vô cớ mà phải tự nguyện đem trả 10 cây vàng.
“Không muốn chịu thiệt thì lẽ ra trong 14 năm qua nên gom nhặt mà trả dần đi. Để đến lúc giá vàng tăng gấp đôi mới tính chuyện đem trả rồi lại lo thiệt hơn. Bạn thử nghĩ xem, nếu giá vàng xuống 20 triệu đồng/lượng thì sao?”, Lê Loan nêu quan điểm.
Một số người chia sẻ, dù là anh em ruột trong nhà thì những chuyện liên quan đến tiền bạc cũng nên thỏa thuận rõ ràng, tránh trường hợp như câu chuyện trên, chỉ vì mập mờ lúc vay và cho vay dẫn đến tình huống phức tạp như hiện tại.