Theo South China Morning Post, trong video, được quay vào ngày 10/5 trên con phố đông đúc, một số người từ cơ quan hành chính và thực thi pháp luật thành phố Thượng Hải đang yêu cầu một người bán hàng rong trong trang phục ếch bỏ trang phục này ra.
Một người trong số này hỏi người bán rong: "Anh mặc quần áo này mỗi ngày cảm thấy thế nào?".
Hai ngày sau vụ việc, Giám đốc Cục Quản lý Đô thị và Thực thi Pháp luật Thượng Hải, Xu Zhihu, trả lời trên truyền hình rằng việc bán hàng ở nơi công cộng mà không có giấy phép là phạm pháp, ngoại trừ ở những khu vực được chỉ định. Ông Xu nói thêm rằng "con ếch" này đã "làm phiền người qua đường và ảnh hưởng đến môi trường đô thị". Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi các quan chức “linh hoạt” khi thực thi các quy định.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, một số người cho rằng phản ứng của ông Xu không thuyết phục. Một người nói: “Tôi không nghĩ lũ (bóng bay) ếch làm phiền đến ai. Tôi thấy vui mỗi khi tôi nhìn thấy họ”.
Công chúng Trung Quốc tranh cãi sau video quay cảnh một người bán rong trong trang phục ếch bán bóng bay bị giới chức thành phố Thượng Hải đuổi đi.
Cơn sốt mặc trang phục ếch bán bóng bay ếch con càn quét Trung Quốc vào năm ngoái, thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng và cư dân mạng. Trên nền tảng thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc, một trang phục ếch có giá chỉ hơn 200 nhân dân tệ (28 USD). Trong khi đó mỗi bóng bay "ếch con" có giá khoảng 4 nhân dân tệ và giá bán lẻ từ 15 đến 30 nhân dân tệ.
Video về những chú ếch đáng yêu đang nhảy múa, “nằm bẹp” trên đất hay “đẻ con” (bóng được bơm hơi lên) liên tục lan truyền trên mạng Trung quốc. Một số cảnh quay về “những chú ếch” được các quan chức thành phố khác giáo dục một cách “linh hoạt” cũng khiến người xem bật cười.
Như hồi tháng 3, một "con ếch" ở tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc bị các quan chức yêu cầu “úp mặt vào tường và suy ngẫm về những gì nó đã làm sai” . Hồi tháng 1, một "con ếch" khác phải đối mặt với các quan chức khu vực phía nam Quảng Tây, từ chối rời đi sau khi bị đe dọa tịch thu "ếch con". Sau đó, một quan chức đã xoa dịu tình hình khi nói một cách kiên nhẫn: “Chúng tôi không thể nhắm mắt làm ngơ chỉ vì bạn đáng yêu”.
Tạp chí New Weekly cho rằng hiện tượng con ếch là biểu tượng cho văn hóa "sang" - ám chỉ sự thiếu động lực của một bộ phận giới trẻ Trung Quốc.
Trước sự việc Thượng Hải, nhiều cư dân mạng cho biết họ luôn vui vẻ khi nhìn thấy những con ếch trên đường, cho đến khi người mặc trang phục ếch này cởi bỏ trang phục để lộ một nam thanh niên chán nản bên trong. Nhưng khi ngày càng có nhiều hình ảnh về những chú ếch đáng yêu xuất hiện trên mạng xã hội, không chỉ giới trẻ mà cả những người lớn tuổi cũng dường như đồng cảm hơn với "văn hóa nuôi ếch" này, cho rằng mọi người chỉ đang cố gắng kiếm sống. Một số cư dân mạng bình luận: "Đột nhiên tôi không cười nổi nữa", "tại sao muốn kiếm sống đồng thời giữ phẩm hạnh lại khó như vậy"?
Nguồn: SCMP