Dân số 125 triệu người nhưng có lượng kỷ lục doanh nghiệp phá sản vì thiếu động, nền kinh tế hàng đầu châu Á đối mặt viễn cảnh buồn

Tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đang đối mặt với một bài toán nan giải tồn tại trong hàng trăm doanh nghiệp của đất nước.

Theo khảo sát của Reuters, 2/3 các công ty Nhật Bản đang chịu tác động nghiêm trọng bởi tình trạng thiếu hụt lao động. Dân số nước này không ngừng giảm và già đi nhanh chóng. Đây là một vấn đề mà chuyên gia đánh giá là không thể đảo ngược, không chỉ với Nhật Bản mà còn với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Dân số 125 triệu người nhưng có lượng kỷ lục doanh nghiệp phá sản vì thiếu động, nền kinh tế hàng đầu châu Á đối mặt viễn cảnh buồn- Ảnh 1.

Chính phủ Nhật Bản cho biết tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong các công ty không thuộc lĩnh vực sản xuất và các công ty nhỏ đang đạt mức kỷ lục. Điều này làm dấy lên lo ngại về những hậu quả làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Cuộc khảo sát do Nikkei Research thực hiện cho Reuters từ ngày 24/12 đến ngày 10/1. Nikkei Research đã liên hệ với 505 công ty và 235 công ty đã trả lời với điều kiện giấu tên.

Khoảng 66% công ty cho biết tình trạng thiếu hụt lao động đang ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc khá nghiêm trọng đến doanh nghiệp của họ. Trong khi 32% cho biết tác động không quá lớn.

Một người quản lý tại công ty đường sắt đã viết trong cuộc khảo sát: “Không cần nói thì ai cũng biết điều này sẽ làm tăng chi phí nhân sự, thậm chí có thể gây ra rủi ro liên tục đối với việc kinh doanh”.

Theo công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank, số vụ phá sản do thiếu hụt lao động vào năm 2024 đã tăng 32% so với 5 năm trước đó, lên mức kỷ lục 342 vụ.

Gần 1/3 công ty trả lời khảo sát của Reuters cho biết tình trạng thiếu hụt lao động đang trở nên tồi tệ hơn. Chỉ 4% công ty cho biết tình hình có cải thiện và 56% cho biết tình hình không khá hơn cũng không xấu đi.

Dân số 125 triệu người nhưng có lượng kỷ lục doanh nghiệp phá sản vì thiếu động, nền kinh tế hàng đầu châu Á đối mặt viễn cảnh buồn- Ảnh 2.

Nhân viên của Izumiya Tokyoten làm việc trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Kawasaki, phía nam Tokyo, Nhật Bản.

Khi được hỏi về các biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, với câu trả lời được chọn nhiều phương án, 69% cho biết họ đang tăng cường hoạt động tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp và 59% đang thực hiện các biện pháp như kéo dài tuổi nghỉ hưu và tuyển dụng lại nhân viên đã nghỉ hưu.

Một cuộc thăm dò của Bộ Y tế vào năm 2024 cho thấy, trong số khoảng 2/3 các công ty tại Nhật Bản, tuổi nghỉ hưu được ấn định là 60 tuổi. Nhưng hầu hết các công ty đã đưa ra biện pháp cho phép nhân viên tiếp tục làm việc cho đến khi 65 tuổi.

Trả lời câu hỏi khảo sát của Reuters về các ưu tiên đầu tư cho năm 2025, 69% công ty chọn đầu tư vốn và 63% chọn tăng lương cũng như các khoản đầu tư khác liên quan đến nguồn nhân lực. Câu hỏi này cũng cho phép chọn nhiều đáp án.

"Điều cần thiết là tăng lương để giữ chân nhân viên và đầu tư vốn để hợp lý hóa sản xuất", một viên chức tại công ty hóa chất cho biết.

Xu hướng ưu tiên đầu tư này của các công ty Nhật Bản phù hợp với chính sách của chính phủ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tăng lương và đầu tư.

Theo khảo sát, do tình trạng thiếu hụt lao động đẩy lương lên cao và đồng yên yếu làm tăng chi phí nhập khẩu, 44% công ty Nhật Bản có kế hoạch tăng giá hàng hóa và dịch vụ của họ trong năm nay. Trong khi đó, 17% công ty có ý định giữ nguyên giá và 26% có kế hoạch tăng giá mặt hàng này và giảm giá mặt hàng khác.

Một giám đốc tại công ty kim loại cho biết: "Chúng tôi không thể không tăng giá vì tiền lương và các chi phí cố định khác như chi phí vận chuyển và chi phí nguyên liệu thô đều tăng”.

Chỉ số giá tiêu dùng lõi (loại trừ giá thực phẩm tươi sống) của Tokyo đã tăng 2,4% vào tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với 2,2% của tháng 11. Thị trường hiện dự đoán Ngân hàng Nhật Bản sẽ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Theo Reuters