Trà sữa từ lâu đã trở thành một hiện tượng văn hóa ẩm thực, tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu. Thậm chí, hiện nay, trà sữa đang trở thành một phần trong cuộc sống của giới trẻ.
Ít người biết rằng, trà sữa cũng là một thức uống được "hâm mộ" trong hoàng cung thời nhà Thanh. Đặc biệt, hoàng đế Càn Long là một "fan cuồng" của trà sữa. Vì rất thích trà sữa, ngài còn đặc biệt mời 11 bậc thầy trà đạo người Mông Cổ vào cung để pha chế cho mình.
Hoàng đế Càn Long là một "fan cuồng" của trà sữa. (Ảnh: Sohu)
Bát uống trà sữa đặc biệt của Càn Long
Chưa hết, Càn Long còn yêu cầu hạ nhân chuẩn bị riêng cho mình một bát đựng chuyên để dùng uống trà sữa. Tuy nhiên, vì Càn Long là hoàng đế nên bát uống trà sữa của ông cũng có nhiều điểm khác biệt với cốc đựng bây giờ. Đó là một chiếc bát được làm từ ngọc vô cùng quý giá.
Càn Long còn yêu cầu hạ nhân chuẩn bị riêng cho mình một bát đựng chuyên để dùng uống trà sữa. (Ảnh: Sohu)
Chiếc bát này được hoàng đế Càn Long rất yêu thích, ông thường sử dụng nó trong các buổi lễ lớn. Hiện nay bát uống trà sữa này đang được trưng bày ở Bảo tàng Cố Cung. Đặc biệt, bát uống trà sữa của vị hoàng đế này khiến các chuyên gia trầm trồ không ngừng. Vì sao vậy?
Các nhà khảo cổ đã tiến hành kiểm tra toàn diện chiếc bát uống trà sữa của Càn Long. Nó được làm từ ngọc Hòa Điền tự nhiên màu trắng, cao khoảng 4,8 cm; đường kính miệng bát khoảng 14,1 cm. Bát ngọc này được làm vào năm Càn Long thứ 51 (năm 1786).
Bát uống trà sữa của Càn Long được làm từ ngọc Hòa Điền tự nhiên màu trắng. (Ảnh: Sohu)
Thành bát ngọc khá mỏng, mặt cắt tròn, thon dần từ miệng đến bụng bát, hai bên thành bát có thêm 2 quai cầm hình quả đào và lá. Thành ngoài bát được trang trí bằng những bông hoa khảm từ 108 viên hồng ngọc và lá dát vàng.
Thành ngoài bát được trang trí bằng những bông hoa khảm từ 108 viên hồng ngọc và lá dát vàng. (Ảnh: Sohu)
Bên dưới đáy phía bên trong bát là dòng chữ Càn Long ngự dụng. Ngoài ra, thành bát bên trong có khắc bài thơ uống trà sữa của vị hoàng đế này. Đại ý của bài thơ là Càn Long miêu tả lại việc mình uống trà sữa trong điện tại một buổi yến tiệc.
Bên dưới đáy phía bên trong bát là dòng chữ Càn Long ngự dụng. (Ảnh: Sohu)
Theo các chuyên gia, chiếc bát ngọc này đã đạt tới trình độ chạm khắc bạch ngọc Hòa Điền cao nhất cả về chất liệu tới tay nghề. Bát ngọc này được chế tạo theo phong cách Ngân Đô Tư Thản. Phong cách này mang nhiều nét Tây và Trung Á. Đây cũng là những khu vực thường tìm thấy loại ngọc có chát lượng tốt. Những sản phẩm từ ngọc được làm theo phong cách này thường khá mỏng, có cảm giác chúng trong suốt như pha lê, hoa văn chạm khắc khác biệt, tổng thể nhìn rất tinh tế, đẹp mắt. Chiếc bát ngọc này thể hiện nét tính cách phóng khoáng, đặc trưng của vùng Tây Á nên nó được Càn Long yêu thích.
Một số hình ảnh cận cảnh của bát ngọc chuyên dùng để uống trà sữa của Càn Long. (Ảnh: Sohu)
Niềm đam mê trà sữa của Càn Long
Nhà truyền giáo người Pháp Tưởng Hữu Nhân từng chứng kiến Càn Long uống trà sữa. Ông đã đề cập trong một bức thư gửi bạn mình rằng: "Trà sữa của hoàng đế Càn Long có hương vị rất tuyệt vời. Nó rất bổ dưỡng và thực sự không khiến dạ dày khó tiêu hay khó chịu."
Trên thực tế, loại trà sữa mà Càn Long uống vốn bắt nguồn từ thói quen uống trà kết hợp với sữa du nhập từ các bộ lạc phương Bắc thời xa xưa. Nguyên nhân là do phương Bắc của Trung Quốc rất lạnh, các bộ lạc du mục này chủ yếu sống bằng săn bắn hay chăn thả gia súc nên cần uống trà nóng để giữ ấm, kết hợp với sữa (nguồn tự cấp) để tăng dinh dưỡng. Lối uống trà này cũng tương đồng với người Mông Cổ hay Tây Tạng.
Càn Long và hậu cung uống trà sữa mỗi ngày. (Ảnh: Sohu)
Để phục vụ cho nhu cầu này, sữa được vắt mỗi ngày sẽ mang đến nhà bếp. Ở đây họ lọc sữa, chế biến thành bánh ngọt (chỉ được làm vào mùa xuân - thu) và chừa lại phần nhiều cho việc uống trà.
Ngoài ra, người Mãn Châu thường uống trà, ăn bánh ngọt và hoa quả. Do đó, trong những buổi tiệc, Càn Long thường uống trà sữa cùng với tiệc ngọt nhẹ. Càn Long đặc biệt thích uống trà sữa. Ngài và hậu cung đều uống trà sữa mỗi ngày. Và trong 60 năm trị vì thì có đến 48 năm vua mở tiệc trà linh đình, mỗi năm một lần.
Nguồn: Sina, Zhihu