Đảo Ngọc Phú Quốc lần đầu tiên bị nhấn chìm trong biển nước, nguyên nhân là gì?

Bà Nguyễn Thị Tịnh - chủ nhà thùng Thanh Quốc, dòng họ mấy đời trên đảo - khẳng định chưa từng thấy mưa lụt kiểu vậy ở Phú Quốc. Phó bí thư Huyện ủy Phú Quốc Đinh Khoa Toàn cho biết "mưa tới mức gây ngập lụt cả đảo thì chưa từng thấy"...


Phú Quốc chìm trong nước, người dân di chuyển trên đường Trần Phú, thị trấn Dương Đông bằng thuyền thúng chiều 9-8 - Ảnh: DUY KHÁNH

Sau 7 ngày mưa như trút nước, đảo Phú Quốc (Kiên Giang) đều bị ngập lụt, có nơi bị chia cắt hoàn toàn do nước ngập sâu gần 2m.

Trong các ngày từ 2 đến cuối 9-8, huyện đảo Phú Quốc có mưa với lượng mưa lớn bất thường. Trong cơn mưa, dông gió rít từng hồi. Tại một số đoạn đường gần suối, nước từ trên núi đổ xuống chảy như thác.

Sau khi nước rút, trong vài ngày tới huyện sẽ chỉ đạo các ngành rà soát, đánh giá nguyên nhân chính xác để có hướng khắc phục. Trong đó, sẽ tổng rà soát hệ thống thoát nước, nạo vét sông, suối, rạch để không còn tình trạng rác làm hạn chế dòng chảy. Đồng thời tăng cường kiểm tra trật tự đô thị, công trình lấn chiếm trái phép, kiên quyết xử lý tháo dỡ.

Ông Mai Văn Huỳnh (bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc)

Ngập chưa từng thấy

Ông Đinh Khoa Toàn - phó bí thư Huyện ủy Phú Quốc - cho biết hơn nửa thế kỷ sinh ra và lớn lên trên hòn đảo này, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến đợt mưa lớn gây ngập lịch sử như vậy. 

"Năm 2007 cũng có một đợt mưa lớn, nhưng khi đó có bão gần, còn lần này chỉ ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới mà mưa như trút nước tới mức gây ngập lụt cả đảo thì chưa từng thấy bao giờ" - ông Toàn nói.

Bà Nguyễn Thị Tịnh - chủ nhà thùng Thanh Quốc, nguyên chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cũng là người thuộc gia đình sinh sống mấy thế hệ trên đảo - khẳng định chưa từng thấy mưa lụt kiểu như vậy ở Phú Quốc. 

Theo bà Tịnh, ngày trước cây rừng còn nhiều, mưa trút xuống núi, nước mưa cũng không đổ hết ra suối, rạch mà được giữ lại trên sườn núi. Nay người ta phá rừng chiếm đất để bán nên nước mưa đổ thành nước lũ.

"Ở dưới chân núi người ta lại lấn suối, lấn rạch được tấc đất nào hay tấc đất đó. Rồi rác thải, công trình xây dựng chặn hết dòng chảy làm sao nước đổ ra biển. Nên chuyện mùa mưa năm sau ngập sâu, ngập lâu hơn năm trước là có thể thấy trước. Nhưng không ai làm gì cả, chỉ có nước kêu trời. Chuyện mưa ngập rõ ràng do thiên tai và cả nhân tai gây nên" - bà Tịnh nói.

Ông Mai Văn Huỳnh - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - cho hay địa phương đã liên tục họp khẩn, huy động toàn bộ cán bộ, nhân viên lên tới 1.500 người giúp dân tránh lụt theo phương châm "4 tại chỗ".

Tính đến cuối ngày 9-8, nơi ngập sâu nhất là các ấp: Bến Tràm, Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài thuộc xã Cửa Dương, nước ngập gần 2m. Kế đến là thị trấn Dương Đông, nơi ngập sâu nhất là các khu phố: 4, 6, 9 ngập hơn 1m. Các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Gành Dầu ngập từ 0,2-0,7m tùy nơi.

Theo ước tính của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Quốc, mức thiệt hại sau 7 ngày mưa lụt vừa qua đã lên tới trên 70 tỉ đồng. Chiều 9-8, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang đã phát đi công văn hỏa tốc thông báo đoàn công tác của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này sẽ ra đến đảo Phú Quốc bằng tàu cao tốc vào trưa nay 10-8 để kiểm tra tình hình.


Đồ họa: T.ĐẠT

Ngập nặng do phát triển quá nóng?

Bí thư Huyện ủy Mai Văn Huỳnh cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng trong các ngày qua là do lượng mưa quá lớn liên tục trong nhiều ngày, cơ sở hạ tầng quá tải, mật độ xây dựng dày đặc...

Theo ông Huỳnh, trước đây cả thị trấn Dương Đông chỉ có 10.000 - 12.000 dân cư sinh sống nên quy hoạch hệ thống thoát nước lúc đó đảm bảo cho mật độ xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô đó. Nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, người đông, riêng thị trấn Dương Đông đã lên đến trên 50.000 dân, các dịch vụ tăng, tình trạng san lấp mặt bằng xây dựng nhà cửa dẫn đến các hồ chứa nước không còn nữa. 

Cùng với đó ý thức của con người chưa cao, xây lấn chiếm sông suối làm tắc nghẽn, ngăn dòng chảy. "Đúng là thời gian qua có việc từng lúc, từng nơi quản lý chưa tốt quy hoạch, còn tình trạng lấn sông suối, gây tắc nghẽn dòng chảy. Vấn đề này lãnh đạo huyện cũng đã thấy và đang chỉ đạo xử lý, khắc phục" - ông Huỳnh nói.

Ông Nguyễn Huỳnh Trung - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang - cũng nhìn nhận quá trình phát triển quá nóng trên đảo Phú Quốc góp phần gây ra tình trạng ngập nước ở đảo ngọc. 

"Đường Trần Phú, Cách Mạng Tháng Tám, kể cả một số tuyến đường ven biển như Trần Hưng Đạo cũng ngập cục bộ nhiều đoạn cho thấy hệ thống thoát nước có vấn đề. Vấn đề này phải khảo sát kỹ rồi mới kết luận được, nhưng quá trình quy hoạch dứt khoát phải rà soát" - ông Trung nhấn mạnh.

Về việc xả tràn hồ chứa Dương Đông (đang cấp nước cho toàn đảo Phú Quốc), ông Trung khẳng định việc xả nước được thực hiện đúng quy trình, không có chuyện vỡ đập ở hồ như nhiều người lo ngại. Thực tế những vị trí dưới chân núi khu vực hồ Dương Đông chỉ ngập rất ít so với các nơi khác.


Người dân thị trấn Dương Đông dùng thuyền tự chế di tản người, đồ đạc sáng 9-8 - Ảnh: HOÀNG DUNG

PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ): Ao hồ nhường cho đô thị

Mưa lớn bất thường vừa qua khiến hàng chục kilômet đường dọc vành đai quanh đảo, đặc biệt ở khu vực Dương Đông - Cửa Cạn, bị ngập sâu.

Tại sao ngập? Ngập bởi các ao hồ có tác dụng điều tiết nước thì bị thu hẹp, san lấp; các công trình, nhà cửa mọc lên nhanh chóng; tuyến đường giao thông quanh đảo Phú Quốc mới được nâng cấp như một tuyến đê bao cản đường tiêu nước tự nhiên.

Ngoài ra, hệ thống cống rãnh thoát nước vẫn cũ kỹ, còn ngập rác khá nhiều. Nhìn trên bản đồ Google Map, dễ thấy khu vực có đô thị hóa cao như thị trấn Dương Đông, vùng thoát nước sông Cửa Cạn đã trở thành các khu ngập nghiêm trọng.

Có thể nói cả thiên tai và "nhân tai" đều là tác nhân gây ra những thiệt hại do ngập úng nặng nề mấy ngày qua ở Phú Quốc. Phát triển đô thị là một xu hướng nhưng cần hạn chế tối đa việc làm hạn chế tuyến thoát nước và giảm khả năng thấm nước mặt đất tự nhiên.

Đó là những giải pháp cần phải tính toán ngay từ hôm nay (dù đã muộn) cho những nhà hoạch định, quy hoạch nếu không muốn Phú Quốc sẽ còn bị ngập nghiêm trọng hơn ở tương lai.

TS Nguyễn Chí Thành (nguyên phân viện trưởng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ): Cần xem lại quy hoạch Phú Quốc

Qua theo dõi thông tin báo đài những ngày qua, tôi thấy tình trạng ngập ở đây chủ yếu tập trung tại thị trấn Dương Đông - nơi phát triển đô thị nóng nhất tại Phú Quốc trong thời gian vừa qua. Khi ngập, người ta nghĩ tới các nguyên nhân như tình trạng phá rừng đầu nguồn. Tuy nhiên qua đánh giá, tôi có thể nói cần loại trừ yếu tố này vì rừng đầu nguồn của Dương Đông còn rất tốt.

Vấn đề còn lại là quy hoạch phát triển đô thị ở Dương Đông. Hiện tại khi mưa nước đổ dồn vào các con rạch trước khi chảy ra sông Dương Đông và ra biển. Thế nhưng, chúng ta đánh giá phải chăng có tình trạng lấn chiếm, san lấp sông, rạch tại khu vực này hay không? Ngoài ra, chúng ta cũng phải xem xét yếu tố hệ thống thoát nước hiện hữu đã đáp ứng được yêu cầu thoát nước hay chưa?... Đó là những vấn đề cần có khảo sát kiểm tra, làm rõ.

Nhân câu chuyện ngập ở Phú Quốc và việc chính quyền tỉnh Kiên Giang xin ý kiến Thủ tướng làm lại quy hoạch cho Phú Quốc thì phải tính tới việc tích hợp các quy hoạch sao cho đồng bộ, phù hợp nhất trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

GS.TS Đào Xuân Học (nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT, chủ tịch Hội Thủy lợi VN): Phải có cống nước mới thoát ra biển

Nhiều người nghĩ một nơi như Phú Quốc có điều kiện tự nhiên thoát nước thuận tiện ra biển, nhưng để tiêu thoát nước được còn phụ thuộc vào hai vấn đề:

Thứ nhất, phải có những "bể chứa" tiếp nhận nguồn nước tiêu thoát gồm biển, sông lớn và kênh rạch. Trường hợp "bể chứa" mà cao hơn nơi cần tiêu nước thì bất khả kháng trong thoát nước tự nhiên, phải sử dụng các giải pháp bơm cưỡng bức.

Thứ hai, thực tế tại Phú Quốc, nơi có hướng thoát nước thuận tiện ra biển, vấn đề thấy rõ là hệ thống đường cống tiêu thoát nước đã không còn phù hợp, không thoát kịp so với thực tế mưa lớn đã xảy ra.

GS.TS Trần Thục (chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn VN): Không thể đổ hết cho thời tiết

Phú Quốc là nơi có điều kiện thoát nước ra biển nhanh nhưng vẫn ngập lụt, tôi cho rằng nếu đổ hết lý do cho nguyên nhân thời tiết thì cũng không hẳn đúng. Thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường chỉ là một trong những nguyên nhân.

Ngoài ra còn có vấn đề về quy hoạch, xây dựng đô thị chưa tính hết đến năng lực thoát nước trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu. Vì thế, dù là nơi thuận lợi để tiêu thoát nước ra biển nhưng hệ thống cống thoát nước của Phú Quốc đã quá tải, không tiêu thoát kịp.