Ban đầu, Hà, 24 tuổi, quê Thái Bình định đi máy bay. Nhưng nhớ tới chiếc xe đạp Thống Nhất của ông ngoại ở quê, anh nảy ra ý tưởng đạp xe.
Ông ngoại Hà từng là thanh niên xung phong trong thời kỳ chiến tranh. Ông cũng dùng chiếc xe đạp này đưa đón Hà suốt những năm mẫu giáo. Anh nghĩ đưa chiếc xe kỷ vật vào TP HCM đúng dịp lễ lớn là cách để cùng ông ôn lại lịch sử, thể hiện lòng biết ơn thế hệ đi trước.
Từng đi bộ và chạy xe máy xuyên Việt, Hà tin mình có đủ sức khỏe. Thử thách lớn nhất là chiếc xe đạp lâu ngày không sử dụng, đã hoen gỉ nhiều bộ phận. Trước khi lên đường, anh mang xe ra tiệm sửa chữa, thay bộ săm lốp mới, kiểm tra tổng thể.
Hành trang của Hà gồm ba bộ quần áo, bộ đồ sửa xe, lá cờ Tổ quốc và chiếc loa cá nhân nặng 10 kg. Trong dịp diễu binh 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2024, anh từng giúp các chiến sĩ thuộc khối cảnh sát biển chở loa trong những ngày hợp luyện. Hà được mọi người đặt biệt danh "Khối chở loa hộ" từ đó.
Ngày 5/4, chàng trai quê Thái Bình bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, mục tiêu mỗi ngày đạp khoảng 100 km. Hà nhận ra chở theo loa nặng kèm lá cờ phía sau rất cản gió nên tốc độ bị ảnh hưởng.
Mỗi sáng trước khi đi, anh tính toán quãng đường và tìm nơi nghỉ chân, tránh việc đạp xe trong đêm muộn.
Hành trình sớm gặp thử thách. Ba ngày sau khi xuất phát, Hà bị đau nhức đầu gối, tưởng chừng không thể tiếp tục. Sau khi thăm khám và nghỉ ngơi, anh lại lên đường. Chiếc xe đạp cũ cũng liên tục gặp trục trặc. Lúc tuột xích, khi bàn đạp rơi, khi thủng săm buộc anh phải dừng lại sửa chữa. Nghiêm trọng hơn, phanh xe hoạt động không ổn định, có lúc hỏng hẳn. Để giảm tốc, Hà nhiều lần dùng đế giày rà mạnh xuống mặt đường.
"Giày rách, bàn đạp gãy, săm lốp cũng phải thay. May mắn những lúc xe hỏng đều ở không quá xa tiệm sửa chữa", anh kể.
Đạp xe dưới nắng nóng miền Trung khiến Hà mất sức, phải dừng nghỉ thường xuyên hơn. Gặp dốc cao, anh phải xuống dắt bộ vài km. Những lúc nghỉ mệt, anh dừng lại dùng loa và micro mang theo để hát karaoke giải trí.
Thấy người dân bên đường tò mò, Hà mời họ cùng giao lưu. Những khoảnh khắc này được anh quay lại, chia sẻ lên mạng xã hội, thu hút sự chú ý.
Quang Hà chụp ảnh kỷ niệm tại tượng đài Mẹ Suốt, Quảng Bình hôm 12/4, trong hành trình đạp xe từ Hà Nội vào TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bên cạnh khó khăn, chuyến đi mang lại cho Hà nhiều niềm vui. Anh nhận được vô số lời động viên từ người lạ gặp trên đường. Người hỏi thăm, người tặng nước, đồ ăn hoặc cho lời khuyên. Nhiều người biết chuyện còn mời Hà về nhà nghỉ ngơi khi qua địa phương nhưng anh đều từ chối để đảm bảo tiến độ và muốn tự trang trải chi phí. Dự kiến chuyến đi này tốn khoảng 15 triệu đồng.
"Những lời hỏi thăm, động viên hay video người đi đường quay lại và chia sẻ kèm lời chúc làm tôi thấy ấm lòng. Đó là động lực để tôi không bỏ cuộc và lan tỏa sự gắn kết ba miền", Hà nói.
Video được một tài xế đi đường ở Huế tình cờ gặp Quang Hà ghi lại trong chuyến hành trình anh đạp xe xuyên Việt, ngày 13/4. Nguồn: Ninh Thiện Nam
Tối 13/4, Hà đến Đà Nẵng. Anh đã đi ôtô qua hầm Hải Vân thay vì dắt bộ qua đèo như dự tính ban đầu để đảm bảo an toàn do phanh xe không tốt.
Đào Quang Hà dự kiến đến TP HCM khoảng ngày 21-22/4. Trong thời gian chờ đến ngày đại lễ, chàng trai 24 tuổi dự định làm các video giao lưu với người dân, ghi lại những trải nghiệm thú vị ở thành phố như một cách lan tỏa hình ảnh về sự tử tế và gắn kết cộng đồng.
"Trong những ngày tháng 4, người trẻ như chúng tôi muốn góp phần nhỏ bé làm cuộc sống thêm ý nghĩa, thể hiện tinh thần Bắc - Nam sum họp một nhà", Quang Hà kể.
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" có 13.000 người tham gia sẽ bắt đầu từ 6h30 ngày 30/4 tại đường Lê Duẩn và một số tuyến đường TP HCM.
Các hoạt động gồm 21 loạt đại bác trên nền Quốc thiều Việt Nam, không quân bay chào mừng, các khối rước mô hình Quốc huy, cờ Đảng, cờ Tổ quốc, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh; diễu binh các khối quân đội, công an, dân quân tự vệ; các khối quần chúng diễu hành.