Đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm có thực sự thuận tiện cho dân và CSGT?

Đặt tiền bảo lãnh thì dân đem xe về nhà bảo quản, tự giữ, không lo xe để ở bãi bị sứt mẻ, mất mát…, còn CSGT thì bớt lo cháy nổ ở kho, bãi tạm giữ xe.

Bộ Công an đang dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Nghị định 115/2013). Theo đó, Bộ Công an sẽ hoàn thiện quy định về đặt tiền bảo lãnh thay vì để CSGT tạm giữ xe của người vi phạm giao thông.
Dân bớt… xót của

Theo chị Lê Thu Hà (ngụ TP Thanh Hóa), việc hoàn thiện quy định đặt tiền bảo lãnh thay vì để CSGT giữ xe của Bộ Công an là hoàn toàn hợp lý, bởi phương tiện vi phạm nhưng họ chứng minh được đầy đủ nhân thân, giấy tờ thì nên cho người ta nộp tiền để bảo vệ tài sản của chính mình cho đến khi hoàn tất xử phạt.

Anh Phạm Văn Tuấn (ngụ TP Thanh Hóa) cho rằng: “Đây là một trong những đề xuất rất sát với thực tế bởi theo tôi, có những chiếc xe lên đến cả vài chục triệu, trăm triệu, là một tài sản rất lớn của chính gia đình đó. Vì khi được nộp tiền, tự giữ phương tiện thì người dân bớt xót cho tài sản của mình. Người dân cũng không phải mất thêm khoản phí trả cho các đơn vị trông giữ xe mà chưa chắc tài sản được đảm bảo. Cạnh đó, biện pháp này còn giảm bớt những gánh nặng cho cơ quan, đơn vị xử lý vi phạm về thời gian, mất diện tích trụ sở để làm kho, bãi giữ xe”.

Còn anh Nguyễn Tấn Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng), là tài xế lái thuê cho doanh nghiệp vận tải chuyên phục vụ du lịch, thì cho rằng hiện nay tài xế chạy xe rất sợ vi phạm hành chính và bị giữ xe. Vì nếu giữ xe sẽ gây khó khăn cho chủ doanh nghiệp khi đã tính toán điều phối xe phục vụ khách. Nếu xe bị tạm giữ, tài xế còn bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến lương, thưởng. “Trước giờ chủ xe rất sợ giam xe, bằng cách này hoặc cách khác phải lấy xe ra, kể cả chung chi. Nếu dự thảo được thực hiện thì sẽ giảm đi tiêu cực đáng kể” - anh Thành nói.

Đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm: Thuận cho dân, tiện cho CSGT - ảnh 1

CSGT xử lý người vi phạm giao thông và tới đây có thể cho đóng tiền bảo lãnh thay vì tạm giữ xe. Ảnh: LƯU ĐỨC

Đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm: Thuận cho dân, tiện cho CSGT - ảnh 2

Một bãi tạm giữ xe của CSGT ở TP.HCM.

CSGT: Bớt lo cháy nổ, mất phụ tùng…

Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Thanh Hóa, nói về hạn chế trong việc tạm giữ các phương tiện vi phạm: “Việc tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm tại các cơ quan, đơn vị công an là khá chật chội, mà quá trình tạm giữ tài sản của người dân phải được đảm bảo và an toàn, tránh trường hợp xảy ra hư hại, cháy nổ...”.

17,5 triệu xe là số xe tang vật, xe vi phạm giao thông bị tạm giữ, tịch thu từ năm 2013 đến nay, trong đó đã trả lại 4.056.000 tang vật, phương tiện cho chủ sở hữu; chuyển điều tra, xác minh gần 190.000 tang vật, phương tiện; tiêu hủy 5.040.000 tang vật, phương tiện và bán sung công quỹ nhà nước 5.065.000 tang vật, phương tiện, nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.940 tỉ đồng…