Dạy học online: 1001 tình huống bi hài "cười ra nước mắt"

Hình thức học mới mẻ này đem đến cho cô - trò không ít tình huống “dở khóc dở cười”.

Năm học mới 2021- 2022 đã bắt đầu, vì tác động của dịch COVID-19, nhiều trường học phải chuyển sang giảng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo việc học tập của học sinh, sinh viên không bị gián đoạn.

Lớp học không có phấn trắng, bảng đen, giáo viên không tiếp xúc trực tiếp với học sinh, chỉ có thể giảng dạy và quản lý lớp qua màn hình máy tính. Hình thức học mới mẻ này đem đến cho cô - trò không ít tình huống “dở khóc dở cười”.

1001 tình huống bi hài khi dạy học online

“Khoa – con trai tôi học lớp 7, vì dịch COVID-19 mà phải học online. 5h45 ăn sáng, mặc đồng phục, ngồi vào bàn nghiêm túc, sẵn sàng cho tiết học. Tiết 1, con vẫn nghe thấy tiếng cô giáo nhưng khi cô yêu cầu phát biểu, con trả lời mà cô không nghe được. Cô nạt con không mở mic. Con khóc. Tiết 2, cả lớp bị “out” ra, sau đó lại nháo nhác xin vào phòng học, người vào được, người không, do mạng nghẽn. Khoa may mắn vào được nhưng lúc nghe thấy tiếng cô, lúc lại chẳng nghe thấy gì. Tiết 3 giống tiết 2, tiết 4 giống tiết 3. Hết buổi học”…

Đó là những trải nghiệm của cô H.G. (giáo viên chủ nhiệm lớp 1 của một trường tiểu học ở Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) trên cương vị phụ huynh học sinh. Ở cương vị giáo viên dạy lớp 1, lứa tuổi học sinh còn quá nhỏ để đưa vào nề nếp bằng hình thức học online, cô còn có nhiều trải nghiệm éo le và đáng nhớ hơn thế.

Dạy học online: 1001 tình huống bi hài "cười ra nước mắt" - 3

Các học sinh khó có thể tập trung vào bài học (ảnh: Hải Hoàng)

Kể từ khi năm học mới bắt đầu, chị H.G. được phân công dạy một ca vào 19h đến 21h các ngày trong tuần. Chị, học sinh và cả phụ huynh đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học trực tuyến. Trường chị nằm ở vùng vúi của một huyện nông thôn, số học sinh có đầy đủ thiết bị học tập rất hạn chế.

Lớp chị chủ nhiệm, 100% học sinh dùng điện thoại màn hình nhỏ nên quá khó trong việc tiếp thu kiến thức. Đường truyền ở quê chất lượng không tốt, trong một buổi học, học sinh liên tục bị “out” khỏi phòng chat, rồi lại nhốn nháo xin vào nên mất nhiều thời gian.

“Học sinh của tôi còn nhỏ dại, lại không được dạy và quản lý trực tiếp nên rất khó để các em tập trung vào bài học. Các em cũng chưa thành thạo công nghệ, em thì quên tắt mic, em thì không biết cách mở mic… Cả lớp xôn xao, nhốn nháo, giáo viên mất nhiều thời gian để đưa vào nề nếp”, chị H.G. chia sẻ.

Chị thừa nhận, trong thời gian đầu dạy học online, chị gặp nhiều khó khăn trong việc soạn, giảng bài vì khả năng công nghệ thông tin còn hạn chế. Xa rời phấn trắng, bảng đen, bất đắc dĩ phải dạy học qua máy tính, chị bỡ ngỡ và lo lắng.

“Chưa kể, giáo viên chúng tôi cũng gặp nhiều áp lực khi một cháu học thì cả nhà ngồi cạnh theo dõi. Tôi từng gặp nhiều tình huống khó xử như phụ huynh ăn mặc thiếu lịch sự lướt qua màn hình máy tính, điện thoại của con, nói bậy, mắng nhiếc con trong lúc con học mà không tắt mic… Cả lớp chỉ cần một vài em quên tắt mic là đủ thứ tiếng ồn tràn đến”, chị chia sẻ.

Cách xử lý quen thuộc của chị H.G. là yêu cầu học sinh tắt mic và nhắn vào nhóm phụ huynh của lớp, yêu cầu phụ huynh nghiêm túc thực hiện quy tắc trong giờ học để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

“Chấm, chữa bài online cũng là một khó khăn. Các em chụp bài vở gửi cô, mỗi ngày dạy xong, cô đều nhận xét và chấm bài cho từng bạn qua Zalo, mất rất nhiều thời gian”, chị cho biết.

Các giáo viên cũng có con học online, việc giờ dạy trùng với giờ học của con rất khó để họ phân bổ thời gian hợp lý, vừa dạy, vừa kèm con học.

Một giáo viên khác ở Nghệ An chia sẻ, chị có hai người con, con trai cả học lớp 8, con gái út học lớp 1. Con trai học lệch ca nên chị có thời gian hướng dẫn, kèm cặp con học bài nghiêm túc và chỉn chu. Tuy nhiên, con gái học trùng với giờ dạy của mẹ, dù còn nhỏ dại nhưng vẫn phải tự loay hoay thao thác máy tính, ngồi học một mình.

“Giờ học từ 19h đến 21h, anh trai thì bận ôn bài, mẹ thì bận dạy học ở phòng khác nên con đành tự học. Những lúc đó tôi rất bất an, nhìn học sinh của mình bỡ ngỡ, lóng ngóng, thiếu tập trung lại nghĩ đến con. Tôi không biết, con có thể tiếp nhận bao nhiêu kiến thức”, chị nói.

Kể từ khi hình thức giảng dạy trực tuyến được áp dụng, chị quay cuồng với việc soạn bài, dạy học, làm việc nhà, trông con, kèm con học… từ sáng đến khuya. Giờ giấc sinh hoạt đảo lộn khiến chị cần thêm thời gian để làm quen.

“Nghỉ dịch chứ không nghỉ học”

Tưởng chừng việc dạy và học online đối với giáo viên và học sinh cấp 2, cấp 3 sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên, trên thực tế, giáo viên các cấp học này vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy.

Dạy học online: 1001 tình huống bi hài "cười ra nước mắt" - 4

Thầy cô gặp nhiều khó khăn trong việc chấm, chữa bài kiểm tra (ảnh: Hồng Cảnh)

Chị N.T (giáo viên dạy Văn của một trường cấp 3 ở Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho hay, trường chị áp dụng học online ngay từ đợt dịch COVID-19 đầu tiên bùng phát. Các tiết học diễn ra như thời khóa biểu thường ngày, mỗi sáng học 4 tiết, mỗi tiết kéo dài 45 phút, giải lao 15 phút. Dịch kéo dài, chị và các đồng nghiệp dần quen với phương án “sẵn sàng dạy online bất cứ khi nào” nhưng việc dạy và học trực tuyến không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ.

“Thời gian đầu, chính giáo viên chúng tôi cũng bỡ ngỡ với việc soạn và dạy học online vì chưa thành thạo công nghệ thông tin. Đường truyền không ổn định, có khi đang dạy thì mạng bị lỗi, phải chuyển lịch học sang buổi chiều hoặc tối. Cả học sinh và giáo viên đều mất quá nhiều thời gian và công sức cho một buổi học”, chị cho hay.

Ngay từ những ngày đầu giảng dạy online, chị đã nhận thấy học trực tuyến độ tương tác giữa cô và trò rất thấp, các học sinh hầu hết đều học bằng điện thoại màn hình nhỏ, cấu hình thấp, không tránh khỏi tình trạng căng thẳng và mệt mỏi khi máy hết pin, đường truyền kém… Sự hào hứng học tập cũng vì thế mà giảm sút.

Dạy học online, giáo viên khó kiểm soát được tình trạng ghi chép và tiếp thu của học sinh. Tiết học rời và kém hiệu quả hơn học trực tiếp.

“Tôi nhớ mãi thời điểm ôn thi tốt nghiệp THPT, chưa bao giờ khát khao được giảng dạy trực tiếp, được đến lớp của thầy và trò lại cháy bỏng như thế. Giai đoạn nước rút quan trọng, giáo viên chúng tôi đua nhau đăng ký dạy học trực tiếp dù các lớp phải tách nhỏ, đảm bảo giãn cách, sĩ số không quá 20 học sinh/lớp, đồng nghĩa với việc, giáo viên phải dạy nhiều ca hơn. Cũng may, cả cô và trò đều vượt thời điểm quan trọng đó”, chị nói.

Dạy học online, cô T. phải đối mặt với nhiều tình huống bi hài.

“Một tiết học có hiệu trưởng, hiệu phó dự giờ bỗng có tiếng trẻ con khóc ầm ĩ. Thì ra, học sinh vừa học vừa phải trông em cho bố mẹ đi làm nhưng quên tắt mic. Học sinh vừa ngủ dậy, vô tư cởi trần ăn sáng mà quên không tắt cam... Đối diện với những tình huống đó, đành nhẹ nhàng nhắc nhở rồi yêu cầu các bạn học hành nghiêm túc”, chị T. chia sẻ.

Đối với chị T., phương pháp giảng dạy truyền thống vẫn đem lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả thầy và trò đều cần cố gắng thích nghi, “nghỉ dịch chứ không nghỉ học”.