Vì yêu thương con nên ông bố bà mẹ nào cũng muốn được bế được bồng ôm ấp con mãi, kể cả khi con đã lớn. Trong vài năm gần đây, theo một vài quan điểm giáo dục hiện nay thì các phụ huynh không nên yêu chiều trẻ quá mức, vì như thế sẽ khiến con mãi không lớn lên được. Do đó, đã có khá nhiều cha mẹ thay đổi, để con tự lập, tự chăm sóc bản thân. Tuy nhiên mới đây, cư dân mạng Trung Quốc đã có phen bàn tán sôi nổi khi một đoạn clip được quay trước cổng một ngôi trường được đăng lên mạng.
Theo đó, đây là khung cảnh trước cổng của một ngôi trường nào đó ở Quảng Đông (Trung Quốc). Hôm đấy trời mưa nhẹ lất phất nên các phụ huynh đều nóng ruột đứng đợi ngay sát cổng chờ con để còn kịp che ô hay mặc áo mưa cho các bé. Trong lúc các cha mẹ đều sánh bước cùng trẻ ra về, thì có một bà mẹ vừa che ô vừa bế con trai đi ra khỏi cổng. Chị ấy còn cẩn thận đeo luôn cả cặp của con trên lưng.
Điều đáng nói là con trai của bà mẹ này không còn nhỏ, thậm chí chân của bé còn chạm tới nửa bắp chân của mẹ khi được mẹ bé. Nói cách khác, nếu để cậu bé đứng xuống đất thì chiều cao của hai mẹ con là xấp xỉ nhau. Trong khi đó, người mẹ này lại rất gầy và nhỏ con. Nhưng vì thương con, không muốn con bị ướt giày nên sẵn sàng bế con – một đứa trẻ có chiều cao và cân nặng gần tương đương với mình.
Điều làm mọi người bàn tán là bà mẹ này rất nhỏ người lại gầy, trong khi con trai có vẻ như cao gần bằng mẹ nhưng vẫn để mẹ bế.
Sau khi đoạn clip được chia sẻ, cư dân mạng đã nhanh chóng chia thành 2 phe tranh luận sôi nổi. Nhiều người đã thẳng thừng bày tỏ sự không đồng tình của mình:
- Mưa nhỏ thế này mà đã bế. Mưa to hơn nữa thì không biết người mẹ này sẽ làm thế nào?
- Đứa trẻ lớn gần bằng mẹ rồi mà vẫn để mẹ bế sao?
- Mẹ thương thì thường thua con. “Không thương” con mới là thương con.
- Bà mẹ trông thật nhỏ bé bên cậu con trai “bự”.
- Bà mẹ này có biết làm thế này là đang hại con không?
Tuy nhiên, vẫn có một số cư dân mạng cho rằng không nên nặng lời với hai mẹ con, bởi có thể bé trai không được khỏe nên mẹ bé mới bế. Hoặc thể trạng của bé yếu nên nếu tiếp xúc với mưa có thể sẽ bị bệnh, vì vậy người mẹ mới bế con không cho chân chạm nước. Cũng có phụ huynh bày tỏ khi con càng lớn thì cơ hội được bế con càng ít. Thế nên biết đâu bà mẹ này muốn được gần con nên mới tranh thủ cơ hội này mà bế con.
Dạy con tự lập, tự chăm sóc bản thân, không dựa dẫm vào người khác cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp trẻ thành công về sau này (Ảnh minh họa)
Mặc dù không thể xác định được lý do vì sao người mẹ trong đoạn clip lại lựa chọn bế con thay vì để con tự đi. Nhưng rõ ràng, ngoài nguyên nhân về sức khỏe ra, thì tất cả mọi lý do khác đều khó thuyết phục. Bởi một lẽ dạy con sống tự lập, tự chăm sóc bản thân mới là điều quan trọng nhất. Chúng ta chỉ có thể lo cho con chốc lát, chứ không thể lo cho con cả đời. Do đó, cha mẹ cần phải:
1. Khuyến khích con tự làm
Người lớn chúng ta luôn thấy con của mình lúc nào cũng còn rất nhỏ, cần được nuông chiều và không cần phải làm gì cả. Thế nhưng, nếu cha mẹ không dạy con làm việc, trẻ sẽ không có khả năng sống một mình, không biết tự chăm sóc bản thân mình, hay sống có trách nhiệm. Vậy nên, thay vì làm giúp con, cha mẹ nên khuyến khích con tự làm. Cho dù có đổ vỡ, có bừa bộn, có thất bại nhưng chắc chắn qua vài lần con sẽ làm khéo léo hơn.
2. Giao việc cho con
Tùy theo từng độ tuổi mà trẻ em có thể làm được những việc khác nhau. Chẳng hạn như con có thể lau bàn ghế, dọn bàn ăn, bỏ quần áo vào máy giặt. Lớn hơn một chút, trẻ có thể gấp quần áo, tự soạn cặp, gấp chăn màn,… Duy trì những thói quen tốt và tính tự giác sẽ giúp con hình thành tính cách độc lập, không sống ỷ lại vào người khác.
3. Đừng bảo bọc con quá mức
Trẻ em nếu được nuôi trong nhà kính – bị giới hạn không gian, quản lý chặt chẽ, bảo bọc kỹ càng, muốn gì được nấy – thì trẻ sẽ khó mà có thể thành công khi lớn lên.
4. Để con đối mặt với thất bại
Thất bại là mẹ của thành công. Vậy nên, muốn con thành công cha mẹ cần phải để con được thất bại. Đó là những lần con làm vỡ đồ, dọn bàn không sạch, đi học quên vở, chạy nhảy bị té ngã, học bị điểm kém,… Thông qua những thất bại này, trẻ sẽ rút ra được các bài học cho riêng mình và đây chính là “vốn sống” để con không còn bị thất bại trong tương lai.