Dị tật tay chân bẩm sinh vẫn đỗ thủ khoa, học ngành kiến trúc và vẽ đẹp như họa sĩ

"Sống chung với lũ" đã thành quen

Chàng thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bị dị tật tay chân bẩm sinh, là nhân chứng sống cho tinh thần lạc quan, vượt lên chính mình để thành công trong cuộc sống.

Không may mắn khi sinh ra bị dị tật bẩm sinh ở tay và chân, suốt nhiều năm nay phải mang chân giả lại bị mất hoàn toàn khả năng nghe ở tai trái nhưng Nguyễn Hoàng Phúc (SN 2001, quê Bình Định) - nam sinh ngành Kiến trúc thuộc khoa Xây dựng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM khiến bao người nể phục.

Từ những ngày còn thơ bé, Hoàng Phúc đã có ý định trở thành một họa sĩ, tạo ra cho riêng mình những sản phẩm nghệ thuật đặc biệt. Song khi được ba mẹ định hướng, khuyên bảo để sở thích phù hợp với hoàn cảnh thực tế cũng như ổn định cho tương lai rộng lớn, cậu bạn đã lựa chọn chinh phục con đường trở thành một kiến trúc sư. Phúc chọn ngành này vì muốn chinh phục sự đa dạng ở các lĩnh vực khác nhau trong thiết kế bằng chính cơ thể đặc biệt của mình.

Nguyễn Hoàng Phúc - Thủ khoa ngành Kiến trúc, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.

Nghịch cảnh dường là “mồi” thử sự quyết tâm. Chặng đường đến với giấc mơ với Hoàng Phúc càng đòi hỏi nghị lực khi mọi thứ đều phải bắt đầu với sự thích nghi, tập quen dần với đôi tay khiếm khuyết và đôi chân giả của mình. Cậu bạn chia sẻ không ít lần cảm thấy tủi thân với các bạn đồng trang lứa, nhìn mọi người được vận động chạy nhảy thỏa thích, đi đến nơi mình muốn, còn Phúc không thể di chuyển được xa và đứng lâu vì sẽ bị đau và mỏi.

Đôi tay của Hoàng Phúc bị dị tật từ bé.

Thậm chí, có giai đoạn cậu bạn trở nên sống khép kín, ít giao tiếp với mọi người, ngại ngùng bắt chuyện với người lạ và chỉ quanh quẩn lớp học rồi về nhà. Mọi việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày của Phúc đều cố gắng tự làm, việc gì quá khó mới nhờ đến ba mẹ và bạn bè xung quanh. Nhờ đó, khi vào TP HCM lựa chọn học xa nhà, dù bị dị tật nhưng Phúc vẫn có thể tự lo cuộc sống của mình ở ký túc xá từ việc học tập, giặt giũ, ăn uống...

Chia sẻ về những khó khăn của mình, Phúc xua đi và trả lời rất bình thản: “Nói em không gặp thử thách là xạo đó chị, nhưng sống chung với lũ cũng quen, mình cứ lượng sức vậy, cái gì làm được thì làm thôi”.

Khi sinh ra, ngón chân đã bị lộn xộn nên phải... bỏ đi để mang chân giả thuận tiện hơn.

Cậu bé kém may mắn ngày nào giờ đã trở thành tân sinh viên ngành kiến trúc, có cơ hội hiện thực hóa ước mơ cầm bút sáng tạo những công trình, sản phẩm mình tâm huyết nhất. Hoàng Phúc cũng tâm sự mình rất thích làm công việc ở mảng đồ họa, đặc biệt là tạo ra những đứa con độc đáo như Disney.

Niềm đam mê vẽ ăn sâu trong cậu bạn từ những ngày con bé.

Có lẽ ước mơ chính là tòa án công tâm nhất, chúng sẽ thuộc về những người đủ kiên trì và giàu nghị lực. Chắc chắn rằng cậu bạn với gương mặt sáng ngời và vô tư ấy sẽ làm được theo một cách đặc biệt riêng của mình.

“Người như em không cần bản nhạc buồn về số phận đau thương”

Với Hoàng Phúc, được vẽ dường như là một đặc ân lớn, được mọi người yêu thương là một phép cộng hơn hẳn mọi người. Chính vì vậy, thay cho những suy nghĩ tiêu cực, mặc cảm về cơ thể của mình, Phúc trân trọng mọi thứ mình đang có bằng cách sống vô tư, lạc quan, vẽ nên bản hòa tấu cuộc đời bằng những nốt nhạc vui tươi, khích lệ.

“Những người như em đừng nghĩ cuộc đời mình là một bản nhạc buồn về số phận đau thương, cứ bình tĩnh đối diện với mọi thứ. Bởi lẽ bất kỳ ai được sống và làm điều mình thích là một món quà may mắn.”, chàng trai giàu nghị lực bày tỏ.

Đi bệnh viện không biết bao nhiêu lần nên sức khỏe Hoàng Phúc bị ảnh hưởng, hay quên hơn.

Chia sẻ về cậu học trò, thầy Ngoạn - GV khoa Ngoại ngữ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn & Hỗ trợ SV trực thuộc Đoàn trường không giấu được sự xúc động: “Phúc vẫn còn con nít lắm! Con nít ý là ngây ngô như chính cái tuổi của em vậy. Cách nói chuyện của em hết sức chân chất. Lúc mới gặp Phúc, điều làm tôi ấn tượng đầu tiên là cậu nhóc này rất lễ phép, thái độ sống lạc quan, vô tư dù hoàn cảnh riêng khó khăn, tuy có rụt rè chút xíu nhưng thời gian tới hi vọng Phúc sẽ quen dần với môi trường mới ở đại học”.

Thầy Ngoạn cũng cho biết, nhà trường, thầy cô và bạn bè đều dành sự quan tâm, tạo điều kiện học tập, ăn ở tốt nhất cho Phúc và những bạn có hoàn cảnh tương tự.

Thầy cô và bạn bè tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM đều dành sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt cho Phúc.

Một năm học mới đã bắt đầu, chặng đường mới ở một thành phố hoa lệ cũng chính thức sang trang, mang tâm thế của một sinh viên năm nhất, Phúc đã sẵn sàng trải nghiệm môi trường học và cuộc sống mới xa gia đình. Hy vọng cậu bạn sẽ có bước chạy đà thật tốt để tiến đến giấc mơ của mình bằng chính nội lực của bản thân.

Theo Saostar.vn


* Nội dung liên quan: