Dịch vụ nộp hộ đơn xin nghỉ việc

Nhật Bản - Kiệt sức vì công việc, Yuta Sakamoto, 24 tuổi lấy can đảm xin nghỉ việc nhưng nhanh chóng chùn bước vì bị ông chủ đe dọa sẽ hủy hoại tương lai.

Chàng trai là nhân viên bán các dự án cải tạo nhà ở nhưng thường phải kiêm thêm việc dọn dẹp chúng vào cuối tuần mỗi khi sếp yêu cầu. Sau một thời gian không dám nộp đơn xin nghỉ việc, một người bạn giới thiệu cho anh dịch vụ "nộp đơn từ chức hộ". Chỉ với 200 USD và một vài thông tin, Sakamoto đã thoát khỏi tình huống khó xử.

"Tôi sẽ bị suy sụp tinh thần nếu tiếp tục", Sakamoto, ở Tokyo, người đã tìm được một công việc mới tại một công ty in ấn, cho biết.

Yuta Sakamot đã thuê công ty xin nghỉ việc hộ vì sợ bị sếp ngăn cản chuyển chỗ mới. Ảnh: WSJ

Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,7% và dân số già hóa nhanh chóng, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Theo công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank, thiếu hụt nhân sự là nguyên nhân chính gây ra nhiều vấn đề và đã khiến 313 công ty phá sản trong năm tài chính vừa qua.

Khoảng cách thế hệ khiến một số quản lý lớn tuổi vẫn mong đợi sự trung thành tuyệt đối từ nhân viên. Nhiều doanh nghiệp đã từ chối hoặc gây khó dễ trong khi xử lý đơn từ chức của nhân viên.

Bên cạnh đó, người Nhật có truyền thống lịch sự, ngại đối đầu hoặc nói thẳng vì sợ mất lòng người khác. Nhiều người lo lắng nghỉ việc sẽ gây ra sự xáo trộn hoặc bị đồng nghiệp bàn tán. Các công ty như Exit, Mo Muri và Albatross đã ra đời để cung cấp dịch vụ giúp nhân viên từ chức.

Toshiyuki Niino, 34 tuổi cho biết sáng lập Exit sau khi trải qua khó khăn tương tự. "Bạn có thể ngạc nhiên, nhưng tôi quá nhút nhát hoặc sợ hãi để nói ra những gì mình nghĩ", Niino chia sẻ.

Anh cũng nhấn mạnh người Nhật thường không được giáo dục để bày tỏ ý kiến. Hiện Exit xử lý hơn 10.000 trường hợp xin nghỉ việc mỗi năm. Để cạnh tranh với các đối thủ, họ thậm chí còn giảm giá 50% cho khách hàng quen.

Trong khi đó, Mo Muri đã bắt đầu quảng cáo trên tàu điện ngầm và hứa hẹn giúp khách hàng tìm được công việc mới. Một số công ty khác còn tập trung vào các ngách đặc biệt. Ví như một công ty luật cung cấp dịch vụ từ chức cho sĩ quan quân đội với giá 400 USD, cao gấp đôi mặt bằng chung nhưng cam kết mang lại sự an tâm hơn.

Koichi Oda, 39 tuổi, sau 8 năm làm tài xế xe nâng tại một nhà kho ở phía tây Nhật Bản, đã sử dụng dịch vụ từ chức vì không chịu nổi áp lực từ ông chủ, lương thấp và điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến một số đồng nghiệp của anh phải đi cấp cứu vì say nắng.

Những người khác không đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ này đã tìm ra cách sáng tạo để nghỉ việc. Một người dùng trên X đã chia sẻ không có tiền thuê nên đã giả vờ làm nhân viên của công ty môi giới và tự nộp đơn.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thiếu lao động bắt đầu liên hệ với các công ty xin nghỉ việc hộ này để kết nối với nhân viên mới nghỉ việc. Kaoru Yoshida, trưởng phòng nhân sự tại một công ty ở Tokyo cho biết đang tìm đến các dịch vụ này để tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho công ty.

Ở Nhật Bản có các công ty cung cấp dịch vụ xin từ chức hộ để giúp những nhân viên không hài lòng nghỉ việc. Ảnh: WSJ

Ở Nhật Bản có các công ty cung cấp dịch vụ xin từ chức hộ để giúp những nhân viên không hài lòng nghỉ việc. Ảnh: WSJ

Shinji Tanimoto, giám đốc điều hành của Albatross - đơn vị điều hành dịch vụ "I can't do it anymore" (Tôi không thể làm được nữa), cho biết một số nhà quản lý công ty đã tìm đến ông để xin lời khuyên về cách giữ chân nhân viên.

Theo ông, lý do nhân viên rời bỏ công ty không có gì phức tạp: những ông chủ độc đoán, không trả lương làm thêm giờ và từ chối cho nhân viên sử dụng thời gian nghỉ phép.

Ayumi Sekine, 24 tuổi, nhân viên của Albatross cho biết công việc của cô khá đơn giản. Sekine gọi điện cho các lãnh đạo doanh nghiệp, giới thiệu về dịch vụ của mình và tuyên bố rằng khách hàng của cô sẽ nghỉ việc. Cô chỉ định ngày nghỉ và khả năng sử dụng các ngày nghỉ lễ được trả lương còn lại cho thời gian thông báo.

Cô gái đã chuyển sang nghề này sau bốn năm làm việc tại một công ty khí đốt, nơi cô nhận được ít lần tăng lương, mặc dù tự coi mình là một trong những người có thành tích tốt nhất. Đơn từ chức của cô chỉ được chấp nhận sau khi khóc và cầu xin sếp sau ba tuần họp, nơi các nhà quản lý cố gắng ngăn cản cô.

"Lúc đó, tôi thực sự nhận ra việc từ chức căng thẳng thế nào", cô chia sẻ.

Tại công ty mới, công việc không quá áp lực, cô còn được một lợi ích bổ sung, mà như sếp cô Tanimoto chỉ ra: "Nếu ai đó ở đây muốn nghỉ việc, tôi sẽ không ngăn cản".