Mới đây, bức ảnh chụp trong một giảng đường ở trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) tưởng chừng không có gì đáng chú ý nhưng lại “gây sốt” mạng xã hội.
Sinh viên trường "mọt sách" không được nhuộm tóc?
Người đăng tải bức ảnh kèm theo nội dung: “Trạng nguyên cả nước cùng tập hợp, không có người nào nhuộm tóc. Quả là trường đại học đẳng cấp nhất toàn quốc, sinh viên ăn vận giản dị, không hoa hòe khoe khoang. Ai ai cũng là một đầu tóc đen, hoàn toàn tập trung vào chuyện học hành”.
Thế nhưng trong phần bình luận có người phát hiện chi tiết khiến người đăng tải phải “muối mặt”.
“Hàng đầu tiên, hàng thứ hai không phải có những cái đầu nhuộm tóc hả? Mắt nhìn kiểu gì mà không ra thế?”.
Ngay sau đó, nhiều sinh viên trường Thanh Hoa đã tung những hình ảnh kiểu tóc không mấy “giản dị” của mình.
Trên thực tế, một nữ sinh trường Thanh Hoa nhuộm tóc trước đây cũng rất nổi tiếng với những đoạn video nhảy múa trên Douyin (Tik Tok Trung Quốc).
Qua đó có thể thấy, việc nhuộm tóc và kết quả thành tích, có thể thi đậu Thanh Hoa hay không, hoàn toàn không liên quan đến nhau.
Nhiều người thích bới móc những đặc điểm “kỳ quái” của người giỏi hơn mình để tự “an ủi” cho sự thua kém của bản thân.
Ví dụ như “Chàng sinh viên Harvard thức khuya chơi game đến 4h sáng”, “Thời khóa biểu ‘rảnh rỗi’ của sinh viên đại học Bắc Kinh”...
Họ luôn vô cớ tạo “thâm thù đại hận” với những sinh viên tài giỏi, gán ghép một cách máy móc biệt danh “mọt sách” cho những ai học hành nhiều hơn bình thường.
Chàng sinh viên vừa ăn vừa ngủ trong canteen. Hình ảnh chiếc giường tầng nhỏ hẹp trong ký túc xá chất đầy sách vở. Nam sinh vừa đạp xe vừa ăn mì.
Họ chấp nhận từ bỏ những thú vui khác trên đời để theo đuổi mục tiêu riêng. Họ tranh thủ thời gian mọi lúc mọi nơi: xếp hàng mua cơm, đánh răng, ngủ, thậm chí là ngồi vệ sinh…
Trong giá trị quan của nhóm học sinh, sinh viên tài giỏi, khát khao tiếp thu tri thức và cái mới quan trọng hơn bất kỳ điều gì.
Thế gian muôn trùng thứ khiến ta chểnh mảng, tự ta tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Cảnh giới của những người giỏi giang, chẳng mấy ai có thể hiểu nổi.
Niềm vui của nhóm sinh viên học giỏi với hình tượng "ăn mặc xuề xòa, râu tóc luộm thuộm"
Thời gian gần đây, thiên tài Toán học Vi Đông Dịch từng khiến Harvard phải ngỡ ngàng cũng được bắt gặp với hình ảnh vô cùng giản dị trên đường phố.
Sơ mi trắng, áo khoác mỏng, một tay cầm sách, tay còn lại cầm chai nước, bước nhanh về phía trước. Dường như cậu mang giày chiếc đen chiếc trắng, cũng có thể một bên chỉ mang hờ nên để lộ vớ đen.
Vi Đông Dịch hầu như chỉ đi đi về về một mình, chìm đắm trong thế giới riêng, tranh thủ từng giây từng phút để mưu cầu tri thức.
Còn có chàng sinh viên Thanh Hoa họ Thẩm, nổi tiếng nhờ một đoạn phỏng vấn.
Thẩm học ngành Kỹ thuật xây dựng dân dụng, thi được 682/750 điểm, được xem là “đại thần” trong giới học sinh - sinh viên.
Nhưng kiểu tóc và hàm râu dài khiến nhiều người cười đùa và ví cậu là thầy phong thủy.
Một người phụ nữ lên mạng “khoe” hình ảnh thay đổi của em trai sau 1 năm học ở trường Bắc Đại.
Trước khi bước chân vào trường đại học danh giá bậc nhất Trung Quốc, chàng trai vẫn mang nét trẻ trung. Nghỉ hè về nhà sau một năm học hành, chàng trai đã khiến cả gia đình nhận không ra.
Không những gầy đi rất nhiều, đầu tóc mang “hơi thở nghệ thuật”, râu mọc dài. Người chị dở khóc dở cười nói: “Cả người giống như mới bước ra từ động núi, mang hình dáng của ông chú lang thang”.
Trong phần bình luận có người phát hiện ra nét thay đổi ở góc nhìn khác: “Một năm trước háo hức khám phá tương lai, một năm sau dường như đã thoát ly khỏi thế tục đời thường”.
“Tinh thần có lẽ được cải thiện rõ ràng, vẻ ngoài đã được đơn giản hóa. Chuyến về nhà sau có thể càng bất ngờ hơn nữa”.
Đối với nhóm người tài giỏi này, mưu cầu tri thức và thỏa mãn nhu cầu tinh thần học hỏi lúc nào cũng quan trọng hơn vật chất hay hình tượng bên ngoài. Đây chính là niềm vui cao cấp!
Người suốt ngày nằm ngủ ở nhà chẳng thể hiểu được cảm giác hạnh phúc của người chạy bộ bên ngoài. Đương nhiên, ngủ cũng là một loại hạnh phúc, nhưng không phải ai cũng cho là như vậy.
Quan niệm niềm vui của mỗi người đều khác nhau
Không lâu trước đây, một bảng khảo sát “niềm vui” từng dậy sóng mạng xã hội Trung Quốc.
Theo đó, “giao dịch đầu tư” là niềm vui đứng đầu bảng với hơn 1000 lượt tán thành. Xếp thứ hai là quan hệ tình dục.
Tăng tiền lương, chơi game, ăn món ngon, xem phim… Những điều này hầu hết mang đến cho con người niềm vui thú ngắn hạn.
Còn “hoàn thành công việc”, “đọc sách”... lại bị chê chán đến đáng thương.
Trong Phật giáo, con người gắn liền với 3 chữ: tham, sân, si.
Cái dễ khiến chúng ta chìm đắm trong thỏa mãn thường thấy là những thứ dễ dàng mang lại chiến thắng và kết quả như chơi game, ăn ngon, mua sắm… Nhiều người không thể kiểm soát được bản thân và cứ thế mải mê trở thành nghiện. Đây chính là niềm vui hạ cấp.
Còn niềm vui cao cấp thì sao? Nó đối kháng với sự bình thường, dễ dàng sinh ra cảm giác chán nản, mất kiên nhẫn. Ví dụ như đọc sách, hoàn thành nhiệm vụ, tập thể dục thể thao, giảm cân… Những điều này đòi hỏi chúng ta phải bỏ ra sự nhẫn nại và thời gian để theo đuổi đến cùng. Kết quả nhận được to lớn đến mức không tưởng được. Đậu đại học, được thưởng cuối năm sau thời gian dài nỗ lực làm việc, vóc dáng mảnh mai khỏe mạnh sau vài tháng tập thể dục… bạn có thấy thích không?
Đương nhiên, mỗi người có một quan niệm về niềm vui khác nhau. Vậy nên đừng bao giờ đánh đồng với tư duy của bản thân.
Bạn chê cười vì chàng trai học giỏi ăn mặc xuề xòa. Bạn chỉ trích khi thấy sinh viên trường “mọt sách” nhuộm tóc. Hay bạn đinh ninh những ai học giỏi đều phải ăn vận giản dị, không được nhuộm tóc. Nhưng đó hoàn toàn là cách nhìn đầy phiến diện của bạn.
Song, trường hợp người tuy có vẻ ngoài đẹp đẽ, sành điệu, nhưng học thức không đến đâu, vậy thì họ có bị chê cười không?
Đáp án chính là có. Và người cười chê này đa phần là nhóm tri thức, vì họ xem trọng chuyện học tập như tính mạng. Còn nhóm người khen ngợi, chỉ đơn giản vì họ quan trọng tính thẩm mỹ và ngoại hình hơn.
Mỗi người một cuộc sống. Hãy sống cho thật tốt, không ngừng hoàn thiện thế giới tâm hồn và cả vẻ ngoài. Đừng nên tự cho phép bản thân quyền sử dụng tư duy của mình để phán xét người khác.
(Nguồn: Zhihu)
https://afamily.vn/diem-khac-la-trong-buc-anh-giang-duong-cua-truong-dai-hoc-gioi-bac-nhat-trung-quoc-gay-tranh-cai-tai-gioi-thi-khong-duoc-phep-khac-nguoi-20220804171019361.chn