Điều người Hàn nhắn gửi Việt Nam qua phim về ngài Park: Tiềm năng của đất nước này là vô hạn

Khi một người từ quốc gia khác tới Việt Nam và cho chúng ta thấy niềm tin vào tiềm năng của mình, thì có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải bừng tỉnh.

Trong bộ phim tài liệu đầy cảm hứng về huấn luyện viên Park Hang-seo, những người bạn Hàn Quốc đã để lại lời nhắn nhủ tới Việt Nam rằng: “Tiềm năng của đất nước này là vô hạn. Khi nhìn bóng đá Việt Nam, thì người Việt Nam có thể học từ trong đó, để biết về tiềm năng của bản thân mình, thực sự đã dùng hết hay chưa?”.

“Không được cúi đầu”

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà câu nói của ông Park với các cầu thủ: “Chúng ta không được cúi đầu” đã được trích lại nhiều lần trong bộ phim “Park Hang-seo – Người truyền lửa” được chiếu ở Lotte Cinema. Đó không chỉ là một “chỉ thị” của vị huấn luyện viên trưởng một đội bóng vài chục người, mà là lời nhắn gửi, là cảm hứng và cũng là trách nhiệm mà mỗi người Việt Nam cần phải nhận ra và suy ngẫm vào lúc này.

Ông Park đã từng nói rằng một trong những điều làm ông ngạc nhiên khi tới Việt Nam cầm quân là sự thiếu tự tin của các cầu thủ. “Tôi biết Việt Nam là đội bóng tiềm năng ở Đông Nam Á. Nhưng lần đầu tiên gặp cầu thủ của Việt Nam, tôi đã rất ngạc nhiên. Họ có tốc độ, kỹ thuật và thể hình rất tốt. Nhưng dường như họ không biết rằng họ cũng có trình độ như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Thái Lan. Điều đó khiến họ không tự tin. Những gì tôi phải giải quyết là trạng thái tinh thần, họ cần có niềm tin vào bản thân mình”.

Như thế, từng bước từng bước, ông Park đã cho các cầu thủ Việt Nam thấy rằng: Trước hết phải có niềm tin thì mới có thể luôn ngẩng cao đầu, và sau đó là phải nỗ lực hết mình thì cái thế ngẩng cao đầu đó mới là xứng đáng chứ không phải là một sự vênh váo, ảo tưởng.

Từng bước từng bước, ông Park đã giúp cho các cầu thủ Việt Nam lấy lại niềm tin vào bản thân mình. (Ảnh theo vnreview)
Bạn chỉ có thể đường đường chính chính khi tin là ta đã làm hết khả năng của mình mà không sợ lời bàn tán của bất kỳ một ai khác. Khi biết khả năng của mình là gì, biết mình đã tận dụng hết hay chưa, thì lúc thành công sẽ không kiêu ngạo tự mãn, bởi ta hiểu đó là kết quả xứng đáng. Và khi thất bại sẽ không tự than trách, đổ vấy, sợ hãi như con chim sợ cành cong, bởi ta đã tận tâm, tận lực rồi.

Niềm tin chân chính là một loại năng lực tự nhận thức bản thân, một trong 7 loại trí thông minh mà các nhà khoa học trên thế giới công nhận. Đó không phải là một sự ảo tưởng, “tự kỷ ám thị” một cách thiếu căn cứ. Đó là dùng trí huệ để biết mình, biết ta, để luôn nhận ra thiếu sót của bản thân mà hoàn thiện nó; Để không đố kỵ với thành công của người khác, không yếm thế, oán trách khi thất bại và không buông xuôi mặc số phận hay mù quáng đánh đổi bất cứ giá nào để được thành công.

Nhận thức được năng lực của mình, phát triển và vận dụng nó đúng cách là cả một quá trình đòi hỏi sự nghiêm túc và trách nhiệm. Đó là điều chúng ta cần làm ngay từ bây giờ để không lãng phí tiềm lực bản thân và cả quốc gia. Vì sao người Việt ra nước ngoài đã có rất nhiều thành công được quốc tế ghi nhận; Trong khi vì sao người Việt trong nước lại có quá nhiều tệ nạn, bất cập và nhiều sự “bâng khuâng” đến vậy?

Chúng ta đều đang chờ đợi một sự đột khởi nào đó mà không chịu dấn thân. Chúng ta phần lớn đều chỉ cầu sự yên ổn cho bản thân, kiếm được nhiều tiền, có được danh vị đáng tự hào để cho con cháu được nhờ, cho đời mình được sung sướng. Nhưng lại có quá ít sự hy sinh. Nếu như ai ai cũng chỉ muốn được mà không chịu mất, thì sẽ chẳng có gia tài nào có giá trị dài lâu và thực chất để lại cho tương lai.

Niềm tin của chúng ta chỉ dừng lại ở việc tin rằng có học hành đàng hoàng thì sẽ có cơm ăn áo mặc, có quyền có thế thì sẽ được chỗ làm tốt, có chức có tiền thì sẽ có tất cả.

Mấy ai còn tin rằng có hy sinh bản thân vì người khác thì mới có thành công bền vững? Mấy ai còn tin rằng người trồng rau không nên vì lợi nhuận mà dùng hóa chất độc hại cho cây trồng? Mấy ai tin người làm thầy thì phải giữ vững phẩm giá và đạo đức, chứ không thể bất chấp tất cả để đạt danh hiệu thi đua hay những đồng tiền bất chính? Mấy ai tin rằng làm quan là để chăm lo cho đời sống của dân, chứ không phải vơ vét cho riêng mình? Mấy ai tin rằng, mọi việc chúng ta làm trước tiên là vì cộng đồng thì bản thân mới phồn vinh và cộng đồng mới vững mạnh?

Ông Park đã thành công trong việc giúp các cầu thủ nhận thức được năng lực của mình, phát triển và vận dụng nó. (Ảnh theo soha)
Không chỉ cần niềm tin vào bản thân, chúng ta đang thiếu cả niềm tin vào cộng đồng

Thật ra, chúng ta không chỉ thiếu niềm tin vào khả năng của mình, mà còn thiếu niềm tin vào người khác. Chúng ta đề phòng lẫn nhau, hằm hè thủ thế để giành vị trí tiên phong quả cảm nhưng cũng dễ gây thương vong cho ai đó dám dấn thân. Chúng ta không tin rằng làm người tử tế thì sẽ gặp điều tử tế, không tin rằng xã hội xấu xí không phải chỉ bởi những người xấu mà còn bởi sự im lặng của những người tốt.

Sự thiếu niềm tin ấy chính là bởi chúng ta đối đãi với người khác cũng bằng sự thiếu tin tưởng và thiếu thiện tâm. Không biết từ bao giờ, người Việt thiếu đi một nét văn hóa cần thiết cho một xã hội công bằng và văn minh: Đó là văn hóa tin rằng điều khác biệt của người khác cũng có chỗ hữu ích, ít nhất là cho sự tự tin của họ. Vì thế chúng ta chưa biết lắng nghe và thiện tâm, thiện ý nhận xét. Chỉ trong một xã hội có niềm tin, người ta mới dám nói lên ý kiến của mình, người ta mới dám phản biện và sẵn sàng đón nhận những đổi mới.

Chúng ta dùng cách phản biện lệch lạc như thế này để đối đãi với nhau: Rằng anh thì tốt đẹp hơn ai mà đòi, anh cũng còn thiếu sót đủ thứ, anh giỏi thì anh làm đi… Hoặc ngay khi họ mới có những va vấp nhỏ đã quy chụp như thể cả cuộc đời và di sản lý luận, nhận thức của họ đều không có chỗ nào đáng ghi nhận.

Chúng ta đối với người khác như vậy, nên cũng lo sợ người khác đối lại như thế với mình. Thế nên chúng ta co lại, giữ tâm thế bảo vệ bản thân và sẵn sàng xù lông vì những điều nhỏ nhặt.

Tiềm lực của người Việt chỉ có vậy thôi sao? Nào đâu những khúc tráng ca giành tự chủ sau nghìn năm Bắc thuộc? Nào đâu niềm tin vào thế rồng bay của dân tộc, khả năng “phá Tống bình Chiêm” của vua Lý một thời? Nào đâu “Hào khí Đông A” và thời kỳ thịnh thế vang danh sử sách?… Lịch sử của chúng ta không chỉ là những trận đánh giữ nước, mà còn là những giá trị nhân văn để lại cho đời của những bậc minh quân, những giá trị văn hóa đỉnh cao của các bậc tinh hoa, anh hào, là truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt vốn đã trải qua biết bao sóng gió dập vùi.

Lẽ nào cho đến bây giờ, những gì chúng ta phát huy lại là thứ văn hóa phán xét và “ném đá” lẫn nhau? Để đáng buồn và đáng tiếc thay: thứ mà chúng ta vùi dập không chỉ là cái xấu xí, cái chưa được của người khác, mà còn là niềm tin của chính bản thân chúng ta, niềm tin của cả dân tộc. Và cái còn ở lại chỉ là sự chờ đợi trong vô định vào một làn sóng đột khởi sẽ đưa Việt Nam hóa rồng vào một ngày nào đó.

Muốn tin tưởng vào thành công, chúng ta phải tin tưởng vào năng lực: Năng lực của mình, của người và của sự tử tế.