Trong cuộc đời, nói chung lầm lỡ bất cứ cái gì cũng tai hại nhưng có lẽ tai hại nhất là sai lầm trong việc kết hôn. Sau đám cưới, tất cả sướng vui buồn khổ, thăng tiến hay hoạn nạn của đời ta cũng đồng cam cộng khổ với người đó. Thế nhưng khi quyết định một điều cực kỳ hệ trọng đối với mỗi cá nhân, chúng ta lại thường lựa chọn trong trạng thái tâm lý không sáng suốt. Bởi vì khi đó chúng ta đang yêu, ta không lựa chọn bằng trí óc mà bằng ... trái tim.
Những nguyên nhân dẫn đến sai lầm
Thứ nhất là về phía chủ quan, như nhà tình dục học người Ba Lan, Edji Cralec phát hiện những kẻ đang yêu say đắm có dấu hiệu của người “bị bệnh”. Đó là bệnh “mù màu” khiến họ mất khả năng nhìn rõ sự thật về đối tượng yêu.
Hai là, về phía khách quan, đối tượng yêu cũng có thể biến đổi đi không đúng như bản chất thường ngày của họ. Kẻ keo kiệt thành hào phóng. Kể thấp hèn thành cao thượng. Có người còn cho rằng yêu là giả, lấy nhau mới là thật. Bởi vì khi yêu, người ta có thể giả tạo để làm đẹp lòng người yêu.
Đó là hai nguyên nhân chủ yếu khiến con người dễ mắc sai lầm khi lựa chọn bạn đời. Muốn tránh được điều đó, lời khuyên khôn ngoan là chớ nên vội vàng. Có những bạn trẻ yêu và cưới quá nhanh, họ chỉ cảm nhận đối tượng kết hôn qua những biểu hiện bên ngoài.
Tuy nhiên ngay cả những đôi không hề vội vã, yêu nhau một thời gian dài mà sau khi kết hôn vẫn lủng củng. Bởi vì trong quá trình tìm hiểu, người ta chưa đi sâu vào những vấn đề then chốt, chỉ cảm thấy hoà hợp nhau trên một vài phương diện nào đó, không phải là những mặt chủ yếu của cuộc sống vợ chồng.
Các chuyên gia về đời sống gia đình cho rằng một đôi vợ chồng có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào sự hoà hợp của bốn mặt sau đây :
Hoà hợp về mặt tâm lý.
Cũng như diện mạo con người, tâm lý không ai giống ai. Có thể kể ra hàng chục dạng tính cách tâm lý khác nhau, thậm chí đối chọi nhau như nước với lửa. Chẳng hạn, có người lúc nào cũng vui tính, có người hay đau buồn, kể cả buồn vu vơ. Có người sôi nổi, bồng bột, có người trầm tĩnh, chín chắn. Cũng có khi hai dạng tâm lý trái ngược nhau lại cảm thấy hoà hợp như là bù đắp cho nhau.
Yêu thì hợp mà kết hôn về mới phát hiện hai vợ chồng như nước với lửa. Ảnh minh họa
Kinh nghiệm thực tế cho thấy là, nếu hai người ở bên nhau mà cả hai đều cảm thấy thoải mái, thanh thản thì như thế là hoà hợp. Còn nếu một trong hai người cảm thấy gò bó, khó chịu là không hợp nhau, sống với nhau lâu dài sẽ có ít ra là một người khổ sở.
Hòa hợp tác phong sinh hoạt.
Có người tác phong cẩn thận từng ly từng tí. Có người đại khái, thế nào cũng xong. Hai người đó ở với nhau sẽ rất khó sống. Người cẩn thận, ngăn nắp sẽ luôn kêu ca phàn nàn về sự bừa bãi của người kia.
Trái lại, người sống xuề xoà, không coi những cái lặt vặt là quan trọng sẽ luôn cảm thấy bị gò bó, khó chịu và đến một chừng mực nào đó họ sẽ phản ứng lại. Không khí gia đình sẽ luôn căng thẳng như lúc nào cũng có thể nổ ra chiến tranh.
Cho nên trong khi tìm hiểu, cần phải xem đối tượng thuộc loại người có tác phong sinh hoạt như thế nào? Đừng tưởng rằng cứ kết hôn rồi sẽ uốn nắn theo ý mình. Thực ra uốn nắn một con người đã trưởng thành, tính cách đã định hình là gần như không thể.
Có đôi vợ chồng giáo viên trẻ cãi nhau nhiều quá về chuyện bừa bãi hay gọn gàng, cuối cùng phải lấy viên phấn vạch một đường ở giữa nhà, mỗi người ở một bên.
Người cẩn thận cứ tha hồ dọn dẹp sạch sẽ bên phần mình, còn người bừa bãi cũng tha hồ bày ra nửa gian nhà của mình mà người kia không có quyền can thiệp. Liệu hai người đó có thể hạnh phúc được không?
Hoà hợp về tinh thần.
Nói đúng ra là cách nhìn nhận của hai người về những giá trị tinh thần, các quan điểm đạo đức. Chẳng hạn có người luôn tâm niệm phải sống lương thiện, đúng với pháp luật và đạo đức, muốn làm giàu phải chịu khó lao động, chắt chiu tích luỹ. Nhưng người kia lại nghĩ đời là cạnh tranh, khoẻ sống yếu chết, cần phải chớp thời cơ “đánh quả” làm giàu.
Xung đột đôi khi bắt đầu từ điều rất nhỏ nhặt. Ảnh minh họa
Phải phất lên thật nhanh, họ coi cách làm ăn cần cù chịu khó là cò con, là không có đầu óc. Khi hai người trao đổi về những giá trị tinh thần như sự chung thuỷ, lòng hiếu thảo, đức hy sinh, có khi chỉ là một tình huống trên phim ảnh chẳng hạn, đều có những quan điểm trái ngược nhau thì hai người sẽ động nói về chuyện gì cũng cãi nhau.
Cuộc sống chung sẽ căng thẳng, thậm chí người này coi khinh hoặc phỉ báng người kia.
Hòa hợp về tình dục.
Điều này nhiều người cho là không quan trọng, bởi đó là ham muốn bản năng của con người, ai chả có. Nhưng trong thực tế rất nhiều đôi không hoà hợp trong chốn phòng the và từ sự không hoà hợp này dẫn đến những bất hoà khác.
Chẳng hạn có người nhu cầu cao, có người ít như cầu. Có người luôn thích “sáng tạo” kiểu cách mới lạ, có người lại chỉ muốn theo phong cách “cổ điển”. Lúc người này muốn, người kia lại không muốn. Không ít đôi vợ chồng mâu thuẫn về những chuyện này.
Bất hòa về nhu cầu tình dục sẽ khiến nhiều đôi bất hạnh. Ảnh minh họa
Nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc sẽ thấy đó là một điều không kém phần quan trọng. Bởi vì khi ta đã kết hôn với ai tức là tự nguyện chỉ quan hệ yêu đương, ân ái với một người duy nhất trên đời là người chồng hoặc người vợ của mình. Vậy mà trong trường hợp vợ chồng lại không hoà hợp gối chăn, sẽ làm mất đi một trong những giá trị của hôn nhân hiện đại.
Trên đây là bốn phương diện hoà hợp cơ bản của cuộc sống vợ chồng mà trước khi kết hôn cần phải được cả hai bàn bạc trao đổi xem có thống nhất không?
Thực tế cũng cho thấy những đôi vợ chồng hoà hợp được cả bốn mặt trên không nhiều. Được ba mặt cũng đã hạnh phúc. Nhiều đôi chỉ hoà hợp được hai mặt vẫn sống êm ấm suốt đời.
Nhưng nếu đôi nào chỉ hoà hợp được một trong bốn mặt trên thì sự kết hôn là quá mạo hiểm. Còn không hoà hợp được mặt nào vẫn liều “nhắm mắt đưa chân” lên xe hoa thì hạnh phúc với họ chỉ là hoang tưởng.
Nguồn: http://danviet.vn/song-tre/do-khoc-do-cuoi-vo-chong-phai-vach-phan-giua-nha-nguoi-doi-hoi-sex-ca...Nguồn: http://danviet.vn/song-tre/do-khoc-do-cuoi-vo-chong-phai-vach-phan-giua-nha-nguoi-doi-hoi-sex-cao-ke-nhu-cau-it-1031155.html