Mượn đất hàng xóm làm vườn
Lê Văn Lâm (30 tuổi, quê Bình Dương) và Nguyễn Văn Nghĩa (26 tuổi, quê Hà Tĩnh) trở thành đôi bạn thân sau khi cùng sang tỉnh Aichi (Nhật Bản) lao động.
Mới đây, những hình ảnh về khu vườn của hai chàng trai được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý. Trong vườn có đủ các loại rau xanh, cây trái, thậm chí còn có cả một mảnh ruộng nhỏ và một chiếc chòi lá.
Nghĩa cho biết, khu vườn rộng, nằm sát khu trọ, được một cụ ông cho mượn.
"Ông cụ là người hàng xóm vô cùng đáng kính. Thấy ông hay làm vườn ở gần đó nên mình ra hỏi han, giúp đỡ cũng là muốn học thêm tiếng Nhật. Thi thoảng, mình sang nhà cắt tóc giúp nên ông quý mình lắm.
Vườn rau xanh của Lâm và Nghĩa
Trước đây ông trồng rau kín vườn, nhưng giờ sức khỏe yếu, ông chỉ khoanh một mảnh nhỏ để trồng. Thấy mình cũng thích trồng cây, ông gợi ý cho mượn mảnh còn lại rộng gần 500m2", Nghĩa chia sẻ.
Nghĩa thấy rất hứng thú với gợi ý của cụ ông người Nhật. Anh bàn với Lâm dành thời gian làm vườn rau, cây ăn quả gần nhà cho tiện.
Giữa năm 2023, đôi bạn bắt tay vào làm. Rau xanh ở Nhật khá đắt nên đầu tư làm vườn rất có ý nghĩa. Hàng ngày sau giờ làm hành chính và vào những ngày nghỉ cuối tuần, Nghĩa, Lâm lại cùng nhau cải tạo vườn.
Cả hai tạo mảnh ruộng cấy lúa như ở quê hương
Thấy hai chàng trai chịu khó, các cụ già sống gần đó thường mang đồ dùng, cây giống sang cho. Nghĩa cho biết, hàng xóm hầu hết là người già, có kinh nghiệm làm vườn. Vậy nên từ khâu vun xới, tìm giống, gieo trồng anh đều hỏi các cụ.
Lâm chăm sóc vườn rau
Ngay cả việc bón phân gì, chăm sóc ra sao, tưới tiêu thế nào, đôi bạn cũng được các cụ chỉ dạy. Các cụ còn dặn, trước mỗi vụ, đất phải được xới tơi lên, sau đó rải vôi bột và phơi trong 1 tuần để diệt hết mầm bệnh.
Mảnh vườn cách công ty chỉ 10 phút đi bộ, nên sau giờ tan tầm, hai bạn tranh thủ về chăm sóc. Nghĩa và Lâm gần như trồng hết khoảng đất, chỉ chừa lối đi cho xe chở phân bón.
Ban đầu, đôi bạn định trồng cho vui, nhưng sau khi được cụ ông hàng xóm hỗ trợ nhiều, hai chàng trai quyết định làm vườn quy mô lớn với nhiều giống cây hơn. Họ chia vườn thành khu ươm mầm và khu trồng cây đã lớn.
Lâm cho biết, tại Aichi, từ tháng 3 - 9 là thời gian hợp lý để trồng khổ qua, cà chua, hành tây, mướp, su hào... Ngoài ra, cả hai ưu tiên việc trồng rau gia vị như tía tô, kinh giới... vì loại rau này mua ở Nhật khá khó.
Lúc đầu khó khăn, cây chết nhiều, sâu bệnh nhiều, cả hai có lúc nản lòng. Nhưng sau đó, đôi bạn thân lại cố gắng. Cây chết, cả hai tận dụng phần quả rụng và thân cây để bón xuống gố. Giữa vườn có rãnh nước nên việc tưới tiêu cũng đỡ vất vả hơn.
Nghĩa bên thành quả sau một lần thu hoạch
Vừa có phân bón tốt, vừa được tưới tiêu cẩn thận, vườn cây trở nên xanh tốt, có nhiều giống cây ăn quả, rau và cả hoa.
Vơi nỗi nhớ quê nhà
Ngoài trồng rau, đôi bạn thân Lâm – Nghĩa còn thiết kế một mảnh vườn cấy lúa và làm một chiếc chòi lá.
“Nhiều lần đến phụ giúp các cụ hàng xóm dọn vườn, thấy tre và lá cọ khô bị chặt bỏ, chúng mình bàn nhau dựng chòi giống như ở miền quê Việt. Chòi cao 3m, rộng 4m, bên trên lợp lá rất giống ở làng quê Việt”, Lâm chia sẻ.
Chỉ tranh thủ làm ngoài giờ, nên chiếc chòi lá phải đến 5 - 6 tháng mới được hoàn thiện.
Khung cảnh vườn rau vào mùa tuyết rơi
Thi thoảng gió mát, mọi người ra đó ngồi nhâm nhi tách trà, tâm sự và cùng nhau ngắm vườn rau. Mỗi lần thu hoạch, rau xanh khá nhiều, đôi bạn thân lại mang biếu hàng xóm, cho bạn bè cùng xóm trọ ăn.
Nghĩa cho biết, để có một vườn rau tốt, ngoài việc học hỏi hàng xóm về cách bón phân, chăm sóc, anh còn lên mạng, vào các hội nhóm để xin kinh nghiệm.
Chòi lá được đôi bạn thân dựng lên để hóng mát
“Khu vườn rất có ý nghĩa với chúng tôi. Nếu không đam mê và được mọi người cổ vũ, chúng tôi không thể trồng được vườn rau như vậy. Tôi coi đó là món ăn tinh thần, là hồn quê để giúp những người xa quê như tôi và Nghĩa phần nào vơi bớt nỗi nhớ quê nhà”, Lâm bộc bạch.
Ảnh, video: Nhân vật cung cấp