Trong một đám tang, Lý Mỹ Trân, 52 tuổi, giống như con gái người đã khuất nằm bẹp dưới đất, tay không ngừng đập vào thành quan tài, giọng điệu nức nở. Cử chỉ và tiếng khóc của cô khiến ai cũng rơi nước mắt.
Con cái của người quá cố đều đang ở nước ngoài, chưa kịp về chịu tang cha nên thuê cô Lý thay mình khóc thương.
Là người khóc thuê chuyên nghiệp tại thành phố Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến, Lý Mỹ Trân đã theo nghề được 24 năm. Mỗi ca khóc thuê của người phụ nữ này được trả 3.000 tệ (hơn 10 triệu đồng). Có ngày cô Lý làm tới ba ca.
Là con thứ ba trong gia đình 8 người con tại thành phố Trường Lạc, nhà nghèo nên hết cấp hai Lý Mỹ Trân bỏ học phụ giúp cha mẹ làm nông.
Năm 18 tuổi, Lý được gả cho một người đàn ông mù chữ làng bên. Cuộc đời cô rơi vào bi kịch trong 10 năm khi liên tục bị chồng hành hung mỗi khi không vừa ý. Lý bỏ về nhà mẹ đẻ, xin dọn dẹp trong cửa hàng ăn dành dụm tiền gửi về nuôi con.
Một lần, cô nhìn thấy người hàng xóm đang khóc than trong đám tang của người lạ và biết đến nghề khóc thuê. Lý ngỏ ý được thử bởi cô vốn hát hay. Người hàng xóm đưa cho Lý lời bài hát đang biểu diễn trong đám tang, bảo cô về luyện tập. Đọc lời hát nói về nỗi vất vả của người mẹ đã mất khi nuôi dạy con cái, nước mắt người phụ nữ 28 tuổi vô thức rơi xuống. "Khi đó tôi nghĩ đến mẹ mình, cũng như nghĩ tới những tủi nhục mà một người làm mẹ như tôi đã trải qua", cô nói.
Kể từ đó, Lý luôn giữ bài hát bên mình và tập luyện mỗi khi rảnh rỗi. Một lần đoàn khóc thuê thiếu người, cô được giới thiệu. Lần đầu khóc đám ma, Lý Mỹ Trân phải quỳ dưới nền đất, khóc than liên tục 30 phút. Cuối buổi cô được trả 70 tệ. Đó là số tiền lớn kiếm được trong thời gian ngắn. Lý tin rằng có thể đổi đời từ nghề khóc thuê này.
Từ đó, Lý bắt đầu công việc lúc 4h sáng và kết thúc khi đêm khuya. Thời điểm đó có ngày cô khóc 3-4 ca, mỗi ca kéo dài 1,5 tiếng không nghỉ, không uống nước. "Việc dừng lại uống nước sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc người khóc", Lý nói.
Khóc thuê là công việc không đơn giản. Khi khóc, cô phải dùng tiếng hát để giới thiệu hoàn cảnh người đã khuất, cũng như sự vất vả, đóng góp của họ trong gia đình nhằm khơi gợi nỗi xúc động và tạo hiệu ứng để người thân cùng khóc theo. Suốt quá trình khóc thuê, Lý phải quỳ lạy liên tục, trung bình vài trăm cái.
Nhiều đồng nghiệp vì tránh trầy xước đã buộc miếng đệm ở đầu gối, hoặc lúc không khóc được sẽ bôi dầu gió lên mắt. Nhưng với Lý, đây là hành động thiếu tôn trọng khách hàng. "Tôi không cho phép mình làm điều này bởi những gì giả dối sẽ không thể truyền đạt tình cảm chân thật đến mọi người", cô nói.
Người phụ nữ này từng chứng kiến đồng nghiệp bị khách hàng đánh bởi tiếng khóc không chân thành, không bộc lộ được tình cảm. Lý chưa gặp tình huống như vậy suốt 24 năm hành nghề, bởi tiếng hát của cô được đánh giá tràn đầy cảm xúc, gây được sự tiếc thương với người ở lại. Vì vậy giá khóc của Lý từ 70 tệ thời điểm đầu lên 3.000 tệ mỗi ca như hiện nay.
Thu nhập tốt, Lý không chỉ tạo điều kiện cho hai con trai học tập mà gần đây mua cho mỗi con một ngôi nhà riêng. Cô xây nhà mới cho bố mẹ cũng như góp kinh phí giúp ông bà an dưỡng tuổi già. Vì tự chủ kinh tế nên Lý cũng không ngần ngại đệ đơn ly hôn với chồng, sau nhiều năm chịu bạo lực gia đình.
Lý Mỹ Trân ở ngoài đời thực. Ảnh: 163.com
Dù vậy, từ khi làm nghề, Lý bị nhiều người thành kiến bởi cho rằng cô mang lại sự đen đủi, thậm chí còn ném đá hay chửi rủa sau lưng. Có người còn phản đối việc khóc thuê trong đám ma vì nghĩ hành động này không xuất phát từ sự tiếc thương với người đã khuất.
"Chẳng có gì sai khi giúp các gia đình bày tỏ nỗi đau của họ", Lý nói. Cô cho rằng đây cũng không phải hủ tục mà là một nét văn hóa truyền thông cổ xưa của Trung Quốc.
Từ nghề khóc thuê, Lý chứng kiến nhiều cảnh đời khác nhau, khiến tầm hiểu biết của cô về cuộc sống thêm sâu sắc.
Lý từng hát trong đám tang một phụ nữ ngoài 30 tuổi mất vì ung thư. Trước đó, người phụ nữ này cùng chồng phải chiến đấu nhiều năm với gia đình hai bên để đến được với nhau. Sau khi sinh con không lâu, người phụ nữ phát bệnh. Người chồng đã bán tất cả những gì có thể cứu vợ nhưng không thành. Trong đám tang, anh chỉ câm nín nhìn quan tài vợ. Lúc này Lý đến bên, an ủi rằng người vợ ra đi là được giải thoát khỏi sự đau đớn. Lý vừa dứt lời, người chồng mới ôm mặt nức nở.
Vì làm việc liên tục nên gần đây sức khỏe Lý không còn tốt. Cô thường mắc bệnh liên quan tới mắt sưng đỏ, bị chảy nước mắt khi có gió hay giọng nói khàn đặc do khóc lâu ngày.
Dù vậy trong mắt bạn bè Lý vẫn là người phụ nữ hoạt bát, vui vẻ, hay chọc cười. Để giải tỏa cảm xúc buồn bã sau mỗi đám tang, từ năm 2018, Lý lập kênh cá nhân riêng, chia sẻ cuộc sống thường ngày cũng như những công tác thiện nguyện. Nhiều người xem kênh thắc mắc vì sao không đăng những video khóc thuê, Lý cho rằng, đó không phải là cách tôn trọng người đã khuất.
"Nghề khóc thuê không chỉ cho tôi kinh tế mà còn giúp tôi biết trân trọng những gì đang có sau nhiều mất mát", Lý nói.