Khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành, khi ai cũng nói về SARS-COV-2 thì tại Anh, nơi mình đang sống và học tập, thật lạ lùng mọi chuyện dường như chẳng có gì. Cuộc sống vẫn tiếp tục, đường phố vẫn tấp nập, chẳng ai bày tỏ lo ngại. Có lẽ, mọi người vẫn nghĩ đó chỉ là thứ cúm mùa bình thường “đến hẹn lại lên”. Còn mình luôn trong trạng thái phân vân, ở đây phòng, chống khá hời hợt, trong khi ở Việt Nam lại hối hả gấp rút và luôn ở mức báo động cao.
Trong hoàn cảnh đó, mình cũng chưa thấy cần phải đưa ra quyết định dứt khoát và mình vẫn ở lại. Trên các mạng của du học sinh Việt Nam tại Anh, mọi người dặn nhau cẩn thận, hạn chế ra ngoài. Lác đác một số đã đặt vé về Việt Nam.
Sau một tuần, mọi thứ khác hẳn. Dịch bùng phát mạnh mẽ, ngày nào tại Anh cũng có ca dương tính và tử vong. Khi người Anh nhận ra SARS-COV-2 không đơn giản như họ nghĩ, một bầu không khí u ám phủ xuống rất nhanh. Mọi thứ bắt đầu nhốn nháo, mất kiểm soát.
Từ Việt Nam, bố mẹ mình lo lắng cực độ, ngày nào cũng nối điện thoại sang. Rồi tăng dần lên một tiếng một cuộc. Nội dung thì giống nhau: “Con về ngay đi!”. Mình quyết định đặt vé ngay lập tức về Việt Nam ngày 21/3, chuyến bay được ấn định sẽ về Cần Thơ theo sự điều tiết của cơ quan phòng, chống dịch. Trong khi chuyến bay ngay sau đó, ngày 22/3, lại về Vân Đồn. Nếu trễ hơn một ngày, mình sẽ được về gần nhà hơn. Nhưng không sao, vì lúc đó mình không còn lựa chọn nào ngoài việc làm sao để được về nhanh nhất.
Từ nhà ra sân bay và đến lúc về đến Cần Thơ, mình trong trạng thái "phòng thủ" duy nhất: Khẩu trang trên mặt, mũ trùm kín, áo khoác dài phủ kín. Một tay cầm bịch khẩu trang dự phòng, tay kia cầm chai xịt khuẩn và xịt liên tục lên mọi thứ xung quanh cần tiếp xúc.
Không khí trên xe đến khu cách ly khá vui vẻ, mọi người nhanh chóng kết thân với nhau. Có lẽ, từ niềm vui chung được về nhà. Cho đến lúc đó, mình vẫn chưa thấy những biểu hiện cơ bản của SARS-COV-2, mà không biết một số biểu hiện khác của bệnh: Buồn nôn, tiêu chảy...
Sau hôm lấy mẫu, mình đang ngồi chơi cùng mọi người thì nghe đọc tên. Ngay lập tức tất cả đều có dự cảm không lành, đồng loạt hỏi nhân viên xem mình bị sao. Mình được đưa ngay đến khu điều trị sau khi có kết quả dương tính. Mình gọi ngay cho gia đình để thông báo. Mẹ khá bình tĩnh đón nhận, không hoảng hốt. Có thể đó là cách mẹ đã chuẩn bị trước để giữ cho mình sự lạc quan, dù thường ngày tính mẹ vốn hay lo.
“Mình nhiễm ở đâu? Nhiễm lúc nào? Vì sao lại nhiễm”, hàng loạt câu hỏi truy vấn hiện lên trong đầu. Mình đoán bị nhiễm ngay tại Anh, dù một tuần chỉ đi học vài buổi. Như mọi bạn khác, mình cũng không đeo khẩu trang. Hơn nữa, đây là mặt hàng “xa xỉ” ở Anh, vì rất khó mua.
Thật sự, lúc đó mình cũng không thấy sợ hãi lắm vì thấy cơ thể vẫn khá ổn. Cho đến lúc nằm điều trị, sốt cao nhất cũng chỉ 37,5 độ. Máu và phổi chụp phim đều không tổn thương. Mỗi ngày được phát thuốc uống 2 lần, có triệu chứng nào thì uống thuốc đó.
Bác sĩ Bệnh viện Lao và bệnh phổi Cần Thơ tặng hoa cho Thủy ngày xuất viện.
Có thể do tình trạng nhẹ, hoặc may mắn thế nào đó, chỉ sau một tuần, mình đã có kết quả âm tính lần đầu và được chuyển sang khu điều trị khác. Ở đây, mình có dịp trò chuyện nhiều hơn với các y, bác sĩ. Có ở trong này, chứng kiến các “chiến sĩ tuyến đầu” ngày đêm làm việc vì sức khỏe người dân, mới cảm nhận hết nỗi vất vả, hi sinh của họ.
Một anh bác sĩ điều trị cho mình kể, đã lâu chưa được về nhà. Hai tuần nữa là vợ anh đến ngày sinh. Khi anh thông báo cho vợ biết vẫn phải “cách ly” thêm hơn 2 tuần nữa, người vợ đã khóc trong điện thoại. Còn anh chỉ biết im lặng. Khi nghe anh kể, mình không kìm được cảm xúc. Anh cũng thường xuyên động viên mình giữ tinh thần lạc quan sẽ giúp quá trình điều trị đạt kết quả tốt hơn.
Ngày ra viện, mình được tặng một cây bút có khắc tên và số ca bệnh, ngày nhập và xuất viện. Có những bác sĩ tận tâm như vậy, những ngày ở bệnh viện trôi qua rất nhẹ nhàng, như một kỳ nghỉ chứ không phải những ngày nặng nề, lo âu, sợ hãi chống chọi bệnh tật.
Mình về nhà và tiếp tục tuân thủ quy định cách ly. Rồi mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Mình sẽ lại sang Anh tiếp tục đi học. Nhưng những trải nghiệm về tình người, về sự sống và cái chết, những quan sát từ xung quanh trong những ngày dịch bệnh, sẽ theo mình suốt đời.