Một dự luật mới vừa được ra nhằm xử lý những vị khách thiếu lương tâm hủy đơn hàng vô tội vạ với kỳ vọng chấm dứt nạn "bom hàng" đang diễn biến phức tạp.
Theo tờ Manila Bullentin, mới đây ông Alfredo Garbin Jr. thuộc đảng Ako Bicol đã trình lên Hạ viện Philippines dự luật HB6958 có nội dung nghiêm cấm hủy đơn vô cớ từ các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng khi shipper đã tiến hành thanh toán hoặc đã chuyển hàng tới địa chỉ. Theo dự luật mới này, thị trưởng của từng thành phố được phép đưa ra hình phạt hoặc những người vi phạm sẽ phải bị giam 6 năm, đồng thời phải hoàn trả gấp đôi giá trị đơn hàng và nộp phạt 100.000 peso (tương đương 46 triệu đồng).
Theo ông Garbin Jr., nạn "bom hàng" đang gây nên thiệt hại không đáng có về thời gian và kinh tế nên cần mạnh tay để chấm dứt tình trạng này.
Dự luật mới được kỳ vọng chấm dứt nạn bom hàng ở Philippines. (Ảnh: Manila Bullentin)
Ngay tại Việt Nam, dư luận cũng từng bức xúc với những vụ "bom hàng" của các vị khách "lầy lội". Các shipper làm việc bất chấp nắng mưa, thời tiết để nhận về thu nhập không đáng bao nhiêu, nhưng đôi lần họ cũng phải rơi vào hoàn cảnh cay đắng đến bật khóc khi bị "bom hàng".
Một vụ việc xảy ra cách đây chưa lâu cũng gây xôn xao khi nhiều shipper cùng lên tiếng tố bị một người "bom hàng" ngay trong mùa Covid-19. Người này đã dùng số điện thoại duy nhất để đặt nhiều shipper mang đồ ăn tới cùng một địa chỉ. Nhưng khi tới nơi thì gần 10 tài xế GoViet "khóc nghẹn" khi chủ nhà khẳng định không đặt bất cứ đơn hàng nào.
Một số người dân xung quanh biết chuyện đã quyết định mua giúp số đồ ăn này bởi quá thương cho những shipper ngay mùa Covid-19 phải lặn lội đi làm mà còn bị ăn trái đắng. Thu nhập đã bị ảnh hưởng bởi Covid rồi giờ còn tự nhiên bị mất một số tiền oan uổng chưa kể xăng xe (mỗi đơn trị giá 300.000 đồng) thì thật tội nghiệp.
Hơn chục shipper đội nắng tới nơi nhưng được chủ nhà thông báo không đặt đơn nào cả.
Mỗi đơn hàng trị giá 300.000 đồng, một thiệt hại lớn đối với các shipper ngay trong mùa Covid-19.
Một câu chuyện khác cũng khiến dư luận bức xúc không kém khi một bài viết trong một group với nội dung "Tội nghiệp chú, già rồi dầm mưa dãi nắng chạy xe mà còn bị mấy đứa phá" đính kèm một bức ảnh chụp tin nhắn. Có lẽ không ít người cảm thấy thương cảm và bức xúc khi đọc tới đoạn "Giờ này 9h tối rồi mà chưa có hột cơm nào trong bụng nữa. Bánh pizza thì chú không biết ăn vì chưa ăn bao giờ, bụng đói nhưng có ăn cũng không vô, đành cho người nằm ngoài lề đường".
Những tin nhắn khiến nhiều người đọc xong không khỏi thương cảm cho bác tài xế.
Mới đây, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại TP HCM, một nữ tài xế công nghệ tên Quyên đã phải rơi nước mắt khi bị cho leo cây một đơn hàng 10 suất bánh hỏi, bún chả nướng, tổng giá trị gần 500 nghìn. Dù đã cẩn thận gọi điện trước cho người mua để xác nhận 10 suất ăn, nhưng khi đến nơi thì người nhận bảo chị đợi 10 phút để xuống lấy. Do đợi quá lâu, chị gọi lại thì số đã bị người kia chặn.
Một đồng nghiệp của chị Quyên - cũng là người đã đăng tải bài viết lên mạng cho biết thêm: "Mỗi suất có giá 49 nghìn, được tặng thêm mỗi suất một ly cà phê sữa. Khi bị khách 'bỏ bom' thì cũng đành mất tiền, chị Quyên mang chia cho mọi người mỗi người một suất, vừa ăn vừa khóc".
Chị Quyên và 10 suất ăn "chan" nước mắt của một vị khách vô lương tâm.
Không chỉ riêng gì những shipper, ngay bản thân những người bán hàng online cũng phải cùng gánh hậu quả. Không những hàng không bán được mà còn mất thêm tiền cước vận chuyển hai chiều đi và về.
Có thể với những vị khách này thì việc ngồi phòng điều hòa đặt một món đồ là việc đơn giản nên khi hủy thì họ cũng không cảm thấy có gì áy náy. Nhưng đối với các shipper, những người phải lái xe hàng Km để rồi bị "bom hàng" mà không một lý do thì thực sự là uất nghẹn. Thu nhập thì không được đảm bảo mà tự dưng còn mất oan một số tiền không đáng.
Có lẽ cũng cần có một chế tài ở Việt Nam để phạt những vị khách ẩm ương có sở thích "bom hàng" khiến nhiều người rơi vào cảnh khốn đốn. Bởi hiện nay ở Việt Nam, người đặt có thể dễ dàng không nhận hàng, cho shipper "leo cây" mà không cần lý do chính đáng.
Thiết nghĩ chế tài nào cũng không bằng chế tài của lương tâm, người đặt hàng có lẽ cũng nên một lần đặt mình vào hoàn cảnh của những shipper như trong bài trước khi hủy đơn để không làm ai phải bị ảnh hưởng mà bản thân cũng không bị xã hội lên án gay gắt./.