Isaac Newton (1643 - 1727), người phát hiện ra trọng lực và đồng phát minh ra phép tính vi phân, là một trong những thiên tài nổi tiếng và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới.
Hình ảnh của Newton được lưu giữ dưới nhiều hình thức, từ tượng bán thân, tranh vẽ cho đến bản khắc. Chúng được tạo ra trong nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của nhà triết học tự nhiên người Anh và đã giúp hậu thế hình dung ra về diện mạo của ông. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của Newton là chiếc mũi cao, xuất hiện rõ ràng và nhất quán trong tất cả các bức chân dung.

Một bức tranh chân dung của Isaac Newton.
Tuy nhiên, bên cạnh các bức tranh quen thuộc này, còn một tác phẩm khác đã khắc họa chính xác từng đường nét dung mạo của thiên tài: mặt nạ tử thần. Mặt nạ tử thần khá phổ biến ở châu Âu vào thời điểm bấy giờ, nhất là trong giới quý tộc và hoàng gia. Khuôn mặt của người đã khuất được đặt trong khuôn sáp hoặc thạch cao để lưu giữ lại hình ảnh cho thế hệ sau. Các nhà văn, nghệ sĩ, nhà soạn nhạc và cả các nhà khoa học lỗi lạc như Newton cũng được vinh danh bằng phương pháp này.

Một chiếc mặt nạ tử thần của Newton.
Phương pháp này được sử dụng trong nhiều thế kỷ, từ thời Trung cổ đến những năm 1800, để các nhà điêu khắc có thể tạo ra tượng và tượng bán thân của người quá cố. Trong trường hợp của Newton, một số mặt nạ đã được tạo ra, có khả năng là do nghệ sĩ Michael Rysbrack thực hiện. Rysbrack cũng chính là nhà điêu khắc đứng sau công trình tưởng niệm Newton tại Tu viện Westminster, nơi nhà khoa học được an táng.
Hội Hoàng gia Anh hiện sở hữu một chiếc mặt nạ tử thần của Isaac Newton. Chiếc mặt nạ này từng thuộc về Louis-François Roubiliac, một nhà điêu khắc người Pháp. Ông đã tạc một bức tượng bán thân bằng đá cẩm thạch của Newton, hiện được đặt tại Đại học Trinity Cambridge, nơi nhà khoa học từng là thành viên.
Khoảng một thập kỷ trước, chiếc mặt nạ này đã được quét kỹ thuật số và tạo thành mô hình 3D bằng Xbox Kinect. Mặc dù trọng lượng thạch cao đã làm thay đổi một chút diện mạo của nhà khoa học, nhưng các đặc điểm trên bản khắc năm 1720 của John Vanderbank vẫn rất rõ ràng. Bản khắc này được thực hiện chỉ vài năm trước khi Newton qua đời.

Dung mạo thật của nhà bác học được dựng lại dưới dạng 3D.
Nguồn: IFL Science