Trò chơi truyền hình thực tế (gameshow) hẹn hò nở rộ ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Các đài truyền hình đua nhau sản xuất gameshow về chủ đề này. Nhiều chương trình ghép đôi trên sóng truyền hình ra đời như Lựa chọn của trái tim, Tỏ tình hoàn mỹ, Cho phép được yêu, Người ấy là ai, Bạn muốn hẹn hò... Tại đây, người chơi không chỉ tìm kiếm một nửa phù hợp mà còn có cơ hội thể hiện quan điểm sống, thậm chí khoe tài lẻ, khoe… tài sản.
Bạn muốn hẹn hò là một trong những chương trình thu hút sự quan tâm lớn của khán giả. Hầu hết trích đoạn video từ các số phát sóng đạt từ hàng chục nghìn tới hơn 3 triệu lượt xem trên Facebook. Những video này được đính kèm với những dòng giới thiệu rất kêu, nhưng cũng gây ra tranh cãi về sự phản cảm, kém duyên. Điển hình như: “Cười bò với anh chàng bị điện giật phấn khích tham gia show hẹn hò”, “Cô gái ăn chay trường thích quen đàn ông có vợ”, “Anh thanh tra có điệu cười độc lạ cưa đổ cô nàng còn zin”,…
Chương trình Vợ chồng son phát sóng trên kênh HTV7 cũng nhiều lần khiến người xem nóng mặt vì nội dung nhạy cảm. Tập 351 của Vợ chồng son từng gây chú ý bởi câu chuyện tình yêu của cặp Nguyễn Văn Hưng và Nguyễn Thị Nhất. Cặp vợ chồng cách nhau 20 tuổi vô tư kể chuyện phòng the. Khách mời cũng không ngại chia sẻ chuyện nhạy cảm như vợ chồng nhà thiết kế thời trang Pông Chuẩn, MC Hồng Phúc. Nhiều video chia sẻ của khách mời được đặt tiêu đề theo công thức chung liên quan đến vấn đề tình dục để hút lượt xem.
Gameshow Date and kiss (Hẹn hò và hôn) lên sóng lần đầu năm 2018 bị ném đá vì ngập cảnh người chơi ôm hôn. Nhân vật chính cùng lúc thân mật với hai ứng cử viên. Nhiều khán giả cho rằng, gameshow này không phù hợp với văn hóa Việt, không có thông điệp nhân văn mà đơn thuần câu khách bằng cảnh nhạy cảm.
Chương trình Lựa chọn của trái tim cũng nhận phản ứng tiêu cực từ người xem vì hạ thấp giá trị người chơi với hình ảnh chàng trai/cô gái ngồi bình phẩm, lựa chọn các ứng viên đứng xếp hàng. Thông điệp chương trình được giới thiệu ban đầu là tình yêu xuất phát từ tâm hồn, nhưng thực tế nhiều người chơi lộ rõ vẻ ái ngại khi thấy đối phương có ngoại hình hạn chế. Ở nhiều gameshow, chuyện giường chiếu thành đề tài chủ yếu, được MC lẫn người chơi, khách mời đặt lên bàn cân so sánh, thảo luận sôi nổi. Chương trình Ghép đôi thần tốc từng gây xôn xao khi khách mời là cô gái 26 tuổi tiết lộ muốn bạn trai chi nhiều tiền để mua đồ, đầu tư bất động sản cho mình.
Siết từ khâu kiểm duyệt
Những yếu tố riêng tư liên quan đến đời sống hôn nhân, tình cảm luôn là chi tiết hút người xem. Tuy nhiên, việc lạm dụng chuyện này sẽ khiến chương trình biến từ sự hài hước thành phản cảm. Khán giả luôn quan tâm về việc nhà sản xuất, nhà đài tiết chế các tình huống nhạy cảm.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó giám đốc Trung tâm phim tài liệu đài truyền hình Việt Nam, đại diện đơn vị phát sóng Đảo thiên đường (vừa lên sóng VTV3) cho biết, những chương trình hẹn hò do nhà đài từng phát sóng luôn có sự kiểm duyệt kỹ về trang phục, phát ngôn, những hành vi thái quá. “Chúng tôi không cấm hôn nhau vì đó là hành động tự nhiên. Nếu như hành vi thái quá, chúng tôi bắt buộc phải kiểm duyệt. Bên cạnh đó, vấn đề trang phục phải đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”, đại diện VTV nói. Sự chuẩn bị từ ê-kíp đôi khi cũng không kiểm soát hết được những sơ suất của người chơi. Vì thế, khâu kiểm duyệt càng được thực hiện chặt chẽ.
Chương trình hẹn hò cần chú trọng khâu kiểm duyệt
Chị Vương Phương Linh (27 tuổi, TPHCM), thành viên nhóm sản xuất biên tập của nhiều gameshow cho biết, thông thường các chương trình hẹn hò đều có nội dung cố định để khai thác: chuyện các khách mời quen biết nhau như thế nào, các mối tình trong quá khứ ra sao, mẫu bạn đời mong muốn,… “Có tiêu chuẩn chung để khai thác chuyện riêng tư, nhưng câu chuyện của mỗi người mỗi khác tạo nên sự đa dạng cho chương trình. Với chương trình hẹn hò, đối tượng khán giả chủ yếu ở độ tuổi 25-30 trở lên. Họ quan tâm những chi tiết về tài sản cá nhân hoặc câu chuyện về đời sống tình cảm riêng tư”, chị Linh chia sẻ.
Không hiếm trường hợp nhà sản xuất muốn đẩy tương tác cho chương trình bằng cách khai thác triệt để chi tiết nhạy cảm, riêng tư. Tuy nhiên, ê-kíp sản xuất cần đề cao vai trò kiểm soát nội dung, tránh để những tình tiết lan man, thiếu giá trị chiếm sóng quá nhiều. Chuyên gia cho rằng, đội ngũ biên tập, hậu kỳ phải có trách nhiệm sàng lọc nội dung. Một số chuyện tế nhị được khách mời nêu quá chi tiết, biên tập viên có thể tiết chế sao cho phù hợp để đảm bảo tính chân thực nhưng không quá sa đà, ảnh hưởng tới tinh thần và thông điệp chung của chương trình.
Những phát ngôn sốc, chiêu trò kịch tính nếu được xử lý khéo léo và bất ngờ cũng là yếu tố giúp gameshow giữ nhiệt. Tuy nhiên, đạo diễn Trương Quốc Phong cho rằng, cần lưu ý tình trạng lạm dụng chiêu trò, tránh tạo hình ảnh xấu trên sóng truyền hình. “Gameshow hấp dẫn đòi hỏi format (thể thức) hay, phải có yếu tố riêng biệt khiến người xem bị cuốn hút. Hiện nay, nhiều chương trình thừa chiêu trò, thiếu chuyên môn và thông điệp nhân văn cũng khiến người xem ngán ngẩm”, đạo diễn Quốc Phong bày tỏ.
Đa phần gameshow mai mối có mục đích tốt, giúp người chơi tìm kiếm tình yêu đích thực, hoặc cơ hội bắt đầu một mối quan hệ mới. Vì vậy, nhà sản xuất cần cân nhắc kỹ khi khai thác, phát triển câu chuyện của người chơi để chương trình đi đúng hướng.
Nhân vật giả, câu chuyện giả Sau số phát sóng thứ 4, chương trình Hành lý tình yêu (lên sóng 2021) vấp phải sự chỉ trích dữ dội từ khán giả khi để người chơi là chàng trai tên Công Hoàng chia sẻ những quan điểm về gia đình, gia phong, dòng tộc ở Huế. Chàng trai gây sốc với phát ngôn sẽ ly hôn nếu vợ không sinh được con trai hay đàn ông ngồi mâm trên, phụ nữ phải ngồi mâm dưới. Khi Công Hoàng nổi tiếng nhờ phát ngôn gây tranh cãi, cư dân mạng phát hiện anh từng tham gia một chương trình hẹn hò khác và đã hứa “yêu trọn đời” một cô gái tham gia gameshow này. Tuy nhiên, nam thanh niên sau đó tiết lộ, khi gameshow khép lại, anh không hẹn hò với cô gái kia. Tất cả chỉ là kịch bản. Người thân xuất hiện trên chương trình cũng là diễn viên quần chúng. |