Gặp cùng lúc 4 thần tượng startup công nghệ, sinh viên ĐH Văn Lang được truyền cảm hứng mạnh mẽ

Vừa qua, dàn tài năng trẻ startup công nghệ đã hội tụ để cùng giao lưu với sinh viên trường ĐH Văn Lang tại talkshow "AI - Blockchain và câu chuyện khởi nghiệp".

TS. Vũ Duy Thức - nhà sáng lập kiêm CEO dự án Kambria, TS. Lưu Thế Lợi - nhà sáng lập kiêm CEO Kyber Network, ThS. Văn Đinh Hồng Vũ - nhà sáng lập kiêm CEO dự án Elsa Speak, ThS. Ngô Trí Giang - nhà sáng lập kiêm CEO Everest Education là các diễn giả đến giao lưu với sinh viên trường ĐH Văn Lang và truyền cảm hứng qua những câu chuyện khởi nghiệp công nghệ.

Các khách mời diễn giả tại sự kiện.

Mở đầu talkshow, cả 4 diễn giả đều nhiệt tình chia sẻ về những động lực dẫn đến hành trình khởi nghiệp của mình. TS. Lưu Thế Lợi trải lòng về những đam mê khi còn là sinh viên: "Từ việc nghiện giải quyết những bài toán khó, tôi nghiện giúp ích nhiều người giải quyết vấn đề của họ".

Hành trình khởi nghiệp của cả 4 diễn giả này đều có dấu ấn mạnh mẽ của các ứng dụng AI và Blockchain. "AI - Trí tuệ nhân tạo thật sự cần thiết khi xử lý khối lượng công việc khổng lồ, đòi hỏi tốc độ và sự chính xác. Khi đó con người sẽ được giải phóng bởi các công việc nhàm chán để dành thời gian thực hiện các công việc đòi hỏi giao tiếp nhiều hơn.", "ông trùm AI" - TS. Vũ Duy Thức khẳng định.

Anh cho rằng, khởi nghiệp công nghệ là vô cùng khó và không phải ai cũng có thể làm được nếu chưa một lần trải qua thất bại. "Học khởi nghiệp từ những câu chuyện thành công rất khó. Học từ những câu chuyện thất bại sẽ tránh được rủi ro.", TS. Thức nêu quan điểm.

TS. Vũ Duy Thức và ThS. Ngô Chí Giang không ngần ngại kể về thất bại khi hội ngộ.

Đồng tình với quan điểm này, ThS. Văn Đinh Hồng Vũ nhắc lại câu nói của một người thầy giảng dạy tại ĐH Stanford (Mỹ): "Thất bại lớn nhất là chưa có thất bại". Elsa Speak là ứng dụng được chị lấy cảm hứng từ thất bại của mình trong thời gian đầu học tập tại nước ngoài và không thể giao tiếp tốt vì vốn ngoại ngữ hạn chế.

"Đừng bắt đầu bằng một giải pháp, mà hãy lắng nghe nhu cầu của người sử dụng để tạo ra sản phẩm.", chị Vũ đúc kết. ThS. Văn Đinh Hồng Vũ hy vọng rằng, trong tương lai, nhờ ứng dụng công nghệ vào giáo dục, giáo trình không còn là những quyển sách rập khuôn mà thích ứng với từng mong muốn của người học.

Con đường khởi nghiệp tuy rất cô đơn nhưng không thể đi một mình. ThS. Ngô Chí Giang khuyên sinh viên và các bạn trẻ hãy tận dụng thế mạnh của mỗi nhân tố trong tập thể: "May mắn của tôi là hiểu được điểm yếu của mình và tìm những cộng sự phù hợp để làm cho team mạnh mẽ hơn".

ThS. Ngô Chí Giang cởi mở giao lưu với sinh viên ĐH Văn Lang sau khi kết thúc talkshow.

Bên cạnh các kiến thức về công nghệ mới tiềm năng, talkshow "AI - Blockchain và câu chuyện khởi nghiệp" còn mang đến những kỳ vọng vào thế hệ trẻ Việt Nam. Nhà sử học Dương Trung Quốc - Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam cũng có mặt tại sự kiện và bật mí rằng: "Tôi năm nay 73 tuổi. Ở thời điểm này, tôi cũng khởi nghiệp và tôi hy vọng rằng, các bạn trẻ sẽ mạnh dạn thực hiện những điều lớn hơn".

Nhấn mạnh sứ mệnh khai phá của sinh viên, TS. Vũ Viết Ngoạn - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nói: "Đất nước chúng ta đã đến lúc cần thay đổi đột phá. Khai thác trí tuệ người Việt Nam tại Việt Nam sẽ đem đến thành công".

Các lãnh đạo gạo cội của Việt Nam cũng hội tụ với các tài năng trẻ trong lĩnh vực AI - Blockchain tại sự kiện.

GS. Trần Hồng Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đặt rất nhiều kỳ vọng: "Cơn bão mang tên Cách mạng 4.0 dành cơ hội đồng đều cho tất cả các nước phát triển và đang phát triển. Những người lớn tuổi như chúng tôi không thể tham gia như các bạn trẻ, nhưng chúng tôi có quyền kỳ vọng ở các bạn".

GS. TS. Thái Kim Lan là giáo sư triết học đã có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nước Đức và quyết định trở về Việt Nam, bà ủng hộ hoàn toàn những chia sẻ trên. Tại Hội trường mang tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của ĐH Văn Lang, nơi diễn ra sự kiện, là một người bạn của cố nhạc sĩ, GS. TS. Thái Kim Lan đã mượn lời bài hát của ông để gửi gắm đến mọi người: "Những buổi chiều đi xuống, ngày mai mặt trời sẽ mọc đâu đó ở Phương Đông. Chúng ta ở Phương Đông và hãy hy vọng".

Từ những phản hồi tích cực của sinh viên tham dự sự kiện, trường ĐH Văn Lang hy vọng có thể kết nối những tài năng trẻ đam mê công nghệ, mở ra những cơ hội phát triển chuyển đổi số cho cộng đồng sinh viên, dần đưa Việt Nam đi lên vững mạnh trong cuộc đua công nghệ.

Theo Kenh14.vn


* Nội dung liên quan: