Đầu năm 2023, trên TikTok có một trend gọi là “Material Girl” (cô gái vật chất). Người dùng khắp thế giới đăng tải những video khoe tiền bạc, đồ hiệu, xe sang trên nền nhạc bài hát kinh điển cùng tên của Madonna: "Chúng ta đang sống trong một thế giới vật chất, và tôi là một cô gái vật chất".
Theo báo cáo Better Money Habits năm 2022 của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Bank of America) khảo sát hơn 1.000 người trưởng thành, nhận định này có vẻ đúng. Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) là thế hệ sống vật chất nhất từ trước đến nay.
Ảnh minh họa
Gen Z thích và khao khát vật chất hơn
Thống kê cho thấy mong muốn dễ dàng mua được hàng hóa vật chất đang thúc đẩy 45% thế hệ Z đạt thành công về mặt tài chính. Họ là thế hệ có nhiều khả năng cảm thấy như vậy nhất. Chỉ 34% thế hệ Millennials và 30% người Gen X có động lực và khát vọng tương tự.
Mơ ước có thể sở hữu một chiếc xe thể thao sang trọng hoặc một chiếc túi xách hàng hiệu là mục tiêu cho cuộc sống lý tưởng của nhiều bạn trẻ ở độ tuổi 20. Trước đây, khi Gen Y hay Gen X còn trẻ, họ cũng có những khát vọng vật chất như vậy, nhưng không nhiều bằng.
Tất nhiên, mong muốn là một chuyện, thực tế lại là một câu chuyện khác. Đi kèm với mong muốn vật chất cao hơn là khó khăn nhiều hơn để đạt được mục tiêu đó, nhất là trong nền kinh tế hiện nay. Ở nhiều quốc gia, việc trang trải những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống như tiền thuê nhà và thực phẩm đã là quá xa tầm tay, thì việc một ngày nào đó có đủ thu nhập để mua nhà lầu xe sang là một giấc mơ viển vông.
Những người lớn tuổi nhất của Gen Z cũng mới bắt đầu sự nghiệp, nhiều người đang có mức lương khởi điểm. Hầu hết Gen Z còn lại vẫn còn đang đi học, có thể không kiếm được đồng lương nào cả. Điều đó có nghĩa là lạm phát cao kỷ lục gây ảnh hưởng đến thế hệ này nhiều hơn những người lớn tuổi đã tiết kiệm trong nhiều năm.
Phần lớn Gen Z (73%) nói với Bank of America rằng môi trường kinh tế hiện tại khiến việc tiết kiệm trở nên khó khăn. Nhiều người cho rằng nền kinh tế và lạm phát là nguyên nhân gây căng thẳng tài chính hàng đầu. Hơn một nửa Gen Z (59%) cho rằng lạm phát khiến việc tiết kiệm cho các cột mốc tài chính trong tương lai trở nên khó khả thi hơn. Chi phí nhà ở và tiền thuê nhà tăng cao là một vấn đề đặc biệt nhức nhối, với 40% người được hỏi nói rằng nó làm giảm khả năng chi trả cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày của họ.
Và 43% cho biết lạm phát khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn. Gần một nửa thế hệ Z ở Mỹ đang mắc nợ, khiến họ gặp khó khăn trong việc chuẩn bị cho các mục tiêu dài hạn như đầu tư, lập quỹ khẩn cấp hoặc tiết kiệm để nghỉ hưu. Họ muốn trả hết số tiền đó đến mức, theo báo cáo, họ sẵn sàng từ bỏ các khoản chi cho bánh pizza và sô cô la trong một năm hoặc điện thoại di động trong một tháng.
Ảnh minh họa
Gen Z cố gắng kiếm tiền hơn
Gen Z trọng vật chất hơn không phải là vấn đề quá tiêu cực hay đáng buồn. Thay vào đó, Gen Z thực tế hơn trước những thách thức kinh tế của mình: 3/4 đang tham gia các công việc phụ để kiếm thêm tiền và hơn 1/3 đang cân nhắc thay đổi nghề nghiệp để giải quyết những lo lắng về tài chính của mình. Nó cũng phần nào giải thích tại sao Gen Z lại có tỷ lệ nhảy việc cao hơn nhiều so với các thế hệ khác, vì với họ, mức lương tốt hơn là động lực hàng đầu trong công việc.
Nhưng giấc mơ mua hàng xa xỉ không chỉ thúc đẩy hành trình kiếm tiền của họ. Theo báo cáo của Bank of America, 3/4 thế hệ Z chỉ muốn đạt được “sự an tâm về tài chính”.
Ảnh minh họa
Nhóm người trẻ này có quyết tâm cao đạt được mục tiêu tài chính của mình: 2/3 đang tích cực tiết kiệm cho tương lai và 58% cảm thấy lạc quan về tài chính. Có thể một ngày nào đó họ sẽ có thể tự mua được cho mình một ngôi nhà, và trong lúc chờ đợi, Gen Z đang cố gắng “gồng gánh” bằng cách săn những chiếc áo thun giảm giá trên sàn thương mại điện tử.
“Đây không phải những thống kê tệ. Giống như thế hệ trước, họ cần phải làm việc chăm chỉ để có thể thỏa mãn về mặt vật chất. Chúng ta cần một thế hệ như thế để đưa nền kinh tế đi lên”, một bình luận trên Yahoo nhận định.
Nguồn: Fortune